Những bài học đặc biệt dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước nghỉ Tết cổ truyền, nhiều giáo viên, trường học đã lồng ghép những bài học, hoạt động giáo dục kỹ năng sống hấp dẫn, đa dạng hình thức.

Hoạt động ngoại khóa thường niên được Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức với các hoạt động phong phú: viết thư pháp, gói bánh Chưng, tổ chức các gian hàng ẩm thực.
Hoạt động ngoại khóa thường niên được Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức với các hoạt động phong phú: viết thư pháp, gói bánh Chưng, tổ chức các gian hàng ẩm thực.

Hoạt động này không chỉ giúp học sinh thêm yêu Tết cổ truyền, từ đó có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn hình thành, rèn nhiều kỹ năng quan trọng.

Phong phú hoạt động, đa dạng cách tổ chức

Chia sẻ của cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), hoạt động ngoại khóa giáo dục nét đẹp Tết cổ truyền dân tộc được trường tổ chức thường niên, trong đó nổi bật nhất “Chợ quê”.

Học sinh thường mong chờ hoạt động này vì các em được gói bánh Chưng, chế biến món ăn ngày Tết, tham gia vào các trò chơi dân gian, thi viết thư pháp, biểu diễn các điệu nhảy dân vũ…

Những chiếc bánh Chưng do tự tay học sinh gói sẽ được mang tặng các bạn nhỏ kém may mắn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Linh Quang tại quận Đống Đa. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Chương trình “Tết yêu thương” nhằm giáo dục học sinh tinh thần tương thân, tương ái.

Học sinh sẽ cùng thiết kế, làm những bao lì xì đón xuân để gây quỹ thiện nguyện ủng hộ cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và tham gia vào các chương trình thiện nguyện do quận đoàn Đống Đa tổ chức.

“Tết cũng là dịp thầy cô giáo dục học sinh niềm tự hào về ngôi trường được mang tên quận. Các con được ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc qua lễ hội Gò Đống Đa, gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Cùng với đó, dịp này, nhà trường sẽ giáo dục học sinh ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; nghiêm túc chấp hành không sử dụng pháo, các chất cháy nổ; ý thức trách nhiệm đối với gia đình, như giúp đỡ ông bà, cha mẹ trong những công việc nhỏ trong nhà để chuẩn bị đón xuân”, cô Đào Thị Hồng Hạnh thông tin thêm.

Hoạt động viết thư pháp tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội).

Hoạt động viết thư pháp tại Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội).

Tại Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), cô Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hoạt động tìm hiểu về nét văn hóa cổ truyền của dân tộc được triển khai qua tiết sinh hoạt dưới cờ. Nhà trường đồng thời đã tổ chức hoạt động trao tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Ngoài hoạt động chung toàn trường, là một giáo viên, cô Nguyễn Kiều Oanh tổ chức các hoạt động tìm hiểu về văn hóa ngày Tết trên lớp thông qua trò chơi dân gian, những câu đố vui, hay vẽ tranh, làm hoa đào trang trí lớp…

“Nghỉ Tết, thay vì giao bài tập, tôi đã chủ động phối hợp cùng phụ huynh, giao nhiệm vụ cho học sinh để các con thực sự hiểu về các phong tục tập quán ngày Tết, cảm nhận được ý nghĩa thực sự của Tết.

Việc cùng cha mẹ chuẩn bị Tết giúp các con phát triển rất nhiều kỹ năng thiết thực, như trang trí nhà cửa, bày mâm ngũ quả, gói bánh Chưng, chúc Tết mọi người, quản lý chi tiêu…

Những điều này giúp trẻ có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng Tết cổ truyền, đồng thời được giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”, cô Nguyễn Kiều Oanh cho hay.

Tại Trường THPT Ban Mai (Hà Nội), tìm hiểu về Tết lại được thông qua hoạt động khá đặc biệt: báo cáo đọc sách. Cuốn sách được đọc, báo cáo là “Những ngày Tết ta” của tác giả Tô Hồng Vân.

Cùng tham gia làm clip song ngữ giới thiệu sách, Trịnh Thị Khánh Vy, học sinh lớp 11T2 cho biết, để hoàn thành sản phẩm chất lượng, mình và các bạn đã đọc sách rất kỹ.

Nhờ đó mà hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa ngày Tết như: thăm mộ tổ tiên; dọn dẹp, trang trí nhà cửa; gói bánh Chưng, bánh Tét; cúng ông Công, ông Táo; sửa soạn mâm ngũ quả; làm cơm tất niên; đón giao thừa; chúc tết, lì xì hay xin chữ đầu năm…

“Điều tuyệt vời hơn là sau buổi báo cáo, chúng em được trải nghiệm chính luôn các nét đẹp văn hóa đó tại thư viện nhà trường với chương trình Hội chợ xuân.

Tại đây có các gian hàng văn hóa: viết chữ, lì xì, bày mâm ngũ quả, tặng quà đầu năm; gian hàng ẩm thực: thưởng trà ngày tết, mứt tết, ô mai…, đặc biệt là mâm cơm tất niên với các món ăn đặc trưng ngày Tết; gian hàng trò chơi: ném phi tiêu, nhảy sạp và ô ăn quan”, Trịnh Thị Khánh Vy chia sẻ.

Học sinh Phenikaa School tham gia lễ hội Xuân 2024.

Học sinh Phenikaa School tham gia lễ hội Xuân 2024.

Lưu ý tổ chức hiệu quả

Chia sẻ những lưu ý để tổ chức hoạt động ngoại khóa chủ đề Tết hiệu quả, cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho rằng, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đặt ra mục tiêu hoạt động, thời gian chuẩn bị chu đáo cho hoạt động và dự kiến các nguồn kinh phí.

Trong quá trình hoạt động cần lưu ý lồng ghép giáo dục các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh: kỹ năng tham gia vào các hoạt động cùng gia đình để chuẩn bị đón Tết (như cùng bố mẹ thăm viếng mộ tổ tiên, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị gói bánh, hoa quả...); kỹ năng giao tiếp (lịch sự, biết nói lời cảm ơn khi nhận lì xì, biết chúc Tết, cùng gia đình thăm và chúc Tết ông bà, họ hàng); kỹ năng sử dụng tiền hợp lý; kỹ năng quản lý cuộc sống (sinh hoạt ngủ nghỉ, ăn uống điều độ...)

Cô giáo Nghiêm Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A5, Trường THCS Đống Đa thì gợi ý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống dịp Tết Nguyên Đán cho học sinh hiệu quả.

Trong đó có hoạt động thiết kế lì xì Tết, viết câu đối, trang trí lớp học và trang trí nhà ngày Tết, mục đích giúp học sinh hiểu được ý nghĩa ngày Tết cổ truyền.

Tìm hiểu vẻ đẹp của trang phục ngày Tết (Áo dài), giúp học sinh thêm yêu, tự hào về trang phục dân tộc.

Hoạt động đi chợ ngày Tết, hoàn thành mâm cơm ngày Tết với những món ăn truyền thống đặc trưng cho Tết cổ truyền Việt Nam. Qua hoạt động này, học sinh biết quản lý tài chính, tính toán chi phí hợp lý, giúp đỡ gia đình tạo không khí ấm áp những ngày Tết.

Tìm hiểu tác hại của thuốc lá điện tử và các loại ma túy: Đây là thời điểm học sinh có nhiều tiền lì xì nên dễ bị lôi kéo dụ dỗ. Trang bị cho học sinh những kỹ năng này để tránh xa chất gây nghiện nguy hiểm.

Cô Nghiêm Thu Trang cũng nhắc đến việc trang bị kỹ năng thoát hiểm, sử dụng bình cứu hỏa và cho rằng: hiện nay, một số nơi cho phép sử dụng pháo; tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách vô hình là nguồn cơn gây hỏa hoạn. Trang bị cho học sinh cách sử dụng bình cứu hỏa, thoát hiểm khỏi đám cháy là vô cùng cần thiết.

Các hoạt động khác cũng rất bổ ích như: tổ chức các buổi thiện nguyện nhằm giúp học sinh san sẻ những mảnh đời khó khăn; tri ân ông bà, tổ tiên và cha mẹ.

“Tết là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn tới những người thân trong gia đình như tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Học sinh sẽ cảm nhận được tình cảm trong gia đình từ đó các con sẽ yêu thương những giá trị mình có được hôm nay nhờ công lao của những thế hệ đi trước”, cô Nghiêm Thu Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.