Nhóm sinh viên Sư phạm chế dung dịch tẩy rửa đa năng từ rác hữu cơ

GD&TĐ - Dung dịch tẩy rửa đa năng từ rác thải hữu cơ có thể sử dụng để rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh, thông cống.

Nhóm sinh viên chế tạo nước tẩy rửa sinh học từ rác thải trong gia đình.
Nhóm sinh viên chế tạo nước tẩy rửa sinh học từ rác thải trong gia đình.

Chế phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Tận dụng rác thải bỏ trong gia đình

Nhóm sinh viên gồm Nguyễn Thị Thảo, Lê Võ Như Thùy, Trần Thị Kim Oanh, Nguyễn Thành Toàn, Trần Thị Quỳnh Như, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng thực hiện dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật”.

Sinh viên Trần Thị Quỳnh Như (Khoa Hóa học) cho biết, thực tế hiện nay, đa số các hộ dân dùng hóa chất trong trong sinh hoạt hằng ngày như lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, giặt áo quần… Cạnh đó, hằng ngày, các gia đình cũng thải ra một lượng rác hữu cơ như rau xanh, vỏ các loại trái cây khá nhiều, nếu để lâu sẽ gây ra mùi hôi thối.

Để sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật, nhóm đã nghiên cứu, lựa chọn các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây… Nhóm dùng mật mía làm nguyên liệu lên men, sử dụng bồ hòn làm chất tạo bọt tự nhiên và làm sạch; dùng vỏ chanh, vỏ bưởi, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế tạo mùi hương và sử dụng bột bắp để tạo độ sánh, đặc.

Quy trình chế tạo gồm các bước như: Thu gom, xử lý nguyên liệu, ủ lên men, lọc sản phẩm và pha chế thành phẩm. Sản phẩm có thể làm sạch các chất béo, chất bẩn bám trên các đồ dùng bằng sứ, bằng thủy tinh, trên đồ dùng nhựa, gạch men, các chất cặn bẩn lâu ngày trên ống thoát nước... Do đó có thể sử dụng để rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh, thông cống.

Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng cải tạo đất trồng, xua đuổi côn trùng nên đáp ứng được nhu cầu cần thiết hằng ngày của các hộ dân và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cũng như bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng không hết hạn sử dụng và để càng lâu càng tốt.

Trong chiến dịch Mùa Hè xanh năm 2023 của Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng, nhóm sinh viên đã sản xuất 160 chai dung dịch tẩy rửa đa năng từ enzyme tặng cho bà con tại xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Đồng thời, nhóm cũng chuyển giao công nghệ và hướng dẫn bà con cách tự sản xuất sản phẩm.

Chị Lê Thị Hoa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, sau khi được tặng dung dịch tẩy rửa đa năng enzyme thiên nhiên, tôi đã dùng được vài ngày và thấy rất ấn tượng. Sản phẩm có khả năng làm sạch nhiều vết bẩn cứng đầu trên bếp, cửa kính, xoong nồi… mà không gây hại cho da tay. Mùi hương cam thảo của sản phẩm cũng rất dễ chịu.

Tận dụng bã ủ làm phân bón

Nói về khả năng ứng dụng, nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sản phẩm không có hóa chất nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Từ những nguồn rác thải của gia đình để tạo ra sản phẩm sinh học nên chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều những dung dịch tẩy rửa khác.

Mặt khác, việc tận dụng lại rác thải cũng tham gia bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm. Chính những điều này khiến nhiều người thích thú về khả năng áp dụng thực tế của sản phẩm.

Nhóm cũng cho biết, với công trình này các bạn ấp ủ nhiều dự định. Trong quá trình phân giải, khí sinh ra là CH4 (mê tan) sẽ có thể thu lại tận dụng làm khí đốt. Phần dung dịch sử dụng vào việc tẩy rửa sinh học.

Riêng phần bã vẫn có thể tận dụng làm phân bón bón cây. Đại diện nhóm cũng cho biết, do thời gian ủ để tạo ra sản phẩm hơi lâu, vì vậy các thành viên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu giảm thời gian ủ, tiếp tục phân tích định tính và định lượng sản phẩm.

“Mục tiêu trước mắt của nhóm là hướng về cộng đồng, giúp mọi người tận dụng được các loại rác hữu cơ thực vật để tạo ra sản phẩm nước tẩy rửa an toàn và thân thiện với môi trường.

Còn phát triển sản phẩm theo hướng công nghiệp cũng là một ấp ủ của nhóm. Tuy nhiên, vì bây giờ tụi em vẫn còn là sinh viên nên cũng gặp nhiều hạn chế về kinh tế cũng như kiến thức chuyên môn về kinh doanh. Vậy nên đây sẽ là một định hướng lâu dài”, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.

Mong muốn của nhóm là sẽ đưa được sản phẩm ra thị trường bằng quy mô sản xuất lớn hơn. Dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật” đã đạt giải Ba cuộc thi “Dự án khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn” của Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức và xuất sắc lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ