Những bài học cho bóng đá Việt Nam sau giải U22 Đông Nam Á

“Thất bại là mẹ thành công”, câu nói này có vẻ không được chấp nhận trong trường hợp của U22 Việt Nam tại giải U22 Đông Nam Á 2019. Nhưng dù có thất vọng như thế nào thì chí ít những chàng trai trẻ của chúng ta cũng không rời Campuchia với hai bàn tay trắng. Họ và cả bóng đá nước nhà đã đi một ngày đàng và mang về cả một sàng khôn.

Những bài học cho bóng đá Việt Nam sau giải U22 Đông Nam Á

Chuẩn bị sẵn tâm lý cho mọi thứ

Đầu tiên, cần phải khẳng định lãnh đạo bóng đá Việt Nam đã rất tâm lý khi chỉ đề ra mục tiêu là vào đến trận chung kết chứ không phải là vô địch giải U22 Đông Nam Á 2019. Đó là cách giảm thiểu áp lực cho những đôi chân còn quá non nớt sau một năm đại thành công của bóng đá nước nhà.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm, giải U22 Đông Nam Á 2019 không phải mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam mà nó giống một bước chuẩn bị cho SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay. Cùng với đó, thành tích của các giải trẻ chỉ mang tính tham khảo bởi đây là độ tuổi chưa thực sự đạt độ chín trong sự nghiệp. Tựu chung lại, U22 Việt Nam được tạo mọi điều kiện tốt nhất để có thể thoải mái thi đấu.

Những bài học cho bóng đá Việt Nam sau giải U22 Đông Nam Á ảnh 1
Lứa U22 Việt Nam còn nhiều thiếu sót cần phải cải thiện nếu muốn tiến bộ trong thời gian tới.

Nhưng rồi việc bị loại ở bán kết trước U22 Indonesia bỗng khiến mọi thứ mang một màu xám. Đó là một thất bại với tỷ số tối thiểu đáng tiếc hơn là đáng giận. HLV Nguyễn Quốc Tuấn đổ lỗi cho đối thủ chơi xấu nhưng đó đâu phải là chuyện lạ. Từ xưa tới nay, mỗi khi gặp đội bóng chơi kỹ thuật hơn, phía Indonesia luôn chọn cách tiếp cận bạo lực. Họ làm điều đó thường xuyên, liên tục và nếu chúng ta không biết thì chỉ biết trách mình ngây thơ mà thôi.

Nhưng đâu phải U22 Việt Nam chịu bị “hành hung” suốt 90 phút, các cầu thủ trẻ của chúng ta đã tạo ra một thế trận chấp nhận được. Riêng học trò cưng của HLV Quốc Tuấn là Đức Nam đã bỏ qua hàng loạt cơ hội có thể ăn bàn cho đội nhà, điển hình là quả đánh đầu ra ngoài trước khung thành đã mở toang của đối thủ xuất phát từ quả đá phạt của đồng đội.

Với U22 Indonesia, họ ghi được bàn thắng duy nhất với cơ hội rõ ràng hiếm hoi trong trận đấu. Rõ ràng, khác biệt nằm ở đó. Bóng đá là trò chơi của khoảnh khắc và đội nào tận dụng được thì sẽ giành được chiến thắng.

Nhưng U22 Việt Nam không có lứa cầu thủ tài năng như U23, trên băng ghế huấn luyện cũng không phải HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, đó không phải là lý do cho thất bại này.

Bồi lấp khoảng cách trình độ

Trong cuộc họp báo sau trận đấu với U22 Indonesia, HLV Nguyễn Quốc Tuấn bật mí một số gương mặt mà ông sẽ đề cử lên đội U23 Việt Nam. Ông cho biết: “Chắc chắn hôm nay những nhà tuyển trạch sẽ theo dõi trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia. Bản thân tôi nếu được chọn sẽ là tiền vệ Trần Thanh Sơn, Phan Thanh Hậu; hậu vệ Lê Văn Xuân và tiền đạo có thể là Trần Danh Trung. Tuy nhiên Danh Trung chưa bình phục chấn thương”.

Trong đội hình sẽ là tương lai của bóng đá nước nhà, HLV trưởng chỉ chọn ra được bốn cái tên có đủ năng lực để tham dự SEA Games 30 vào cuối năm. Con số như vậy là quá ít và nó thể hiện việc thiếu lớp kế cận sau thành công vang dội của thế hệ vàng trong năm 2018.

Nhiều người cho rằng không cần quá lo lắng bởi nòng cốt tham dự SEA Games 30 sẽ toàn là những gương mặt quen thuộc như: Bùi Tiến Dũng (thủ môn), Trần Đình Trọng, Nguyễn Thành Chung, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh. Nhưng đây chẳng phải cũng là những thành viên của ĐTQG sao?

Đến HLV Park Hang Seo còn cảm thấy không thể gánh vác một lúc được hai nhiệm vụ nặng nề ở cả ĐTQG lẫn đội U22 Việt Nam, vì thế mới giao lại nhiệm vụ giành HCV SEA Games 30 cho người trợ lý thân tín Lee Young Jin. Thử hỏi những cầu thủ tối quan trọng của cả hai cấp độ như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng... lấy đâu ra sức để mà phân thân?

Nhưng kể cả không biết phân thân, Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng... vẫn phải tham gia cả chiến dịch Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30 vì thành tích chung. Năm 2018 mệt mỏi vừa qua đi thì một năm 2019 hứa hẹn còn cày ải nhiều hơn lại xuất hiện. Với những người thân, những người thực sự lo lắng cho Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng... họ có lẽ chỉ mong U22 Việt Nam có thể tìm ra được các nhân tố đủ sức thay thế. 

Nhưng như ai cũng thấy đấy, HLV Nguyễn Quốc Tuấn cũng chỉ giới thiệu được bốn cái tên mà thôi. Rõ ràng, câu chuyện chiều sâu đội hình vẫn là thách thức muôn thuở. Bóng đá Việt Nam không thiếu thế hệ vàng, chỉ là những lứa tiếp nối chưa bao giờ cung cấp ổn định các tài năng cho tuyến trên mà luôn là ngược lại, tách từ ĐTQG để bổ sung sức mạnh cho cấp độ trẻ.

Kết quả U22 Việt Nam 1-0 U22 Campuchia: Người hùng từ ghế dự bị ấn định chiến thắng

Sau thất bại ở trận bán kết trước U22 Indonesia, U22 Việt Nam bước vào trận tranh giải Ba gặp đội chủ nhà U22 Campuchia. Được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ, U22 Việt Nam sớm chiếm lĩnh thế trận, ép sân nhằm tìm kiếm bàn thắng.

Tuy vậy, mục tiêu ghi bàn sớm của U22 Việt Nam đã gặp không ít khó khăn. U22 Campuchia sẵn sàng chơi ăn miếng trả miếng, tỏ ra nguy hiểm không kém ở những tình huống lên bóng nhanh.

Hiệp 1 kết thúc với tỷ số hòa 0-0. Bước sang hiệp 2, U22 Việt Nam vẫn gặp bế tắc trong tấn công và không thể ép sân U22 Campuchia. Điều này khiến HLV Nguyễn Quốc Tuấn tung Lê Xuân Tú vào sân ở phút 85. Cầu thủ số 9 lập tức để lại dấu ấn chỉ sau 1 phút bóng lăn. Từ quả tạt bên cánh trái, Xuân Tú khéo léo lắc đầu tung lưới U22 Campuchia.

Bị dẫn bàn, U22 Campuchia vùng lên trong những phút cuối nhằm tìm kiếm bàn gỡ. Phút 90, Kakada xâm nhập vòng cấm rồi tung ra cú dứt điểm cực mạnh. Tuy nhiên, thủ môn Eli Nie đã xuất sắc đẩy bóng bật cột dọc ra ngoài.

Chiến thắng chung cuộc 1-0 giúp U22 Việt Nam giành vị trí thứ ba tại U22 Đông Nam Á 2019.

Theo Công an nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.