Những bi kịch bị lãng quên

GD&TĐ - So với những vụ giẫm đạp, tuyết lở và tai nạn hầm mỏ, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ rằng ô nhiễm không khí cũng có thể là thủ phạm gây ra thảm họa. 

Những bi kịch bị lãng quên

“Sương mù chết chóc” ở London

Ngay cả nhiều người có nhận thức về môi trường cũng có thể quan niệm rằng chất lượng không khí kém là vấn đề đáng quan tâm, nhưng không quan trọng lắm… nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ là về lâu dài. Tuy nhiên, đã từng có những vụ ô nhiễm không khí gây thương vong ngay lập tức, chẳng hạn như vụ việc tại Anh năm 1952.

Thủ đô London đã quá quen thuộc với sương mù, nhưng vào đầu tháng 12/1952, người dân thành phố này nhận thấy trong không gian những đám mây màu đen ngả sắc vàng mờ đục bao phủ khắp nơi, nhấn chìm mọi vật. Trong đám mây mù ấy, người ta rất khó nhìn thấy mặt nhau.

Nhiều người nhớ lại cảm giác khi đó chẳng khác như bị mù. Người dân đi lại trên phố với hai bàn tay đưa ra quờ quạng để tránh các chướng ngại vật.

Trong suốt 4 ngày trời, giao thông trong thành phố hoàn toàn đình trệ, thậm chí cả xe cứu thương cũng không thể hoạt động. Nhiều sự kiện trong nhà cũng phải hủy bỏ, khi những làn sương mù đậm đặc len lỏi vào trong.

Trong thành phố không có sự hoảng loạn, nhưng thực tế, tác động của làn sương đặc quánh này là không thể phủ nhận. Tình trạng thiếu oxy và nhiễm trùng đường hô hấp tăng vọt, dẫn đến viêm phế quản cấp tính và viêm phổi. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cũng như người già hoặc các bệnh nhân hô hấp là những nạn nhân đầu tiên của làn sương chết chóc này.

Khi không gian bắt đầu thông thoáng hơn do gió chuyển hướng, các nhà chức trách nhận định đã có hơn 4.000 người thiệt mạng trong 4 ngày sương mù dày đặc phủ kín thành phố. Tỷ lệ tử vong tiếp tục tăng cao trong nhiều tháng sau đó, do nhiều biến chứng liên quan đến khói bụi. Các nghiên cứu sau này cho thấy, con số thương vong do làn sương mù dày đặc này gây ra có thể lên tới 12.000 người; ngoài ra, còn có rất nhiều người phải gánh chịu hậu quả suốt đời.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, “làn sương” bao phủ London khi ấy là sự kết hợp một cách đơn giản nhưng vô cùng tàn nhẫn của khói từ than chất lượng thấp phát sinh từ sinh hoạt người dân, từ các tòa nhà và nhà máy năng lượng, tất cả đều được xử lý một cách kém cỏi thời đó. Bên cạnh khói than, còn có khí thải xe cộ, cộng với hiện tượng các khối không khí lắng xuống tạo thành “bẫy khí độc hại” gần mặt đất. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng những điều kiện này cho phép axit sunfuric đậm đặc tích tụ ở mặt đất.

Mặc dù sau thảm họa, các quan chức y tế và cơ quan quản lý đã dành thời gian để thu thập và giải thích lượng dữ liệu khổng lồ, nhằm đánh giá tác động thực sự của vụ việc, nhưng thực tế, nhiều người sống sót, thậm chí ngay cả những người đã mất người thân vì nó, có thể vẫn không hiểu được tính chất cực kỳ nghiêm trọng của sự kiện này.

(Còn tiếp)

Theo Tiếp theo số 185

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.