Nhu cầu nhân lực ngành STEM nhiều triển vọng

GD&TĐ - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực lĩnh vực STEM ngày càng trở nên cấp thiết.

Học sinh trải nghiệm tại ngày hội VGU STEM, tháng 1/2025. Ảnh: VGU
Học sinh trải nghiệm tại ngày hội VGU STEM, tháng 1/2025. Ảnh: VGU

Trường đại học hỗ trợ địa phương

Giữa tháng 3/2025, Trường Đại học Việt Đức (VGU, trụ sở tại Bình Dương) làm việc với đại diện Sở GD&ĐT Hải Dương nhằm thảo luận các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) trong bối cảnh nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng.

Hai bên đã trao đổi về chiến lược tích hợp giáo dục STEM từ phổ thông đến đại học, đồng thời tăng cường kết nối giữa đào tạo và thực tiễn ngành công nghiệp.

PGS.TS Phạm Thành Dương, Quyền Trưởng Khoa Kỹ thuật VGU, nhấn mạnh vai trò của STEM trong việc trang bị kỹ năng cho thế hệ trẻ để thích nghi và dẫn dắt sự thay đổi. Nhà trường cam kết đồng hành cùng các cơ quan giáo dục địa phương để nâng cao chất lượng đào tạo STEM, từ đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bình Dương và cả nước.

stem.jpg
Đoàn công tác Sở GD&ĐT Hải Dương làm việc tại Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: VGU

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương chia sẻ về tình hình triển khai giáo dục STEM tại Hải Dương, ghi nhận những kết quả tích cực như các câu lạc bộ STEM và cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh.

Tuy nhiên, địa phương này vẫn gặp thách thức về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và sự kết nối giữa các cấp học.

Trước những thách thức đặt ra trong việc triển khai giáo dục STEM tại Hải Dương, VGU đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng đào tạo.

VGU sẽ triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu dành cho giáo viên phổ thông, tập trung vào phương pháp giảng dạy tích hợp liên môn và ứng dụng công nghệ trong giáo dục STEM.

Đồng thời, nhà trường cam kết mở rộng hợp tác với các trường trung học thông qua các dự án nghiên cứu chung, ngày hội STEM và chương trình thực tập tại hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại.

Cuối cùng, VGU dự kiến thành lập một trung tâm hỗ trợ giáo dục STEM ngay tại khuôn viên trường, đóng vai trò kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, tạo nên hệ sinh thái học thuật toàn diện.

cd-dai-viet-sai-gonimg-1986.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Ảnh: M.T

Việc hợp tác giữa VGU và Sở GD&ĐT Hải Dương là một trong rất nhiều sự kiện thúc đẩy giáo dục STEM trong các trường đại học và phổ thông trong những năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia về giáo dục, công nghệ, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực STEM ngày càng trở nên cấp thiết.

Dự báo trong những năm tới, Việt Nam sẽ cần một lượng lớn lao động có kỹ năng về STEM để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và tự động hóa.

Khuyến khích giới trẻ học ngành STEM

Đầu tuần này, tại chương trình Thủ tướng đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Thanh niên Việt Nam tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, tỷ lệ nhập học của sinh viên tham gia vào các ngành học STEM và bậc đại học bình quân hằng năm từ 28-30%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở một số nước như ở Hàn Quốc 35%, Đức là 39%, Phần Lan 36%.

Như vậy, tỷ lệ của chúng ta không kém quá nhiều so với các nước có công nghiệp và kỹ thuật phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta có một trăm triệu dân. Tỷ lệ 30% trong số trong học sinh nhập học đại học hằng năm khoảng 600.000 không phải quá nhỏ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của đất nước, theo Bộ trưởng, con số này cần phải tăng mạnh hơn nữa.

Trong năm 2024, tỷ lệ học sinh nhập học của khối ngành STEM bậc đại học đã gia tăng đáng kể. Trong số hơn 600.000 sinh viên nhập học, đã có hơn 200.000 sinh viên khối ngành STEM, tăng 10% so với năm trước đó.

Như vậy, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã có tác động định hướng rất quan trọng đối với học sinh, người học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khuyến khích học sinh theo học ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán. Đặc biệt với môn toán, học sinh của chúng ta không thua kém so với các nước trên thế giới. Đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế của chúng ta thường xuyên đứng trong top 10 các quốc gia có kết quả tốt nhất trên toàn thế giới.

stem-1704.jpg
Hoạt động trải nghiệm STEM. Ảnh: M.T

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với số lượng học sinh vào bậc phổ thông các trường chuyên và vào đại học như vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực STEM trong tương lai sẽ gia tăng nhanh và mạnh, cả về chất lượng.

Trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cách đây vài tháng, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo bậc đại học có thể đạt đến 1 triệu sinh viên theo học khối ngành STEM.

Trên cơ sở đó, khối học viên theo học ngành STEM bậc sau đại học năm 2024, tỷ lệ bậc thạc sĩ tăng tới 34% và bậc tiến sĩ tăng 33%, với tổng số trên 600 nghiên cứu sinh đã theo học và chuẩn bị luận văn tiến sĩ.

Riêng với khối ngành sư phạm thì tổng số nghiên cứu sinh làm trong lĩnh vực STEM đã tăng lên con số 350 nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ.

“Tôi nói những con số này để chúng ta thấy rằng, hiện tại số lượng nhân lực trong lĩnh vực STEM còn phát triển mạnh và đầy triển vọng”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27/2/2025, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những điểm đáng chú ý của quy hoạch là xây dựng các cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia về kỹ thuật - công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực. Theo định hướng đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực STEM sẽ phát triển với quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% ở trình độ thạc sĩ (hoặc tương đương) và 1% trình độ tiến sĩ.

Bên cạnh đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh nghiên cứu và đào tạo ngành STEM, gắn với chiến lược phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của từng vùng.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hộ dân thu hoạch cá kèo. (Ảnh: Quách Mến)

Giá cá kèo tăng kỷ lục

GD&TĐ - Dù không vào dịp lễ, Tết, nhưng những ngày qua, giá cá kèo ở ĐBSCL vẫn tăng cao kỷ lục, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhiều hộ nuôi.