Những bảo vật thời đại Hùng Vương tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ hàng nghìn cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý giá như trống đồng, dao găm, đồ trang sức… được khai quật tại di chỉ Làng Vạc, một trong những trung tâm văn hóa, chính trị lớn của thời đại vua Hùng.

Bảo tàng Nghệ An, nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật quý về thời kỳ Hùng Vương.
Bảo tàng Nghệ An, nơi lưu giữ hàng nghìn cổ vật quý về thời kỳ Hùng Vương.

Di chỉ khảo cổ Làng Vạc (nằm ở xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa) thuộc nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện vào năm 1972. Cho đến nay, trong số nhiều di tích văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta, Làng Vạc là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất. Qua đó cho thấy, khu vực này từng là trung tâm kinh tế, chính trị khá quy mô ở thời đại Hùng Vương, cách đây từ 2.500 - 2.000 năm.

Đặc biệt, trong số 3 bảo vật quốc gia ở Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào năm 2017, có “dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi” và “muôi cán tượng voi” được tìm thấy ở di chỉ Làng Vạc.

Bảo vật quốc gia

Bảo vật “dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi” (phía trên) và “muôi cán tượng voi” được tìm thấy ở di chỉ Làng Vạc.

Bảo vật “dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi” (phía trên) và “muôi cán tượng voi” được tìm thấy ở di chỉ Làng Vạc.

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi do Viện Khảo cổ học phối hợp với Ty Văn hóa Nghệ An khai quật được vào năm 1973. Dao được làm bằng đồng, dài 12,3cm và rộng 3,5cm. Phần lưỡi dao gần giống hình tam giác, phần chuôi là tượng hai con rắn xoắn lấy nhau, há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Trong hai con rắn thì một con có mào, một con không (một con đực, một con cái).

Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng hai con rắn trên cán dao găm chứng tỏ người Việt xưa kia xem loài rắn là biểu tượng của tâm linh. Hình tượng hai con rắn đực và cái quấn chặt vào nhau thể hiện quan niệm phồn thực, âm dương giao hòa, cầu mong cho vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Con voi được đúc trên cán dao có vòi dài, trên lưng voi có hình một chiếc bành rộng, có dây chằng ra cổ và đuôi. Trên lưng voi lại mang trống đồng - một vật rất quan trọng, thiêng liêng của người Việt cổ lúc bấy giờ. Qua đó, cho thấy ở thời đại Hùng Vương, loài voi đã được con người thuần hóa trở thành vật nuôi rất gần gũi và thân quen.

Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi cùng với một số dao găm cán tượng khác được các nhà nghiên cứu nhận định hầu như chưa phát hiện được ở đâu ngoài Làng Vạc. Tuy nhiên, chiếc dao găm này lại có kích thước khá nhỏ, được trang trí cầu kỳ, tinh xảo chứng tỏ chúng mang ý nghĩ tâm linh, tôn giáo. Có thể được sử dụng để thờ hoặc để biểu thị sức mạnh quyền uy của tầng lớp quý tộc giàu có lúc bấy giờ.

Bảo vật thứ hai là chiếc muôi cán tượng voi được khai quật vào năm 1981, do Viện Khảo cổ học Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) thực hiện.

Muôi được làm bằng đồng, dài 18,5cm và đường kính miệng 7,8cm. Đặc biệt, phía trên cùng của đầu cán đúc tượng voi, trên lưng voi và cán có khắc hoa văn gân lá. Đến nay, ở nước ta chưa phát hiện ở nơi nào có chiếc muôi gắn tượng voi đẹp, độc đáo như muôi ở Làng Vạc.

Các nhà khoa học nhận định, bằng sự khéo léo và trí tưởng tượng phong phú người thợ Làng Vạc thời kỳ Hùng Vương đã tạo ra khối tượng voi để tô điểm cho muôi, biến một đồ dùng sinh hoạt bình thường trong đời sống trở nên sinh động, có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Tượng voi trên cán muôi có đầy đủ 4 chân, đuôi, vòi, trên thân voi có hoa văn. Riêng phần vòi, lưng, đuôi được đúc nhập lại thành một đường cong lượn mềm mại. Việc bố trí tượng voi ở phần cuối cán muôi đã làm cho dáng muôi cân đối, có khả năng cân bằng đỡ nặng về phía lòng muôi.

Qua hai bảo vật này, các nhà khoa học nhận định, trình độ đúc đồng, tạo tượng của cư dân Làng Vạc thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã đạt đến đỉnh cao. Hình tượng con voi một lần nữa khẳng định đây là loài vật gần gũi, phục vụ trong đời sống của con người thời bấy giờ.

Trung tâm lớn thời đại Hùng Vương

Trống đồng Làng Vạc đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.

Trống đồng Làng Vạc đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.

Đồ trang sức bằng đồng tìm thấy trong các ngôi mộ táng.

Đồ trang sức bằng đồng tìm thấy trong các ngôi mộ táng.

Dạo quanh phòng trưng bày rộng cả nghìn mét vuông, chị Lê Lan Hương – cán bộ Phòng Trưng bày tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng Nghệ An - cho biết, sau nhiều đợt tổ chức khai quật ở di chỉ Làng Vạc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 347 ngôi mộ táng và thu lượm được 1.228 hiện vật bằng đồng, gốm, đá, thủy tinh và bằng sắt. Trong đó, có nhiều hiện vật quý hiếm, tiêu biểu cho nền văn minh người Việt cổ như: Trống đồng, rìu xéo, dao găm cán tượng người, tượng voi hổ, bao tay, bao chân, vòng thủy tinh...

Bảo tàng Nghệ An đang trưng bày và lưu giữ 41 chiếc trống đồng có niên đại từ 2.500 - 2.000 năm. Trống được đúc bằng khuôn phá, gồm 1 mang mặt và 2 mang thân ghép lại, muốn lấy trống ra phải phá khuôn. Chính vì thế, các nhà khảo cổ không tìm được một chiếc khuôn nào nguyên vẹn.

Chị Hương cho biết, trống đồng ở Làng Vạc được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau tùy vào kích thước. Những chiếc trống lớn được dùng vào các dịp cầu mưa, cầu mùa, lễ tế... Ngoài ra, còn được quân đội sử dụng như một loại trống trận hoặc dùng để đun nấu thức ăn khi cần thiết.

Trong khi đó, các trống nhỏ được gọi là trống minh khí, dùng để chôn theo người chết với quan niệm chết là “di cư” sang thế giới khác, vì thế cần đem theo của cải là những chiếc trống đồng. Những hoa văn được in trên trống đồng miêu tả chân thực cuộc sống sinh hoạt thời kỳ này như hình ảnh người đàn ông đóng khố, đầu đội mũ lông chim, hình ảnh đánh trống, chèo thuyền... Đặc biệt, trên mặt trống đồng có hình ngôi sao 8 cánh, 10 cánh hoặc 12 cánh.

“Cuộc sống của cư dân Làng Vạc thời kỳ văn hóa Đông Sơn rất phong phú. Các nghề thủ công khá phát triển như: Làm gốm, dệt, luyện sắt, chế tạo đồ trang sức, đặc biệt là nghề chế tác đồng đã đạt đến đỉnh cao. Bên cạnh đó, các “chõ gốm” cho thấy cư dân ở đây đã biết trồng lúa nếp, lấy gạo nếp đồ xôi bằng chõ. Những hình khắc trên trống đồng còn miêu tả việc người Việt cổ đua thuyền, biết chăn nuôi bò, thuần hóa voi…”, chị Hương chia sẻ thêm.

Trong khi đó, bà Phan Thị Hà Long – Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An - nhận định, qua bộ sưu tập các cổ vật văn hóa Đông Sơn đang lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng cho thấy người Làng Vạc có gu thẩm mỹ rất cao.

Không chỉ những hiện vật có kích thước lớn như trống đồng, thố, thạp, bình... mà hầu hết cổ vật từ đồ sinh hoạt, nhạc khí, đồ trang sức và vũ khí cũng đều được trang trí hoa văn phong phú, tinh tế vô cùng đẹp mắt.

Đời sống văn hóa của cư dân Làng Vạc được miêu tả qua tranh vẽ.

Đời sống văn hóa của cư dân Làng Vạc được miêu tả qua tranh vẽ.

Ngoài di chỉ Làng Vạc, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di tích văn hóa Đông Sơn khác trong tỉnh Nghệ An như tại Đồng Mỏm (huyện Diễn Châu), Đồng Mồ (huyện Hưng Nguyên), Núi Quyết (thành phố Vinh)… Qua những di chỉ này, các nhà khoa học đã khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã, mà còn tồn tại ở vùng sông Cả. Khu vực tỉnh Nghệ An là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa Đông Sơn dưới thời đại các vua Hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.