Nhu cầu nhân lực 2025: Chất lượng và chuyên nghiệp

GD&TĐ - Năm 2025, thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến. 

Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2025 tăng đột biến. Ảnh minh họa
Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2025 tăng đột biến. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp đưa ra mức chi trả tiền lương khá cao, tuy nhiên người lao động cần phải nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 12/2024 ước tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm trước.

Thống kê mức tiền lương trung bình năm 2024: Đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là: 7.500.000 đồng/người/tháng. Doanh nghiệp có mức lương cao nhất là: 25.200.000 đồng/người/tháng; doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất là: 5.100.000 đồng/người/tháng. Đối với doanh nghiệp vốn FDI có mức lương cao nhất trong 4 loại hình là: 7.900.000 đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất 147.000.000 đồng/người/tháng…

Năm 2024, vốn FDI của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội được đánh giá là tăng mạnh đã khiến nhu cầu tuyển dụng tại một số ngành như sản xuất và công nghiệp; bất động sản và xây dựng; dịch vụ và du lịch… tăng theo.

Số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động và thành lập mới tăng lên góp phần tích cực đến thị trường tuyển dụng lao động. Ông Vũ Quang Thàn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của thành phố ước tính khoảng 41.262 người lao động.

Khảo sát thực tế của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có khoảng 6.161 việc làm trống của 2.878 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 55,15%, tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng chiếm 17,86%.

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm 49,58% tổng nhu cầu tuyển dụng, lao động phổ thông chiếm 24,6%, công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ nghề (chiếm 12,61%.

Mức tiền lương các doanh nghiệp chi trả cho người lao động từ dao động từ 5 - 10 triệu đồng/tháng (chiếm 79,12% tổng số nhu cầu tuyển dụng); mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng (chiếm 15,55%).

Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường, năm 2025 TP Hà Nội đặt mục tiêu cho khoảng 169.000 lao động có việc làm ổn định.

Để hiện thực hóa được mục tiêu, TP Hà Nội đã chú trọng chuẩn bị các giải pháp: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… nhằm đảm bảo tính bền vững.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi) TPHCM, năm 2025, địa phương này cần từ 310.000 - 330.000 lao động để đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại nhà máy, hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng tải tuyển dụng lao động với vị trí công việc được mô tả như: Viết nội dung giới thiệu sản phẩm, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, livestream bán hàng…

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, năm 2025 có khoảng 85 triệu công việc mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu nhờ sự phát triển của công nghệ số, tự động hóa.

nhu-cau-nhan-luc-2025-1.png
Ảnh minh họa.

Hướng đến đào tạo chất lượng

Báo cáo của Linkedin (Cộng đồng những người đi làm và muốn tìm việc) cho thấy, có đến 60% các công ty hiện đang tìm kiếm nhân sự có kỹ năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng.

Theo dự báo của Falmi, năm 2025, nhu cầu nhân lực tập trung cao nhất ở khu vực thương mại và dịch vụ. Dự báo nhóm này chiếm 67,7% tổng nhu cầu tuyển dụng lao động. Tiếp theo là nhóm khu vực công nghiệp - xây dựng với 31,8%. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,5%...

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo công nghệ… đang trở thành xu thế tất yếu.

Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các vị trí mức lương trung bình đến mức cao thường yêu cầu kỹ năng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, AI trong công việc.

Báo cáo của nhóm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến (R&D) cho biết, để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào đội ngũ R&D nhằm duy trì lực lượng lao động có kỹ năng chuyên môn và phát triển bền vững trong dài hạn.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nhân viên hiện tại. Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp tăng cường sự gắn bó và năng suất của lao động.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là yếu tố không thể thiếu để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động chất lượng cao. Việc cần làm là chúng ta phải cập nhật chương trình giáo dục, tập trung vào các kỹ năng thực tế và lĩnh vực đang phát triển như: Công nghệ, khoa học dữ liệu…

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) khuyến cáo, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào các khu công nghệ cao để “hút” lao động chất lượng cao, xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển môi trường làm việc hiện đại…

Theo TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm nhận định: Sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),… khiến lao động có nguy cơ giảm. Vì vậy khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn chậm khi thông tin thị trường lao động hạn chế. Mặt khác, kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.

TS Bình khuyến cáo, để bắt kịp tốc độ phát triển với nền kinh tế, thị trường lao động cần vượt qua những thách thức, giới hạn hiện tại. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động, giúp cho dịch vụ việc làm phát triển.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động trong bối cảnh hiện nay là tất yếu để người lao động không bị gián đoạn về việc làm.

Để đáp ứng được yêu cầu về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chính sách pháp luật về đào tạo, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Nâng cao năng lực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM: Năm 2025, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 88,11%. Nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng chiếm 14,6%, đại học trở lên chiếm 18,76%, sơ cấp chiếm 34,61%, trung cấp chiếm 20,14%, lao động phổ thông chiếm 11,89%. Nhiều doanh nghiệp đang đưa ra mức lương hấp dẫn đối với vị trí làm việc ngành công nghệ thông tin từ 20 - 35 triệu đồng/tháng, đặc biệt liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ