“Cô hàng xén” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Truyện xoay quanh những phiên chợ của một cô gái bán hàng xén, nhưng man mác, thấm đẫm trong mỗi trang văn là nét riêng của cảnh sắc thiên nhiên, là nhịp đập hơi thở cuộc sống sau lũy tre làng và đặc biệt, lắng lại ở vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người.
Lần theo những bước chân của cô hàng xén, lúc chạy chợ chính buổi sớm mai, lúc tàn phiên trở về khi trời xẩm tối, người đọc vừa hình dung rõ nét về cuộc sống của người dân nghèo trong xã hội cũ, vừa bắt gặp những vẻ đẹp sâu kín trong những cuộc đời bình dị, đời thường.
1.
Gánh hàng của cô hàng xén chỉ gồm những thức “lặt vặt”: Cuộn chỉ, bao kim, hộp bút, cúc áo, giấy lơ…, thêm phấn xoa mặt, dầu bôi tóc, son thoa môi. Tất cả chỉ “đáng giá hai chục bạc”. Nhưng đó là gánh hàng để “nuôi cả một nhà”. Từ ngày trong nhà kém sút, ông Tú như người mất hồn, chẳng còn để ý đến công việc gì nữa, bà Tú một mình cấy hơn mẫu ruộng, lấy thóc dùng cho năm, sáu miệng ăn, việc học hành của hai đứa em - thằng Lân và thằng Ái, đều trông cả vào gánh hàng của người chị. Những bước chân của cô hàng xén lưu dấu những bước đời của người con gái tảo tần, nặng gánh mưu sinh.
Ngay từ đầu tác phẩm, chúng ta đã bắt gặp những bước chân của cô hàng xén trở về sau một ngày ở chợ - “hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi”. Với Tâm “ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều”.
Khi “nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù”, thấy “dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két”, Tâm bớt mệt hẳn đi, thấy “gánh hàng trên vai nhẹ đi” và “những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau”. Tâm biết mình đã sắp về đến nhà rồi, thấy “chắc dạ và ấm cúng trong lòng”. Cô bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong tâm trí khi phải đi qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.
Vào trong làng, dù “ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước”, nhưng tất cả đều trở nên thân thuộc với Tâm. Chân cô “dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác; mùi bèo dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt”. Cô đã thấy ánh sáng đèn chiếu qua rào và tiếng những người quen thuộc ở trong những nhà người quen đưa ra.
Gần đến nhà, Tâm vội vã bước mau. Bước qua sân đình rộng đầy bóng tối, qua nhà bà cụ Nhiêu, Tâm đã về đến ngõ. Bỏ lại cái tối tăm, rét mướt và cánh đồng hoang vắng ở ngoài, Tâm đẩy cửa bước vào nhà, đặt gánh trên thềm, thưởng thức cái ấm cúng của không khí gia đình. Hai đứa em chạy nhanh ra đòi quà, tiếng mẹ nghe thật ấm áp: “Con rửa chân tay rồi đi ăn cơm kẻo đói. Sao về muộn thế con?”. Bên ngọn đèn thân mật chiếu lên án thư là mâm cơm đậy lồng bàn để giữa phản…
Bao nhiêu nỗi mệt nhọc đều tiêu tán cả, Tâm “thấy vui vẻ và nảy nở trong thâm tâm những ý muốn tốt đẹp cho gia đình”. Tâm thấy yên ấm, hạnh phúc khi có gia đình quây quần, cô “ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ long lánh dưới mái tóc tơ của các em”, thấy lòng “đầm ấm và tự kiêu”. Tâm tự nhủ sẽ chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học.
Khi đêm phủ trong căn nhà yên tĩnh, là lúc Tâm sống với chính mình. Có lần, cô đã lấy sáp bôi lên môi, ngắm trộm bóng trong chiếc gương tròn nhỏ, tự nhận ra vẻ xinh đẹp của mình và hiểu ra vì sao “bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chòng ghẹo”. Cô thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình, khi đảm đang nuôi cả một nhà và không bao giờ nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô. Nhưng những lúc đêm khuya, lòng cô thổn thức “tâm sự kín riêng”, khi nghĩ đến hình ảnh “một người con trai lanh lợi, miệng cười như hoa, ăn nói mềm mỏng, dễ nghe, vẫn thường nhìn Tâm âu yếm mỗi khi ra hàng cô mua kim chỉ.
Tâm cảm nhận được má mình đang “phơn phớt đỏ”, “tâm hồn say sưa như nhấp rượu” trong mỗi lần “nói chuyện ngượng nghịu và gióng một”. Lúc lên giường nằm, dưới tấm chăn mỏng và lạnh, Tâm vẫn còn tơ tưởng mãi đến con người ấy. Bao nhiêu suy tư về cuộc sống, về tương lai của những đứa em, cứ thế, làm Tâm nghĩ ngợi trong đêm yên lặng. Tiếng trống cầm canh đã quá nửa đêm, Tâm mới khẽ thở dài nhắm mắt ngủ. Chỉ lúc này, tất cả nỗi lo lắng mới lui đi và tâm hồn giản dị của người thiếu nữ mới được yên tĩnh.
Phần đầu diễn biến của truyện được triển khai theo dòng thời gian từ chiều đến đêm, rồi về khuya, nhịp điệu cuộc sống xoay quanh cô hàng xén, vì thế, từ nhộn nhịp rồi dần lắng sâu. Trời càng về đêm, không gian càng yên tĩnh, nỗi lòng cô gái mới lớn càng khuấy động. Nỗi niềm thương cha mẹ, trách nhiệm với những đứa em và tình riêng với thầy giáo nghèo cứ đan xen ẩn hiện trong tâm trí cô hàng xén. Nhưng chính trong thế giới phức tạp ấy lại toát lên vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt nam:
Vừa nhân hậu, bao dung, vừa lo toan, trách nhiệm, nhưng cũng không kém phần lãng mạn, tình tứ. Những dòng văn của Thạch Lam khi đi sâu miêu tả thế giới tâm hồn của nhân vật vừa tinh tế vừa đầy chất thơ. Dường như sau mỗi bước chân cô hàng xén luôn có cái nhìn cảm thông, thấu hiểu của Thạch Lam. Dưới ngòi bút của nhà văn lãng mạn này, nhân vật hiện lên với những vẻ đẹp bình dị, đời thường mà rất thiêng liêng, cao cả.
Bìa tuyển tập truyện ngắn của Thạch Lam. |
2.
Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, cô hàng xén lại mở cổng, gánh hàng lên chợ. Bước chân cô rảo nhanh nhưng vẫn kịp nhận ra “mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên - mùi quen của quê hương và của đất màu”. Trên đôi vai nhỏ bé của cô gái cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng theo nhịp điệu của bước đi. Tâm bước đều chân và đến chợ khi vẫn còn sớm.
Cuộc sống của Tâm phần lớn là vào những buổi chợ. Tâm hồn cô gái nhìn ngắm, cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng sự nâng niu, trân trọng và cả tình yêu thương, quý mến. Mỗi thứ hiện diện trong mắt cô gái đều có hồn: “Ánh sáng đầu tiên của mặt trời lấp lánh trên mắt kính các ô hàng. Các màu đua nhau thắm tươi dưới ngón tay xinh xắn của Tâm: Những cuộn chỉ mượt, những cái cúc xà cừ, những gương lược sáng loáng. Cái gì cũng sạch sẽ, ngăn nắp và nhỏ nhắn”. Chợ mỗi lúc một đông, sự hoạt động rực rỡ và nhiều màu: Có các hàng quà bánh, các thức hàng rẻ tiền và vụn vặt ở thôn quê, có những hoa quả chua chát hái xanh trong vườn nhà, và bên kia đường, mùi thơm nồi cháo lòng của chị Tư bay ra ngào ngạt.
Buổi chợ phiên đông người và đủ hạng người. Có người đàn bà nghèo ăn mặc rách rưới; có bà tổng, bà lí váy rồi thắt lưng đũi và áo bông mềm, túi nặng những tiền. Có hai cô gái trên tỉnh răng trắng, môi đỏ vui đùa đi lại mua hết thức này, thức nọ, không thiếu tiền, ngây thơ như con trẻ… Nhưng với Tâm, người được cô chờ đợi nhất vẫn là cậu giáo. Đến gần trưa, cậu mới ra. Khi bốn mắt nhìn nhau, Tâm “má đỏ bừng, tay không biết làm gì”. Cậu giáo thì “ngượng nghịu nửa muốn ngồi xuống bên hàng, nửa không dám”.
Sau những lần gặp gỡ ở chợ, đến vụ gặt hái xong, cậu giáo đã quyết định nhờ người mối lái đến hỏi Tâm. Lòng Tâm thì đã tưởng đến cậu giáo - “con người xinh trai và nhã nhặn mà mới buổi gặp lần đầu nàng đã mến yêu ngay”, nhưng nghĩ đến việc đi lấy chồng, lòng cô gái lại lo xa, “lấy tiền đâu mà mua sách học cho hai đứa em?”. Nghĩ đến cảnh mẹ già lại phải “làm lụng vất vả, Tâm đã khóc”. Nhưng không để Tâm phải nghĩ lâu, ngay hôm sau bà Tú đã vội nhắn tin cho bà mối để nhà trai xin cưới ngay trước Tết.
Vậy là Tâm đã theo cậu giáo Bài về làng bên. Nhà bà Tú từ đây không còn nếp quen đón chờ cô con gái gánh hàng từ chợ về mỗi độ chiều muộn. Bữa cơm chỉ có mấy mẹ con ngồi ăn. Hai đứa em nhớ chị đến ngẩn ngơ. Chúng ngồi nghe chuyện mẹ kể về chị mãi tới khuya rồi gục trên sách ngủ.
Tâm đi lấy chồng để lại một nỗi trống vắng trong ngôi nhà bà Tú. Trong khoảng trống đó, bao chứa niềm yêu thương, nhớ nhung của tình mẹ con, tình chị em. Trang văn của Thạch Lam trở nên ấm áp bởi những tình cảm bình dị mà thiêng liêng như thế.
3.
Về nhà chồng được vài hôm, Tâm lại phải đi bán hàng ngay, để khỏi mất phiên chợ Tết. Gia đình chồng nghèo, nhà cửa không có gì, bao nhiêu việc chi tiêu trong nhà lại trông cả vào Tâm. Bây giờ gánh hàng của cô hàng xén trở nên “nặng quá trên đôi vai nhỏ bé”. Bước chân của cô hàng xén những buổi chạy chợ dường như đã thấm mệt, “chiếc đòn gánh cong xuống và rên rỉ”. Trên đôi vai bé nhỏ ấy, ngoài sức nặng của giang sơn nhà chồng còn là nỗi lo làm sao để kiếm được đủ tiền để thêm cho các em ăn học. Trên con đường mấp mô và đất rắn, Tâm bước những bước nhỏ và mau. Đời nàng lại khó nhọc và cố sức kế tiếp nhau.
Ngày phiên chợ đối với Tâm giờ đây đã kém vui bởi những lo toan, nào là tiền cho chồng vụ thuế, tiền để mua áo vì áo lương của ông giáo đã bạc và rách; còn cả khoản tiền đưa giấu chồng và mẹ chồng để cho em ăn học. Thằng Lân đã lên học trường tỉnh, sự tốn kém lại tăng thêm. Dạo hè năm ngoái nó đã lấy của Tâm hơn chục bạc. Hôm qua, bà Tú lại nhắn người bảo gửi thêm cho nó để nộp giấy đi thi. Tâm chưa biết tính thế nào đây.
Khi vừa sinh con được nửa tháng, Tâm đã phải để con cho mẹ chồng trông nom rồi gánh hàng đi chợ. Khó nhọc đã làm thay đổi người con gái má đỏ môi hồng ngày nào. Tâm già đi nhiều lắm. Tâm thấy mình già và yên tâm trong sự đứng tuổi. Từ ngày lấy chồng, Tâm không được về nhà mẹ luôn, vì bận con mọn và buôn bán. Chiều nay, Lân ở trên tỉnh về, Tâm đến để gặp em và hỏi thăm ông Tú mệt đã mấy tháng nay. Tâm rảo bước đi qua cánh đồng. Cây đa cỗi và cái quán gạch vẫn đứng đợi nàng ở đầu làng. Đường ngõ vẫn lồi lõm vì trâu đi, hai bên vệ vẫn mùi bèo và mùi rạ ướt.
Về đến nhà, khi nghe tiếng bà Tú âu yếm đón hỏi trên thềm, tiếng thằng Ái và em bé reo mừng chị, lòng Tâm dịu lại như ngày nàng còn gánh hàng về. Nhưng khi nghĩ đến việc thằng Lân xin tiền, Tâm thở dài nói với mẹ: “- Con chả có đồng nào để ra cả”. Bà Tú hiểu: “- Cậu giáo lại thôi dạy học thì nhà con túng thiếu thật”. Tâm nhìn mẹ yên lặng, Tâm thấy “mẹ già đi quá, hai mái tóc đã bạc phơ”, lòng nàng đau xót, thương mẹ và buồn cho gia cảnh nhà nghèo.
Khi Lân bước vào nhà, cậu nói ngay đến chuyện cần; “- Em xin chị một chục bạc để mua sách học”, Tâm “hoảng sợ”, vì đây là số tiền nhiều quá, nàng phân trần: “- Độ này buôn bán khó khăn lắm, một ngày vài hào chỉ lãi, em bảo chị làm thế nào được?”. Nhưng khi thấy thái độ không bằng lòng của em, Tâm đành dịu giọng ngọt ngào: “Gớm, chưa chi em đã giận. Có phải chị tiếc em đâu, vì chị chưa có thật. Nhìn thằng Lân yên lặng không nói gì, quay mặt đi chỗ khác, Tâm đành lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn - là số tiền mà Tâm vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho chồng, vội vàng đưa cho em. Thấy vẻ mặt vui mừng của em, Tâm quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng, nàng tính, sẽ liệu vay lại số tiền ấy sau.
Tâm về nhà khi trời đã tối. Bước chân nàng “vội vã bước mau”. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng và gió lạnh nổi lên. Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại vì chưa biết lấy đâu ra số tiền để bù vào khoản vừa đưa cho em. Tâm nhớ lại những lời dằn của mẹ chồng và những câu giận dữ của chồng mỗi khi hỏi đến nhưng nàng không có tiền. Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vầng đen của rặng tre làng Bàng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dày đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối.
Tâm trở về trong vội vã, trong nỗi lo âu trĩu nặng, trong đêm tối mênh mông phủ trước mặt. Những bước chân của cô hàng xén vẫn bị nghèo đói bủa vây. Cuộc đời ấy như một tấm vải, ngày qua ngày cần mẫn dệt đều những đường chỉ thô ráp, nối dài những cơ cực và mệt mỏi trong suốt một đời.
Trong thiên truyện ngắn này, ngòi bút Thạch lam đã len lỏi vào những ngóc ngách tâm hồn nhân vật, lắng nghe những vang động sâu thẳm bên trong để thông cảm, đồng cảm với những thân phận, cuộc đời nghèo khổ. Nếu không bằng một tấm lòng chân thành và giàu tình yêu thương thì những trang văn Thạch Lam viết về cô hàng xén khó có thể đạt đến độ chân thực, sinh động và lay động đến thế. Thạch Lam luôn dùng tấm lòng đôn hậu bao dung của mình để soi chiếu lên các nhân vật, nâng niu những vẻ đẹp sâu kín trong tâm hồn nhân vật.
Là nước sẽ bay hơi nhưng muối thì kết tinh chất mặn mòi. “Cô hàng xén” của Thạch Lam đã lắng kết được chất muối, lắng kết cái mặn mòi từ cuộc đời của những số phận nghèo trong xã hội cũ. Lắng lại trong cảm xúc người đọc, khi dõi theo bóng dáng cô gái “cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối” kết thúc tác phẩm, có chút xót xa, lo âu, thương cảm, nhưng trên hết vẫn là niềm tin vào vẻ đẹp ẩn trong sâu thẳm tâm hồn người con gái ấy - tấm lòng ấm áp, nhân hậu của cuộc đời bình dị, đời thường.