Nhức nhối đuối nước trẻ em

GD&TĐ - Đó là nội dung được bàn luận trong hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhức nhối đuối nước trẻ em

Chỉ 30% trẻ em biết bơi

Tại hội thảo, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, việc trang bị cho trẻ em biết bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu các vụ đuối nước trẻ em. Kinh nghiệm phòng chống đuối nước tại Bangladesh cho thấy, tăng cường giám sát trẻ nhỏ đã giúp giảm đuối nước trẻ em gấp 3 lần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị đuối nước, trong đó có nhiều trường hợp trẻ không được giám sát của người lớn, do trẻ em không biết bơi, không có các kỹ năng an toàn dưới nước, môi trường sống xung quanh không an toàn, ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thủy của người dân chưa cao.

Tổng hợp số liệu báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, cả nước chỉ có 30% trẻ em biết bơi. Chính vì thế, việc phổ cập bơi và các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em là giải pháp hết sức cần thiết để ngăn chặn tình trạng đuối nước.

Dạy trẻ em thuần thục các kỹ năng bơi lội luôn được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh tai nạn đuối nước (Ảnh minh họa)
Dạy trẻ em thuần thục các kỹ năng bơi lội luôn được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh tai nạn đuối nước (Ảnh minh họa) 

Trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em

Để giảm tình trạng đuối nước, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể triển khai tích cực các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các chiến dịch truyền thông trên toàn quốc đã nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em.

Kinh nghiệm phòng chống đuối nước đã được triển khai tại Bangladesh cho thấy, các chiến lược phòng chống đuối nước được điều chỉnh theo độ tuổi của trẻ như sau:

Cải thiện việc giám sát trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi); Trang bị cho trẻ lớn hơn (4 – 10 tuổi) các kĩ năng bơi an toàn và bảo toàn tính mạng đã giúp giảm số trẻ bị đuối nước. Đặc biệt, để phòng chống đuối nước cần có sự tham gia của cộng đồng – thành lập Ban phòng chống tai nạn thương tích của thôn.

Các điểm trông trẻ trong ngày tại cộng đồng (Anchal) được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển trẻ thơ toàn diện. Các điểm này mở cửa 6 ngày/tuần, 9h sáng – 1h chiều. Mỗi điểm có hai người trông trẻ được đào tạo (mẹ Anchal trông trẻ chính và một người hỗ trợ) trông nom khoảng 20 - 25 trẻ. Từng Anchal được thành lập ở nhà riêng của thành viên nữ trong cộng đồng. Các hoạt động của trẻ ở lớp gồm: Các chương trình học tập phát triển trẻ thơ; Các hoạt động xã hội như múa, hát; Hướng dẫn về vệ sinh sức khỏe.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em, Bộ VH-TT&DL phối hợp LĐ-TB&XH và WHO xây dựng Đề cương tài liệu dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em phục vụ nhóm đối tượng từ 6 - 15 tuổi.

Bộ tài liệu bao gồm các nội dung chính: Đuối nước và các biện pháp phòng chống đuối nước; Công tác tổ chức dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em; Hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối nước an toàn; Giới thiệu chương trình mẫu dạy bơi an toàn cho trẻ em...

Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 em tử vong vì đuối nước, con số này cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Tử vong do đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77%, tại gia đình là 22,4% và 1% trẻ tử vong vì đuối nước tại trường học. Có đến 55% trẻ em tử vong do đuối nước song trong các hộ gia đình nghèo, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Trẻ em trong độ tuổi từ 0 – 4 tuổi có tỷ lệ đuối nước cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ