Trách nhiệm đạo lý
“Nước Mỹ có trách nhiệm đạo lý, đạo đức và kinh tế phải đánh thuế tài sản của chúng tôi nhiều hơn” - nhóm tỷ phú này viết trong bức thư ngỏ ngày 25/6 - “Thuế tài sản có thể giúp ứng phó với khủng hoảng khí hậu, cải thiện kinh tế, cải thiện kết quả về y tế, tạo ra cơ hội và củng cố tự do dân chủ của chúng ta”.
Những người ký thư này có nhà đầu tư George Soros, người đồng sáng lập Facebook Chrish Hughes, con gái tỷ phú Charlie Munger là Molly Munger, ngoài ra còn có hậu duệ những gia đình giàu có như Abigail Disney, con của nhà sản xuất phim Walt Disney, hậu duệ những người sở hữu chuỗi khách sạn Hyatt. Những người ký tên có 18 người từ 11 gia đình giàu có nhất nước Mỹ và một người không tiết lộ danh tính.
Financial Times cho biết, tất cả họ đều tham gia tích cực vào những tổ chức chính trị và nghiên cứu tiến bộ, trong đó có những tổ chức tập trung vào vấn đề khoảng cách giàu nghèo gia tăng ở Mỹ.
Những người ký thư nói rằng, bức thư mang tính chất phi đảng phái và họ không ủng hộ ứng cử viên Tổng thống nào, mà kêu gọi tất cả các ứng cử viên cả hai đảng ủng hộ đề xuất của họ, nhưng bức thư nêu tên Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên đảng Dân chủ. Bà Warren đề nghị tăng thuế 2% với những ai có tài sản 50 triệu USD trở lên, tức là với 75.000 gia đình giàu nhất nước Mỹ, và ước đoán rằng khoản tăng đó sẽ giúp nước Mỹ có thêm gần nghìn tỷ USD trong 10 năm.
Bức thư của các tỷ phú nói, đề xuất của bà Warren “đem lại cho hàng triệu gia đình cơ hội tốt hơn về giấc mơ Mỹ”. Từ lâu, một phần trong thông điệp cốt lõi của phe Dân chủ là giảm bớt sự tập trung tài sản đang gia tăng ở một nhóm người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ năm 1999 đã đề xuất đánh thuế tài sản một lần để cắt giảm nợ công, song sau đó ông không đưa vấn đề này vào chính sách của mình sau khi thắng cử.
Trong khi đó phe Dân chủ lại gây sức ép nhiều về việc đánh thuế tài sản hoặc thuế thu nhập cá nhân, mà lên tiếng mạnh mẽ nhất phải kể đến Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio -Cortez. Trong những tháng gần đây, họ đã đưa ra nhiều đề xuất thuế đầy tham vọng nhằm vào những người đóng thuế giàu có.
Bức tranh bất bình đẳng
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng 40 nước thì Mỹ là nước đứng thứ sáu về mức độ tập trung tài sản.
Tờ New York Times cho biết: Một báo cáo mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói, trong hơn 3 thập kỷ qua, 1% người Mỹ giàu nhất đã tăng tài sản ròng thêm 21 nghìn tỷ USD, trong khi tài sản của 50% người Mỹ ở nửa dưới danh sách giảm 900 tỷ USD. Khảo sát cho thấy, khoảng 7 trong 10 người Mỹ ủng hộ tăng thuế cao hơn với những người Mỹ giàu nhất.
Trang Deutsche Welle dẫn số liệu năm 2018 của LHQ cho biết, tình trạng nghèo khổ đang lan rộng ở Mỹ và tiếp tục tăng với mức độ đáng báo động. Theo LHQ, gần 41 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ, trong đó 18,5 triệu người nghèo cùng cực.
LHQ cảnh báo, các chính sách hiện thời có vẻ cố ý được thiết kế để tước đi sự bảo hộ cơ bản cho người nghèo, trừng phạt những người không có việc làm, khiến cho dịch vụ y tế cơ bản trở thành một đặc ân hơn là một quyền công dân.
Kỳ vọng và nghi ngờ
Những tỷ phú đồng ý đánh thuế tài sản đều hy vọng đem lại thay đổi tốt đẹp. Một trong số những người ký thư, Molly Munger, con gái của Charlie Munger - Phó Chủ tịch tập đoàn đa ngành nghề lớn thứ ba thế giới Berkshire Hathaway, cho biết: “Để củng cố tương lai nước Mỹ, chúng ta cần tìm kiếm nguồn thu thuế mới từ những người như chúng tôi, những người đã kiếm lợi nhiều nhất”.
Kỹ sư phần mềm Justin Rosenstein, người sáng lập Công ty phần mềm Asana, nói: “Cho dù khối tài sản khổng lồ được tạo ra trong vài thập kỷ qua, nước Mỹ đã đi xa khỏi một nền kinh tế có lợi cho tất cả”. Còn người đồng sáng lập Facebook Chris Hughes cho rằng, việc đánh thuế sẽ là cơ hội để thúc đẩy cuộc đối thoại về các vấn đề bất bình đẳng, trách nhiệm xã hội và thuế.
Theo bức thư này, các nhà nghiên cứu kinh tế đã ước tính rằng, 0,1% người Mỹ giàu nhất sẽ trả 3,2% tài sản của họ cho các khoản thuế trong năm nay, so với 7,2% mà 99% người Mỹ còn lại trả.
“Đồng dollar thu nhập từ thuế mới cần đến từ những người may mắn nhất về tài chính, chứ không phải những người Mỹ thu nhập trung bình và thấp” - bức thư viết. Bà Liesel Pritzker Simmons, người thừa kế của Tập đoàn kinh doanh Pritzker giàu có, cho rằng thuế tài sản sẽ giúp giải quyết các vấn đề như “thiếu trường mẫu giáo, nợ giáo dục, khủng hoảng thuốc phiện, khủng hoảng khí hậu”.
Từ lâu trong câu lạc bộ tỷ phú đã tranh luận về việc họ có nên đóng thuế nhiều hơn. Năm 2011, tỷ phú Warren Buffet đã đưa ra bài viết nhấn mạnh rằng, tỷ lệ thuế thực tế của ông tính theo phần trăm thì thấp hơn so với thuế phải trả của bất kỳ 20 người nào khác trong văn phòng của ông.
Song nhiều người không ủng hộ thuế tài sản của người giàu, bởi họ cho rằng khó mà định giá khách quan những món tài sản như tác phẩm nghệ thuật hay đá quý. Ngoài ra có những lo ngại rằng khoản thuế tài sản này là không hợp hiến, bởi chính phủ liên bang cấm đánh thuế tài sản, mà chỉ cho phép đánh thuế thu nhập.