Những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ xe tập lái xe tông bé 3 tuổi tử vong ở Nam Định?

GD&TĐ - Công an tỉnh Nam Định đang khẩn trương điều tra vụ xe tập lái gây tai nạn giao thông trên tuyến đường khu dân cư làm một bé gái 3 tuổi tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Cơ quan chức năng cho hay, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h30’ chiều 11/8. Vào thời điểm trên cháu N.T.T. (3 tuổi, trú tại xã Hải Phúc) được chị họ chở bằng xe đạp đi trên tuyến đường của khu dân cư tập trung thuộc xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu) thì bị một xe ô tô đi cùng chiều tông từ phía sau, khiến cháu T. tử vong.

Chiếc xe gây tai nạn là xe dành cho học viên tập lái của Trường Trung cấp Đại Lâm (phường Lộc Hạ, TP. Nam Định). Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm xảy ra tai nạn, thầy giáo dạy lái không ở trong xe mà ra ngoài ngồi uống nước, trong xe chỉ có 2 học viên nữ.

Liên quan đến tình huống pháp lý của vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật quy định xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe ô tô phải có giấy phép lái xe phù hợp.

Học viên đang học lái xe ô tô là người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là xe ô tô. Bởi vậy, pháp luật quy định xe tập lái là xe chuyên dụng, có hỗ trợ phanh và điều kiện bắt buộc phải có giáo viên ngồi cùng để bảo trợ tay lái.

Tập lái xe phải trên sân, bãi thiết kế cho việc tập lái xe để đảm bảo an toàn trong quá trình tập. Người đào tạo phải tuân thủ các quy tắc an toàn, phải ngồi cạnh học viên trong quá trình tập lái. Nếu giáo viên để học viên tự lái xe tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Luật giao thông đường bộ quy định, Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định. Nghiêm cấm việc giáo viên tự đưa xe không đúng chủng loại cho học viên thực hành, không ngồi cạnh học viên khi thực hành lái xe.

Điều 4 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc quản lý hoạt động của cơ sơ đào tạo lái xe được quy định như sau: Cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và sát hạch lái xe có thể sử dụng sân sát hạch để đào tạo lái xe; Giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành. Giáo viên phải ngồi cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên trong quá trình thực hành.

Trường hợp giáo viên không tuân thủ quy định pháp luật về đào tạo lái xe gây ra tai nạn thì giáo viên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hoặc tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.

Điều 58. Luật giao thông đường bộ quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái...

Trong tình huống này học viên điều khiển phương tiện khi không có giáo viên bảo trợ là vi phạm quy định tại Điều 58 luật giao thông đường bộ. Còn giáo viên giao xe cho học viên không đủ điều kiện điều khiển để tham gia giao thông đường bộ cũng vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ, hành vi gây hậu quả chết người nên người giáo viên này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 264 bộ luật hình sự.

"Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

...".

Còn học viên không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khi không có giáo viên bảo trợ tay lái mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông thì đây là hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự mà học viên và giáo viên phải chịu theo quy định của pháp luật thì người vi phạm sẽ liên đới phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền công người chăm sóc và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu toà án giải quyết theo quy định pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.