Nhức nhối nạn mua bán người ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Mua bán người được ngụy trang dưới hình thức nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng khiến nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.

Phạm Thị Hằng - đối tượng mua bán trẻ sơ sinh.
Phạm Thị Hằng - đối tượng mua bán trẻ sơ sinh.

Dưới hình thức trá hình như: Cho và nhận con nuôi, lao động “việc nhẹ lương cao”, kết hôn với người nước ngoài… tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Mua bán người qua mạng xã hội

Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia thì hiện nay, các đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận. Mua bán người đã được chúng ngụy trang dưới hình thức nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng khiến nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.

Cách đây không lâu,Công an TP Thanh Hóa phát hiện và bắt giữ Phạm Thị Hằng (SN 1986, ở xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn) về hành vi Chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi.

Được biết, trước đó, do hoàn cảnh khó khăn nên chị N.T.M (tỉnh Thái Nguyên) đang mang thai con gái tháng thứ 9 có lên hội nhóm trên không gian mạng “Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi” để liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh.

Sau khi liên hệ được với tài khoản Facebook “Hang Pham” của Phạm Thị Hằng, chị M nói nguyện vọng của bản thân muốn tìm người nuôi con sau sinh, Hằng đồng ý, hứa hẹn sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho M bắt xe từ Thái Nguyên vào Thanh Hóa.

Trong thời gian này, Hằng đã liên hệ và bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn ở huyện Như Xuân với giá 45 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho người mua, Hằng đã làm giả giấy chứng sinh cho cháu gái. Khi giao dịch đang diễn ra thì Công an TP Thanh Hóa ập vào bắt quả tang.

Kiểm tra nơi ở của Phạm Thị Hằng, lực lượng công an phát hiện Hằng đang nuôi 3 phụ nữ mang thai. Hằng thỏa thuận với họ là sau khi sinh sẽ liên hệ làm thủ tục cho con nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.

Quá trình điều tra cho thấy, Hằng đã lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin, thu gom những người mang thai ngoài ý muốn, sau đó mang về nhà lo ăn uống, sinh hoạt. Khi đến thời kỳ sinh nở, đối tượng lo viện phí và sau khi sinh con xong thì làm giấy tờ giả và liên hệ trên mạng xã hội với những gia đình hiếm muộn con và bán 70 - 80 triệu đồng/cháu bé.

Mới đây, Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa giải cứu một thiếu nữ suýt bị bán sang Campuchia để làm việc trong các sòng bạc.

Cũng thông qua mạng xã hội, M.T.T.V (SN 2008, trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đang làm nhân viên phục vụ cho một quán karaoke ở Hà Nội thì được Lê Thanh Hải (SN 1997 trú tại xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) chuộc về để phục vụ quán karaoke của Hải với giá 26 triệu đồng.

Quá trình làm việc cho Hải, do công việc không ổn định nên M.T.T.V đã lên mạng xã hội tìm việc và được một người bạn mới quen rủ sang Campuchia làm việc.

Người này đã giới thiệu V cho Trần Hải Đăng (ở quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đăng gọi điện cho Đào Thị Trang đang làm việc tại sòng bạc ở Campuchia liên hệ và thống nhất sẽ chuộc cháu V từ Lê Thanh Hải với giá 30 triệu đồng.

Sau khi đã thống nhất thỏa thuận về giá cả, Đào Thị Trang từ Campuchia về Việt Nam cùng Trần Hải Đăng thuê taxi chạy vào Thanh Hóa đón cháu V để cùng đi sang Campuchia. Khi các đối tượng chuẩn bị đưa cháu V lên xe vào Nghệ An để bay vào TP Hồ Chí Minh thì bị công an phát hiện, bắt giữ.

thanh hoa nhuc nhoi nan mua ban nguoi.png
Hai thiếu nữ Mông suýt bị bán sang Trung Quốc.

Từ bẫy “việc nhẹ lương cao” đến bán mình cho tội phạm

Thanh Hóa xác định 2 tuyến trọng điểm về tội phạm mua bán người. Đó là tuyến biên giới đất liền và tuyến biển. Có 10 địa bàn trọng điểm là các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển, gồm: TP Sầm Sơn; TX Nghi Sơn; huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thường Xuân và các huyện thuộc khu vực biên giới có người Mông sinh sống gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, nạn nhân bị mua bán thường là những thanh niên trong độ tuổi lao động, không có công ăn việc làm ổn định; là những phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi, miền biển có hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ học vấn, trình độ hiểu biết thấp và đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bị hại để tìm cách dụ dỗ, lừa gạt đưa bán sang Trung Quốc và một số quốc gia khác để làm vợ, bóc lột tình dục và bóc lột sức lao động.

Đối tượng chủ mưu trong các vụ mua bán người phần lớn là các đối tượng đã từng là bị hại móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới. Chúng dùng thủ đoạn thông qua các trang mạng xã hội để tiếp cận làm quen, giả vờ yêu, lừa đi thăm thân, lễ, Tết, đưa đi xuất khẩu lao động rồi bán ra nước ngoài thông qua những người Việt Nam ở bên đó. Đặc biệt, nạn nhân có thể là những trẻ em mới sinh, bị chính người mẹ của mình và các đối tượng đưa ra để thương lượng, mua bán.

Thượng tá Phạm Đức Thiêm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt.

Thủ phạm có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương trong nước và người nước ngoài để hình thành các đường dây phạm tội khép kín.

Cũng theo Thượng tá Phạm Đức Thiêm, mua bán người cũng diễn ra ngay trong nội địa. Việc này núp bóng dưới “vỏ bọc” là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: Kinh doanh trò chơi, băng đĩa, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage...

Tội phạm mua bán người thường tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết hoặc các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”... Sau khi con mồi “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê...

“Những nạn nhân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác”, Thượng tá Thiêm thông tin thêm.

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố3 vụ, 4 bị can về tội Mua bán người. Trong đó có 2 vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi. VKSND và TAND tỉnh Thanh Hóa truy tố và xét xử 1 vụ án, 5 bị cáo về các tội liên quan đến mua bán người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.