(GD&TĐ) - Cách đây hơn 10 năm, ngày 29/1/2002, nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị đã qua đời tại Huế. Nhắc đến bà, không riêng giới mỹ thuật trong nước, mà ngay cả ở Châu Âu cũng biết, bởi vì Điềm Phùng Thị là Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật châu Âu và tên bà đã được ghi vào Từ điển Larousse về tranh và tượng của thế kỷ XX.
Tuổi thơ không bình yên
Chân dung bà Điềm Phùng Thị |
Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Bà là con gái út của ông Phùng Duy Cần, người gốc Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, làm quan triều Nguyễn (Bộ Công) lấy vợ người Huế (nguyên quán Vỹ Dạ, thành phố Huế). Tại sao bà chọn bút danh Điềm Phùng Thị? Điềm là tên chồng, kết hôn năm 1953. Nha sĩ Nguyễn Phúc Bửu Điềm (sinh năm 1919, mất năm 1997), con trai của ông Nguyễn Phúc Ưng Hạ, cháu nội của Nguyễn Phúc Hồng Thiết, thuộc phòng 11 –phủ Tuy Lý Vương Miên Trinh.
Cha của bà là ông Phùng Duy Cần vốn là một vị quan bộ Công triều Nguyễn (Bộ Xây dựng) có thừa tận tụy, giàu năng lực chuyên môn, nên được triều đình Huế “chọn mặt gửi vàng” đảm trách việc tổng chỉ huy xây dựng lăng vua Khải Định.
Tuy mẹ mất sớm, bà mới lên ba tuổi, nhưng tính cách dịu dàng, hiền thục của người phụ nữ Huế đã ảnh hưởng rất lớn đến vai trò làm vợ của bà Điềm Phùng Thị sau này: Chung thủy, tận tụy, chu đáo chăm sóc người chồng mắc bệnh hiểm nghèo một thời gian dài trước khi mất. Tài năng điêu khắc thiên bẩm của bà chắc chắn cũng tiếp thu ít nhiều khí chất, từ người cha làm Thượng thư bộ Công. Chị ruột bà – bà Phùng Thị Đậu còn nhớ: “Lên sáu tuổi, Cúc hay xuống xưởng mộc, xưởng ngà voi, sừng trâu, lượm những đồ phế thải ra để làm đồ chơi, xâu thành chuỗi vòng tay, vòng cổ, đủ các hình thù rất ngộ nghĩnh”.
Tuổi thơ của bà Điềm lắm truân chuyên. Theo hồi ký của bà Đậu: "Lăng Khải Định mới xây xong phần cốt lõi, chưa trang trí, cũng là thời kỳ mẹ tôi sắp sinh em bé, ba tôi đặt tên là Cúc. Khi Cúc được hơn hai tuổi, mẹ tôi bị bệnh. Những cơn đau bụng làm bà vật vã đau đớn, ba chị em tôi chỉ còn biết ôm nhau khóc. Ba tôi luôn vắng nhà. Chúng tôi ở xa bên ngoại, nên khi ông ngoại tôi biết mẹ tôi bị bệnh mời ngự y đến khám, chuyển nhà thương thì bệnh đã trở nặng lắm rồi. Mẹ tôi mất, bỏ lại chúng tôi, Cúc 3 tuổi”... Thiếu vắng tình mẫu tử, ba chị em còn phải chịu cảnh dì ghẻ con chồng! Hơn nửa năm sau khi vợ chết, trong một lần đi hiểu dụ ở Nghệ Tĩnh, ông Phùng Duy Cần đón về một cô gái trẻ, bảo với các con là kế mẫu!
Cuộc sống từ đấy không phẳng lặng, khi lăng Khải Định hoàn tất, triều đình bổ nhiệm ông Cần làm Quản đạo (tỉnh trưởng) tỉnh Kon Tum. Cả gia đình ly tán một lần nữa. Ba chị em rời thôn Châu Ê, theo cậu, dì và ông ngoại đón về nuôi ở thôn Vĩ Dạ, còn bà kế mẫu trẻ được cho trở lại quê nhà. Ít tháng sau, ông Cần đến nhiệm sở mới, ổn định chỗ ở. Sống yên ổn với ngoại ở Vỹ Dạ chưa được lâu, ba chị em lại theo cha lên Kon Tum. Công việc của ông Quản Đạo vô cùng bận rộn, ông Cần không thể chăm sóc các con được, ba chị em tự bảo ban nhau học hành, chăm sóc lẫn nhau...
Học hành đầy biến động
Tuy Lý Vương Phủ (Vỹ Dạ - Huế), nơi bà Điềm về làm dâu hoàng tộc |
Do hoàn thành tốt công việc ở Pleiku, ông Phùng Duy Cần lại được điều về Kinh đô - Huế, giữ chức Tham tri bộ Công, ở đây cho đến cuối năm 1944 thì về hưu với chức Công bộ Thượng thư Hiệp tá Đại học sĩ. Ngôi nhà ông mua nằm bên bờ sông Hương, đêm đêm có thể nghe tiếng hò mái nhì, mái đẩy xa vắng, buồn não nuột của những kỹ nữ, những cô gái đưa đò. Chính những giọng hò Huế man mác thẳm sâu ấy đã ăn sâu vào tâm hồn thơ ngây của ba chị em.
Theo lời chỉ dẫn của các bậc trưởng thượng ở thôn Vỹ Dạ - Huế, và hồi ký của bà Phùng Thị Đậu, tôi đi dọc theo bờ nam sông Hương (sông Hương đoạn chảy qua địa phận thôn Vỹ Dạ, bắt đầu từ Đập Đá đến Bến Cạn), song dấu vết ngôi nhà xưa của họ Phùng (nay là đường Nguyễn Sinh Cung) không còn nữa!
Lớn lên, theo thời cuộc biến động liên miên, việc học hành của bà Điềm cũng không ổn định. Hết học tiểu học tại Huế, lên trung học ra Hà Nội học tại Trường Thăng Long, rồi trở lại học Trường Khải Định - Huế. Từ năm 1941 - 1946 bà theo học nha khoa tại Đại học Hà Nội, tốt nghiệp khóa đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa rồi đi kháng chiến, phục vụ trong ngành Y dược.
Qua năm 1948, bà bị bệnh trầm trọng, nên được đưa sang Pháp điều trị, rồi học bổ túc nha khoa và tốt nghiệp 1950. Theo lời tâm sự của bà trong lần tham dự Hội thảo Văn hóa quốc tế năm 1995 tại Đà Nẵng, chặng đường du học tại châu Âu cũng rất gian khổ, trong những năm kinh tế khó khăn sau thế chiến thứ hai.
Tại Paris, bà kết hôn với nha sĩ Bửu Điềm, thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Đến năm 1953, bà cùng chồng trình luận án và đỗ tiến sĩ nha khoa. Tuy vậy nghề nha sĩ không hấp dẫn bà bằng âm vang mỹ thuật của Paris - “kinh đô” của nghệ thuật thế giới. Từ năm 1959 bà đã có ý định rời bỏ nghề nha sĩ, để đến với nghệ thuật điêu khắc, nên xin làm học viên tự do trong xưởng của Giáo sư Volti. Năm 1966, bà mở cuộc triển lãm đầu tiên tại Nhà Thanh niên Paris, được sự quan tâm và khuyến khích của Raymond Cogniat, nhà phê bình kỳ cựu ở báo Le Figaro. Các tượng “Mẹ Con”, “Trẻ con” sau khi triển lãm được chính phủ Pháp mua, dựng trong một công viên trẻ em ở Paris.
Chính từ cái mốc này, tại Paris, tài năng của Điềm Phùng Thị như tia nắng mặt trời xuyên qua mù sương, ngày càng phát sáng và lan tỏa khắp châu Âu.
VŨ HÀO
KỲ SAU: Lao động và sáng tạo