Mở rộng mạng lưới trường lớp để đáp ứng nhu cầu người học

GD&TĐ - Áp lực dân số cơ học tại các thành phố lớn như Hà Nội tăng nhanh dẫn đến việc gia tăng số lượng HS. Vì vậy mạng lưới trường lớp phải phát triển mạnh mới đáp ứng được nhu cầu của người học. 

Mở rộng mạng lưới trường lớp để đáp ứng nhu cầu người học

Để không xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp yêu cầu Sở GD&ĐT, các ngành liên quan và UBND quận, huyện, tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Quá tải về áp lực

Nếu như ở các quận cũ trong nội thành áp lực về việc không còn quỹ đất mới để mở rộng các khuôn viên trường học. Thì tại các quận mới thành lập sau này như Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc - Nam Từ Liêm, lại phải gánh thêm áp lực về việc gia tăng sĩ số học sinh nhập cư do sự phát triển nhanh chóng của các chung cư mới. Đó chính là những nguyên nhân khiến cho sĩ số học sinh tại các lớp học tăng quá cao. Nhiều trường tiểu học ở các quận này có sĩ số trên 50 học sinh một lớp, thậm chí có lớp cá biệt lên tới 60 học sinh như các quận Thanh Xuân, Hà Đông.

Trên toàn thành phố Hà Nội, năm học 2016 - 2017, mạng lưới các trường học trên địa bàn vẫn tiếp tục phát triển với 2.665 trường học, gần 53.000 nhóm lớp với 1,8 triệu HS. So với cùng kỳ năm học trước tăng 43 trường với hơn một nghìn nhóm lớp, 95.000 HS. Trong đó hai cấp học mầm non và tiểu học có sự phát triển mạnh nhất về quy mô HS... Được biết từ năm 2012 - 2015, toàn thành phố đã xây mới 121 trường học, gần 1.700 phòng học với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Song điều này cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về trường lớp khi mà số lượng học sinh gia tăng nhanh chóng.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Trong 5 năm qua, mỗi năm quận Hà Đông xây mới từ 4 đến 5 trường học, nhưng nhiều trường vẫn quá tải. Quy mô tuyển sinh những năm gần đây tăng trung bình trên 5.000 HS/năm. Mối lo của lãnh đạo quận là trên địa bàn hiện có hơn 100 dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị đang triển khai, trong đó 60 dự án đã đưa vào hoạt động, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về dân số, đòi hỏi phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, trong đó có trường học. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, Hà Đông cần thêm 85 trường học mới.

Tại quận Tây Hồ, theo các con số thống kê thì dù 100% các phường có đủ trường công lập ở cả ba cấp học, nhưng với sự gia tăng dân số nhanh, vẫn dẫn tới tình trạng hầu hết các lớp học đều vượt quá sĩ số tiêu chuẩn (sĩ số trung bình/lớp bậc học mầm non công lập là 51 trẻ, tiểu học là 46 học sinh (HS) và THCS là 40 HS). Đặc biệt, từ nhiều năm nay, tại phường Tứ Liên, trường THCS vẫn phải học nhờ ở đình Nội Châu. Chỉ riêng bậc tiểu học, hiện để đáp ứng tiêu chí 100% HS học 2 buổi ngày với sĩ số 40 HS/lớp, quận vẫn thiếu 71 phòng học và cần xây thêm 1 trường tiểu học Tứ Liên.

Tại quận Cầu Giấy, so với nhu cầu hiện tại thì số trường học cơ bản đủ, nhưng các trường đều có sĩ số HS/lớp cao. Dự báo, năm học tới (2017 - 2018) quy mô HS sẽ tăng khoảng 10%, tương đương 6.300 HS, cần xây thêm 4 trường học. Kế hoạch từ nay tới năm 2020, Cầu Giấy cần bổ sung khoảng 10 trường ở các cấp học.

Ưu tiên xây dựng mạng lưới trường lớp

Để giảm tải sĩ số học sinh trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT Hà Nội đã từng bước đặt ra các mục tiêu trong vấn đề mở rộng mạng lưới trường học tại các quận huyện trên địa bàn. Theo quy hoạch phát triển hệ thống GD&ĐT thành phố và quy hoạch mạng lưới trường học GD&ĐT, đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội đã xác định rõ vị trí, yêu cầu và những điểm cần xây mới. Thành phố sẽ phấn đấu cải tạo, sửa chữa khoảng 1.200 trường học. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong 5 năm vừa qua, thành phố đã đầu tư kinh phí và cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập. Song, do dân số cơ học tăng nhanh ở các quận, huyện như: Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc - Nam Từ Liêm, Long Biên… nên cần có sự rà soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn…

Hà Đông là một trong những quận luôn ưu tiên cho vấn đề xây dựng, mở rộng mạng lưới các cơ sở trường lớp. Trong Đề án số 01-ĐA/QU của Quận ủy Hà Đông về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo quận Hà Đông giai đoạn 2016 - 2020”, ngành GD&ĐT quận Hà Đông đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu của năm học. Đặc biệt quận luôn chú trọng đầu tư ngân sách cho việc nâng cấp và xây dựng mới trường lớp. Trong năm học 2015 - 2016, Hà Đông đã bố trí một khối lượng khá lớn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Quận đã xây dựng mới 6 trường học với 128 phòng học; đồng thời mua sắm, bổ sung thêm nhiều trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài: Trước yêu cầu cấp thiết cần phải phát triển mạng lưới trường học các cấp trên địa bàn, trong năm qua, quận Tây Hồ đã tập trung xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới trường học giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tổng kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách của quận (chưa bao gồm chi phí GPMB) dự kiến là hơn 590 tỷ đồng. Mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: Đến năm 2020 toàn quận sẽ có từ 27 đến 33 trường công lập, trong đó 24 trường đạt chuẩn quốc gia và từ 27 đến 33 trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2030; Định hướng phát triển các trường ngoài công lập tại các khu đô thị mới với số lượng mỗi cấp học có ít nhất 2 trường (Quy hoạch tại các khu đô thị đều có quỹ đất dành cho các trường công lập và ngoài công lập); Phấn đấu giảm sĩ số HS/lớp, bảo đảm cấp học mầm non, tiểu học không quá 40 HS/lớp, duy trì THCS không quá 45 HS/lớp.

Nhấn mạnh yêu cầu về vấn đề mở rộng mạng lưới trường lớp, tại Hội nghị giao ban ngành GD&ĐT mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu: Sở GD&ĐT, các ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học. Đây là ưu tiên cao nhất, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, nhất là trong bối cảnh gia tăng về quy mô HS như hiện nay. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị tập trung đầu tư theo 4 thứ tự ưu tiên: Trước hết là bổ sung trường học còn thiếu, xem cụ thể thiếu bao nhiêu, xác định vị trí chỗ nào, kinh phí ra sao; thứ hai, xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học nhờ, học tạm; thứ ba, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; thứ tư, xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhất là trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao. Năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT Thủ đô chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ở những nơi còn thiếu, xuống cấp; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Trong năm học 2016 - 2017, thành phố đã đầu tư và đang triển khai xây dựng mới 26 trường cho 13 huyện khó khăn theo tiêu chí cao hơn tiêu chí hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ