Đột ngột mất đi những người thân yêu vì đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em chịu cảnh mồ côi, ở lại với đời một mình, hoặc chỉ còn anh chị, hay cha hoặc mẹ. Những bàn tay đã nắm lấy nhau, kết bện yêu thương, cùng nhau đi về phía trước, để năm học mới các em thêm vững bước đến trường.
Đi qua nỗi đau
Anh Nguyễn Thành Trung (30 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, 2 năm sau đại dịch, đời sống gia đình anh đang dần ổn định. Xin việc làm tại một ngân hàng ở Quận 5, anh Trung có được mức thu nhập đủ nuôi hai em. Mức lương dù không cao, nhưng đều đặn cũng giúp anh dễ thở hơn so với trước.
Trước đó, đại dịch Covid-19 quét qua thành phố khiến bố của Trung tử vong chỉ sau 2 tuần nhập viện. “Bố đột ngột mất đi thật quá bất ngờ với ba anh em tôi, vì vào tháng 12/2021, thành phố đã bỏ phong tỏa, số ca mắc Covid-19 cũng đang giảm dần. Nhưng chắc do bố nhiễm virus trên nền bệnh tiểu đường và cao huyết áp nên không qua khỏi”, anh Nguyễn Thành Trung ngậm ngùi cho biết.
Khi bố mất, cuộc sống của ba anh em đều dựa cả vào Trung - anh cả trong gia đình - vì bố mẹ đã chia tay hơn 6 năm. Mẹ bận lo cuộc sống riêng nên cũng không còn sức lo cho anh em Trung nữa.
Em gái Trung sau khi tốt nghiệp THPT đã trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn. Trong năm đầu, em được trường hỗ trợ 50% học phí. Hiện em chỉ còn 1 năm nữa là hoàn thành chương trình.
Rơi vào hoàn cảnh éo le, cô em gái đã sớm biết lo nghĩ nên dù đang đi học nhưng em đã tranh thủ cuối tuần làm thêm ở nhà hàng. Em trai giữa của Trung cũng đã xin được việc làm. Cả ba anh em cùng nhau vượt qua khó khăn.
“Thời điểm sau khi bố ra đi, tôi lo thắt ruột vì công việc còn đang bấp bênh, có khi phải nghỉ bất cứ lúc nào. Nhưng may nhờ có được sự hỗ trợ từ ủy ban phường, rồi em gái nhận được học bổng của Bitex nên gánh nặng khó khăn cũng đỡ. Bây giờ thì cuộc sống đang dần ổn định”, Trung chia sẻ.
“Em còn nhiều điều chưa kịp nói với mẹ. Nhưng là con trai, em thường phải giấu đi cảm xúc của mình”, Ngô Lê Tuấn Anh (19 tuổi, quận Gò Vấp) rớm nước mắt, cố nén xúc động khi nhớ về biến cố lớn của gia đình trong đại dịch Covid-19. Đó là thời điểm mùa Hè em chuẩn bị vào lớp 12, dịch bệnh tràn qua, kéo theo mẹ ra đi mãi. Bố từ lâu có gia đình riêng nên hai chị em thiếu thốn tình cảm…
“Thành phố hạn chế đi lại từ hồi tháng 5/2021, nhưng mẹ em vẫn quyết định đi làm. Khi thành phố phong tỏa, mẹ ở lại công ty làm việc từ tháng 8/2021 và mắc Covid-19 tại đó. Chỉ khoảng 2 tuần sau, mẹ mất, dù đã được đưa vào bệnh viện, bác sĩ không cứu được mẹ”, Ngô Ngọc Phương Anh, 27 tuổi - chị gái của Tuấn Anh cho biết. Một năm sau ngày mẹ mất, ông ngoại cũng bỏ hai cháu mà đi.
Những tháng ngày vất vả cơ cực, đầy hoang mang sợ hãi đó, Phương Anh, Tuấn Anh đã nhận được sự hỗ trợ từ xã hội. Có nhà hảo tâm ở Đà Nẵng hỗ trợ cho Tuấn Anh 9 triệu đồng, giúp em có tiền trả các chi phí cần thiết học xong THPT.
Vượt qua những mất mát, Ngô Lê Tuấn Anh đang theo học ngành Thiết kế đồ họa, Trường Cao đẳng Viễn Đông. Em chọn đi theo ngành học này từ đam mê vẽ và thích những hình ảnh đẹp trong phim, trong game. Những ngày cuối tuần, Tuấn Anh thường đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí.
“Mất mẹ là nỗi đau lớn không gì bù đắp với bất kỳ đứa con nào nhưng dù sao thì hai chị em vẫn còn có căn nhà để ở. Hiện tại cuộc sống đang dần bình thường trở lại, dù vẫn còn rất chật vật.
Nếu được nhà trường hỗ trợ cho đóng chậm học phí thì chắc sẽ dễ thở hơn với hai chị em. Em hy vọng, sau này khi em trai có công việc ổn định, học thêm ngoại ngữ, mọi vấn đề liên quan trong đời sống của chúng em sẽ suôn sẻ hơn”, Ngô Ngọc Phương Anh bày tỏ hy vọng.
Quốc Đạt và bé Hoàng Anh trên đường đi học. |
Sự yêu thương chữa lành vết thương
Hai năm sau kể từ ngày những biến cố lớn bất ngờ ập đến, Lê Nguyễn Hoàng Anh (9 tuổi, Quận 4, TPHCM) đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt dần lên. Mỗi lần thấy cậu mình chuẩn bị đi giao hàng, em lại nhõng nhẽo đòi: “Cậu Bin đi đâu đó, cho con đi theo cậu với”. Cậu Bin là tên gọi ở nhà của anh Nguyễn Phương Quốc Đạt, 22 tuổi - cậu họ và cũng là người chăm sóc cho Hoàng Anh thời gian qua.
Mùa Hè năm 2021, khi chuẩn bị lên lớp 2 ở Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, thì Hoàng Anh lâm vào cảnh bơ vơ. Bà cố 70 tuổi, người đang nuôi dưỡng Hoàng Anh đã bị Covid-19 “mang đi”. Cha bỏ đi từ khi em một tháng tuổi. Mẹ cùng bà ngoại đi lao động ở Malaysia. Bà ngoại mất ở Maylaysia do Covid-19 còn mẹ ruột thì cũng bặt vô âm tín từ bấy đến giờ. Hoàng Anh không còn chỗ dựa, trở thành đứa trẻ mồ côi, không chỗ náu nương.
Người cậu họ tuổi khi đó chỉ vừa 20, chưa có gia đình riêng, chưa có người yêu, gật đầu nuôi cháu mà không hề nghĩ suy gì nhiều. Lịch trình hoạt động mỗi ngày của người cậu lại dày đặc thêm kể từ đó. Mỗi sáng cậu dậy sớm hơn trước kia để chuẩn bị thức ăn cho cháu, chở cháu đến trường, khẩn trương về dọn dẹp nhà rồi vội vã đi làm. Chiều về, giặt đồ, nấu cơm và chỉ bài cho cháu.
Để thích ứng với hoàn cảnh “gà trống nuôi cháu”, cậu Đạt để ý học từ cách buộc tóc cho cháu sao cho gọn gàng, học nấu ăn, học cách nói chuyện và dạy dỗ trẻ. Để chuẩn bị cho ngày khai giảng sắp tới, hai cậu cháu đã lên phương án chuẩn bị, mua sách giáo khoa, còn quần áo thì mặc lại đồ cũ.
Tuy rất thương cháu nhưng anh Quốc Đạt mắc bệnh tim và xơ phổi hậu Covid-19, vì vậy cũng không làm được việc nặng, chỉ chạy giao hàng. Anh Đạt cho biết, mỗi tháng thu nhập chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Trong 2 năm qua, hai cậu cháu sống được cũng là nhờ một phần giúp đỡ từ các nhà hảo tâm.
Bé Hoàng Anh và bức ảnh yêu thích. Ảnh: NVCC |
Ngoài số tiền học bổng nhận một lần, mỗi tháng bé Hoàng Anh được hỗ trợ 2 triệu đồng cho đến khi 18 tuổi. Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình cũng miễn học phí cho Hoàng Anh trong năm lớp 2 và 3. Số tiền giúp đỡ của nhà hảo tâm, Quốc Đạt cho biết anh gửi tất cả vào sổ tiết kiệm để dành riêng cho bé khi lớn lên sử dụng.
Hơn nửa năm sau ngày bà cố mất, bé Hoàng Anh mới gần trở lại bình thường. Bước vào năm học mới, bé học sa sút nhưng dần lấy lại sức học, cuối năm đạt học sinh tiêu biểu. Được cậu chăm sóc chu đáo, Hoàng Anh dù vẫn còn ít nói nhưng đã trở nên vui vẻ hơn, biết cách chia sẻ nhiều hơn với cậu.
Những tình cảm yêu thương, Hoàng Anh dồn hết vào tranh vẽ. Trong những bức tranh đó, có hình ảnh người cậu dắt tay cháu đi học, các chiến sĩ áo trắng chăm sóc bệnh nhân trong đại dịch Covid-19. Hoàng Anh hay nói với cậu, em sẽ học thật giỏi để sau này làm bác sĩ cứu người, không để ai phải chết như bà cố nữa.
“Em sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để bé học hết lớp 12, để có công việc làm tự nuôi sống mình. Em còn thở ngày nào thì còn lo cho bé ngày đó”, Quốc Đạt chia sẻ những tâm tư xen kẽ những đợt thở gấp vì bệnh phổi.
Em Đặng Ngọc Minh Hân, lớp 9, quận 10, bị mất cha trong dịch Covid-19 nhưng đã vượt qua nỗi buồn, ổn định tinh thần, tiếp tục việc học. Ảnh: T.H |
Nắm chặt những bàn tay yêu thương
Hiện TPHCM có hơn 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó 39 em mất cả cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và trên 2.000 em mất cha hoặc mẹ. Ngay sau đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, quan tâm chia sẻ tới những trường hợp mồ côi cha mẹ, tiếp sức cho các em vững bước đến trường.
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định về hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, trẻ có hoàn cảnh khó khăn do mồ côi cha hoặc mẹ từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ. Tập đoàn Bitex trao 800 suất học bổng “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” có tổng chi phí khoảng 10 tỷ đồng.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tặng học bổng mang tên “Đỡ đầu” cho 12 em học sinh có cha, mẹ mất trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Mỗi em được nhận 2 triệu đồng/tháng và sẽ duy trì chương trình trợ cấp này cho đến khi các em tốt nghiệp đại học.
Đặc biệt, chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã động viên tinh thần cho nhiều gia đình có người thân bị mất trong đại dịch Covid-19.
Chị Lâm Tú Nhung và 3 con chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Ảnh: NVCC |
Theo chia sẻ của bà Lâm Quỳnh Hoa, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 5, Phường 14, Quận 10, TPHCM - người đỡ đầu cho 6 trường hợp trẻ bị mất người thân trong đại dịch Covid-19: Rơi vào hoàn cảnh mất đi người cha hoặc mẹ, những đứa trẻ mất đi một chỗ dựa tinh thần quan trọng, các gia đình mất đi một trụ cột về tài chính, những thành viên còn lại rất buồn khổ, hoang mang. Vì vậy, sự quan tâm, góp sức của từng người trong xã hội là động lực, là chỗ dựa, niềm tin giúp các em ổn định tâm lý, vượt qua khó khăn.
Tại TPHCM, gần 2.340 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 được nhận đỡ đầu. Trong đó số trẻ được nhận kinh phí đỡ đầu, bảo trợ hàng tháng đến năm 18 tuổi là hơn 1.540 trẻ (với mức hỗ trợ từ 500.000 đến 2 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, rất nhiều những cá nhân cũng giang tay giúp đỡ các em. Shipper Huỳnh Hữu Phước đã trích 290 triệu đồng để bảo trợ cho em Hoàng Đan Kim, năm nay lên lớp 4, Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông, Quận 8, TPHCM cho đến khi em 18 tuổi.
Chồng mất trong đại dịch Covid-19 nên một mình chị Lâm Tú Nhung (mẹ của Đan Kim) đang phải bươn chải, vất vả làm đủ mọi nghề từ phụ quán cơm đến dọn vệ sinh nhà cửa để lo cho ba đứa con. Hai em của Đan Kim còn bị tăng động và bệnh tim. Chính vì vậy, sự giúp đỡ này đã giúp cho chị Nhung đủ sức mạnh để vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.
Cuối năm học vừa qua, Đan Kim đã vươn lên trong học tập, là một trong năm học sinh xuất sắc nên được tuyên dương trước toàn trường và được tặng một bộ đồng phục.
Không chỉ giúp đỡ về tài chính, các em còn được hỗ trợ về học tập. Tập đoàn FPT xây dựng Trường Tiểu học - THCS - THPT mang tên Hy Vọng tại TP Đà Nẵng để nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19. Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ngôi trường được vận hành sẽ giúp các em mồ côi phát triển, trở thành những tài năng, có sức mạnh vượt qua đau thương và giúp những người khác cũng vượt qua đau thương như mình.
Với sự chung sức, lan tỏa nguồn năng lượng yêu thương, những trẻ em bị tổn thương trong đại dịch chắc chắn sẽ được tiếp thêm sức mạnh để chữa lành vết thương trong tâm trí. Người thân tuy không trở lại nhưng tương lai của những đứa trẻ mất người thân thì luôn còn đó, luôn chờ những bước tìm đến và những bàn tay đưa ra nắm lấy những bàn tay.