Liên tiếp phát hiện hàng giả
Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 doanh nghiệp bị xử phạt, nặng nhất là Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội với số tiền phạt là 84 triệu đồng vì sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng Arginin B.Complex Extra, sản phẩm thực phẩm Anphavit calci nano, Pediasure, không đúng như tiêu chuẩn công bố.
Tiếp theo là Công ty TNHH Dược phẩm VINASANCO, trụ sở chính tại phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội bị phạt trên 60 triệu đồng do hành vi bán lô sản phẩm thực phẩm PHYPERUS chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định cho sản phẩm thực phẩm này.
Sau đó là Công ty cổ phần Dược Viko 8 - Pháp, ở khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông, Hà Nội bị phạt trên 35 triệu đồng do sản xuất thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu giả, không có giá trị sử dụng, công dụng; kết quả kiểm nghiệm âm tính với trinh nữ hoàng cung… Tổng cộng số tiền mà Cục An toàn Thực phẩm phạt 5 doanh nghiệp trên là hơn 191 triệu đồng.
Không chỉ vậy, trong 2 năm qua, một con số thống kê cũng đã đưa ra để cảnh báo tình trạng hàng giả bảo vệ sức khỏe khi có tới 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 99,233 tỉ đồng; nộp ngân sách 75,530 tỉ đồng; khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.
Cần chế tài mạnh
Không ít người đặt câu hỏi, những sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm làm giả như vậy vì sao lại có thể lưu thông ngoài thị trường một cách dễ dàng? Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, do các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi trong sản xuất, kinh doanh nên dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mới có đất sống.
Cụ thể, các công ty thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, rồi thành lập nhiều công ty vệ tinh để sản xuất hàng giả đưa ra thị trường. Thủ đoạn của các đối tượng là bán sản phẩm giả lẫn các sản phẩm nhập khẩu để đối phó với cơ quan chức năng và qua mắt người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lợi dụng xu hướng thương mại điện tử, các doanh nghiệp chỉ bán qua mạng, bán cho người đặt hàng, không bán công khai nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Tinh vi hơn, một số người nước ngoài đưa hàng hoá nhập lậu, hàng giả vào Việt Nam tiêu thụ nhưng do người Việt Nam đứng tên pháp lý kinh doanh với hình thức thành lập công ty, đăng ký kinh doanh có tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền...
Đối với hàng kém chất lượng, thủ đoạn các đối tượng hay sử dụng là quảng cáo phóng đại hoặc mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng rồi mang ra bán; kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng...
Mặc dù là hàng giả, kém chất lượng lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhưng khi bị phát hiện hầu hết đều xử lý theo hình thức xử phạt hành chính, không đủ sức để răn đe, phòng ngừa.
Chẳng hạn như việc xử phạt Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA nói phần đầu bài chỉ 84 triệu đồng trong khi sản xuất thực phẩm chức năng Arginin B Complex Extra và cả sản phẩm rất tên tuổi là Pediasure giả.
Số tiền này, nếu so với những gì mà họ gây ra, cũng như thu về thì chẳng là gì. Bởi đây là mặt hàng kinh doanh “siêu lợi nhuận”, chưa kể nếu trót lọt thì các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần. Cho nên, nếu cứ duy trì hình thức xử lý này thì chắc chắn sẽ còn phát hiện nhiều vụ lớn hơn.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội làm cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh qua mạng gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là chưa nói đến hệ thống thông tin của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cũng chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm vì vậy việc phát hiện hàng có phép hay không được phép lưu hành trên thị trường là một bài toàn rất nan giải đối với các cơ quan quản lý.
Được biết, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Dự thảo quy định: vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định về thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông... Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng, đối với tổ chức.