Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ 

GD&TĐ - Từ tấm gương Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng tinh thần tự học quan trọng là thế, nó đã góp phần hun đúc nên một lãnh tụ vĩ đại cho đất nước, mang lại độc lập tự do cho tổ quốc và giải phóng cho dân tộc, đồng bào.

Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ 

LTS:Tham luận "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay"(*) của Đặng Vũ Ngọc Mai - Lớp 10 Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với sự định hướng, đóng góp ý kiến của TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, đã đề cập đến một vấn đề thời sự cấp bách: Không để mặt trái của mạng Internet, công nghệ lôi kéo, phân tán, ảnh hưởng đến thời gian, năng suất, kết quả học tập, lao động, đặc biệt là với giới trẻ.  

Xin giới thiệu cùng độc giả những nội dung đặc sắc nhất trong tham luận trên.

Nhìn vào thực tế hiện nay, bên cạnh những thành tích, thành quả và sự vươn lên mạnh mẽ của thế hệ trẻ thì cách thức học tập, tự học của một số bạn còn chưa mang lại hiệu quả cao. Ngoài những phân tích phía trên, cần lưu ý thêm một số bất cập trong quá trình học tập của các bạn trẻ ngày nay như sau:

Thứ nhất, nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn đang thụ động tiếp nhận các bài giảng trên lớp của thầy cô mà không suy nghĩ, đào sâu, không sáng tạo, không vận dụng tư duy bản thân để phát triển thêm bài học. Thậm chí, trên lớp, các bạn học không thực sự tập trung mà chỉ cốt cho xong tiết học, rồi sau lại đua nhau đi học thêm để bổ sung kiến thức. Từ đó, các bạn ỷ lại chủ yếu vào việc học thêm để lấy điểm cao, thi đỗ trường này lớp nọ mà chưa biết trân trọng hay tận dụng thời gian trên lớp. 

Bên cạnh đó, một thực tế là nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên rất dễ dàng tiếp cận với nguồn dữ liệu phong phú, chỉ cần một “click” hoặc đến nhà sách, thư viện bất kỳ là có thể có được ngay các tài liệu tham khảo, sách hướng dẫn, mẫu văn bản, lời giải… Điều này dẫn đến việc giới trẻ sẽ ỷ lại vào nguồn tra cứu cơ học, thậm chí là “copy” nguyên văn chứ không đưa tư duy, vốn hiểu biết và phân tích của cá nhân  mình vào khi làm bài, trả bài. Như vậy là thành “học vẹt”, học chiếu lệ, nói ra chữ, viết ra bài mà thực sự không nắm được bản chất, nội dung của kiến thức. Hậu quả là những gì học được vào nhanh mà ra cũng nhanh, không nhớ lâu, không bền, có thể kết quả cao nhưng độ hiểu biết lại không sâu, không phải là đích thực. 

 Thứ hai, nhiều học sinh, sinh viên tập trung cao độ cho việc học hành trên lớp chính thức và lớp học thêm, tập trung vào nghiên cứu sách vở, tài liệu, học lấy được, học đêm học ngày cốt để học giỏi, để đứng “top” đầu của lớp, để được vào đội tuyển, để thi đỗ các trường điểm…, một hình ảnh mà nói theo kiểu dân dã hài hước là “mọt sách”, “đầu to mắt cận”, “ngộ chữ”. Cũng có thêm những hiện tượng học thiếu tích cực như học gạo, học tủ, học đối phó để lấy thành tích, lấy điểm vào trường giỏi hay lấy học bổng đi du học. Học sinh, sinh viên bảo nhau học kiểu chiến thuật thời điểm, học cốt cho xong, thậm chí đua nhau xin điểm, chạy điểm… nên kiến thức nền tảng yếu, vốn hiểu biết giới hạn, kỹ năng mềm hạn chế, khó có thể trở thành những người làm việc tốt, đóng góp hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong tương lai, cho dù có được đào tạo ở trường tốt lớp giỏi đến đâu. 

Thứ ba, trong quá trình học tập và tự học, học sinh, sinh viên vẫn tồn tại tâm lý học lệch, như quá thiên về các môn như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ… mà bỏ qua các môn khác. Mặt khác, các bạn có thể thành thạo, nắm chắc các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành nhưng không có nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội. Các bạn thuộc nhiều kiến thức sách vở, nhiều chữ nghĩa, có thể được đánh giá cao về học vấn… nhưng lại thiếu nhiều hiểu biết cuộc sống, ít dành thời gian cho việc đi ra bên ngoài để khám phá xung quanh, luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động xã hội - cộng đồng.

Thứ tư, xã hội ta với sự sắp xếp thứ bậc ưu tiên “sĩ, nông, công, thương” từ xa xưa đã hình thành một ý thức, hệ tư tưởng là trọng chữ nghĩa, học vị. Hệ quả của điều này là giới trẻ hiện nay vẫn đang chăm chỉ tích lũy cho mình bằng cấp này, chứng chỉ nọ, thậm chí ôm lý thuyết suông nhưng chưa chú trọng trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, chưa chủ động tiếp cận với thực tế để làm phong phú vốn hiểu biết của mình mà sách vở không thể cung cấp hết được, chưa chú trọng thực tập, thực hành các kỹ năng cần thiết. 

Chính vì thế, nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp loại ưu nhưng lại không phải là người lao động giỏi trong tổ chức, cơ quan. Nhiều bạn trẻ dù học ở trường chuyên, lớp chọn nhưng khi ra đời đi làm lại yếu và thiếu nhiều kỹ năng làm việc, năng lực giao tiếp và khả năng ứng xử. Bác đã dạy: “…vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào công việc, học phải đi đôi với hành. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để trang trí, cho oai mà thôi”.

Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ  ảnh 1

Thứ năm, cuộc sống hiện đại, nhu cầu vươn lên trở thành người thành công, có vị thế trong xã hội và kỳ vọng thái quá của cha mẹ, người thân đã khiến nhiều bạn trẻ phải sớm đối mặt với áp lực học hành, phấn đấu ngay từ khi còn nhỏ. Các bạn trẻ từ đó cũng gây áp lực quá mức cho mình, đưa ra các mục tiêu học tập quá sức khiến bản thân bị căng thẳng, stress, thậm chí là chán nản, trầm cảm, rối loạn tâm lý khi gặp thất bại, khi kết quả học tập không được như kỳ vọng, khi xếp thứ hạng không cao trong tổ chức, hay khi bị phê bình, chê trách hoặc đánh giá thua kém hơn người khác… 

Thứ sáu, thế giới ngày càng phát triển kéo theo khoa học kĩ thuật, công nghệ cũng ngày một tiên tiến. Các thiết bị điện tử, các trò chơi công nghệ, các thú vui hiện đại và hàm lượng phương thức giải trí khổng lồ mà mạng Internet đem lại khiến rất nhiều học sinh, sinh viên không còn tập trung vào việc học mà đắm chìm trong nhiều niềm đam mê, sở thích mới lạ. Họ chỉ học để đối phó với cha mẹ, thầy cô, rồi dần trở nên lười học, chán nản với việc học, chứ chưa nói đến việc tự học tập và học hỏi, thậm chí chỉ chăm tiếp thu thêm những điều dở, mặt trái của mạng xã hội và nguồn thông tin tràn lan trên Intetnet mà thôi. 

Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ  ảnh 2

Thứ bảy, sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến việc mở rộng không gian mạng, thế giới ảo. Thế hệ trẻ đang có một xu hướng thích lên mạng học hành, thích giao tiếp với máy móc hơn giao tiếp thực tế, thích sử dụng các thiết bị viễn thông hơn chuyện trò giao lưu trực tiếp. Tin nhắn thay thế cho lời nói, “e-mail” thay thế cho thư tay, “e-card” thay thế cho tấm thiệp tự viết vài câu, group “online” thay cho nhóm họp hành đối thoại “offline”…, có nhiều tiện lợi nhưng cũng giảm bớt sự tương tác thực sự giữa người với người. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn không biết tự học, tự trang bị cho mình những kỹ năng xã giao tối thiểu, không biết chào hỏi, xưng hô, nói năng chuẩn mực. Điều này dẫn đến việc khi đi ra môi trường thực tế thì lơ ngơ không biết giao tiếp, thậm chí hình thành nên lối sống vị kỉ và sự thờ ơ, thậm chí là vô cảm với xung quanh.  

Những bất cập trong quá trình học tập của thế hệ trẻ  ảnh 3

Thứ tám, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước và gia đình, nhiều bạn trẻ hiện nay có điều kiện du học, tu nghiệp ở các nước phát triển. Đây là một cơ hội vô cùng tốt để giới trẻ Việt Nam mở mang, học hỏi, hội nhập với những nền văn hóa tiên tiến của nước bạn để về giúp ích cho việc xây dựng đất nước, đóng góp cho quê hương. 

Thế nhưng, nhận thức chưa đúng đắn và toàn diện đã khiến nhiều bạn có tư tưởng sùng ngoại - bài nội, chỉ học theo “Tây”, nói tiếng “Tây” giỏi hơn ngôn ngữ mẹ đẻ, không có nhiều hiểu biết về môi trường Việt Nam, thay vì hiểu đúng của sự hội nhập, hòa nhập. Điều này dẫn đến việc các bạn có thể là những du học sinh giỏi nhưng lại khó quay về sinh sống và làm việc tại nước nhà. 

Chương trình học bổng Emarus Mundus của Liên minh Châu Âu có đưa ra khái niệm về hòa nhập, đó là “hòa nhập chính là khi bạn hiểu rõ về đất nước của bạn, thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ và mở rộng trái tim, trí óc để học hỏi về đất nước khác”. Tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó, Bác ra đi tìm đường cứu nước khi còn rất trẻ. Người đã đi nhiều nơi, tiếp thu nhiều nền văn minh, để rồi nghiên cứu, chọn lọc và tự tìm ra triết lý, tư tưởng, hình thức đấu tranh cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chứ không hướng ngoại, dập khuôn, nhất nhất đi theo những chủ nghĩa, triết lý đầy mới mẻ và hấp dẫn. Bởi vậy, soi chiếu vào lớp trẻ ngày nay, nếu không có tình yêu Tổ quốc chân chính, tinh thần học hỏi không ngừng và tấm lòng hướng về đất nước quê hương thì việc du học, “Tây học” cũng không có nhiều giá trị đích thực cho dân tộc, cho đồng bào và cho chính bản thân mình.

Đặng Vũ Ngọc Mai - học sinh Lớp 10 Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam 

Trong kỳ thi THPT năm 2020, Đặng Vũ Ngọc Mai được tuyển thẳng vào lớp chuyên Anh Trường Đoàn Thị Điểm; đỗ vào trường THPT Khoa học Giáo dục; đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung - Trường THPT Chuyên ngoại ngữ - ĐH Quốc gia HN; đỗ và chọn học tại lớp chuyên Lịch Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Suốt trong những năm theo học tại Trường Tiểu học và THCS Đoàn Thị Điểm, Ngọc Mai luôn đạt điểm tổng kết cao, đạt giải thành phố Hà Nội môn lịch sử. Ngoài học tập, Ngọc Mai còn được đánh giá là một cô gái tài năng trong các hoạt động ngoại khóa khác.

(*)Hội thảo khoa học: “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bài học và liên hệ bản thân” do Hội khuyến học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội 30/6/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ