Nhóm nghiên cứu trường đại học trích ly hoạt chất quý từ lá hẹ

GD&TĐ - Các hoạt chất chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm được tìm thấy trong dịch chiết từ lá hẹ mở ra hướng đi mới trong tận dụng loại gia vị này.

Lá hẹ chứa rất nhiều hoạt chất quý giá.
Lá hẹ chứa rất nhiều hoạt chất quý giá.

Những hoạt chất quý

Trích ly và khảo sát hàm lượng polyphenol, chlorophyll, hoạt tính sinh học của dịch chiết từ lá hẹ (Allium Ramosum L.) là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học gồm: Võ Thị Mỹ Hạnh, Võ Thị Thùy Dung, Phạm Thị Linh, Nguyễn Thị Hoài Mến, Trần Nguyễn An - Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương TPHCM.

TS Võ Thị Mỹ Hạnh, trưởng nhóm cho biết, cây hẹ có tên khoa học là Allium ramosum L. hoặc Allium tuberosum Roxb., Allium odorum L. thuộc họ hành tỏi Alliaceae. Cây hẹ là loại cỏ nhỏ, có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á.

Trong lá và rễ hẹ, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy các hợp chất sunfua, saponin và chất đắng. Đặc biệt từ dò cây hẹ (củ hẹ), có một hợp chất được đặt tên là odorin ít độc với động vật cao cấp, nhưng lại có tác dụng kháng vi khuẩn Staphylococus aureus và Bacillus coli.

Ở Việt Nam, hẹ được trồng phổ biến ở nhiều nơi, ngoài công dụng dùng trong ẩm thực, chế biến món ăn như một loại gia vị, còn có ý nghĩa trong y học cổ truyền, hẹ được dùng phổ biến để điều trị các bệnh đau dạ dày, tiêu chảy, cảm lạnh, hen suyễn.

Theo các nghiên cứu đã công bố, lá hẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm: polysaccharide, protein, chlorophyll-a, chlorophyll-b, chất xơ, các chất này có tiềm năng trong việc điều trị nhiều loại bệnh và rối loạn, bao gồm giảm cholesterol, điều chỉnh đường huyết.

Nhiều hợp chất có hoạt tính cũng đã tìm thấy trong cao chiết methanol từ lá hẹ tươi như polyphenol, flavonoid và đặc biệt là americine trong cao chiết methanol của lá hẹ tươi, có tiềm năng trong việc kiểm soát ung thư phổi.

“Hợp chất 2-amino-5-metylbenzoic acid trong chiết xuất từ rễ, lá và thân của hẹ ở Trung Quốc, có khả năng ức chế vi khuẩn P. carotovorum và P. syringae. Các hoạt chất saponin, phenol, tannin và flavonoid cũng tìm thấy trong các dịch chiết từ cây hẹ ở Ấn Độ, các dịch chiết này đều có hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxi hóa”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhiều triển vọng ứng dụng thực tiễn

Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình liên quan đến cao chiết, tinh dầu từ lá hẹ song chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào về trích ly đồng thời polyphenol, chlorophyll từ lá hẹ, đặc biệt là hẹ xanh, được trồng phổ biến ở miền Nam - Việt Nam.

Trong đó, chlorophyll từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và mỹ phẩm như là một chất tạo màu thiên nhiên an toàn. Ngoài ra, nhờ vào hoạt tính chống oxy hóa, chống xơ vữa động mạch, chống viêm, giải độc của chlorophyll và các dẫn xuất của chlorophyll, hợp chất này còn được sử dụng trong dược và thực phẩm chức năng.

Do đó, nội dung nghiên cứu này nhằm khảo sát quy trình trích ly polyphenol và chlorophyll từ lá hẹ xanh và hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết từ lá hẹ.

Nhóm nghiên cứu sử dụng lá hẹ xanh được thu hái ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Quy trình trích ly đồng thời polyphenol, chlorophyll với các thông số như dung môi, nhiệt độ, thời gian, tỉ lệ nguyên liệu: Dung môi được đánh giá thông qua hàm lượng polyphenol và chlorophyll tổng. Đồng thời, hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết cũng được đánh giá.

Lá hẹ xanh được thu hái ở dạng lá tươi, đạt độ trưởng thành và không bị sâu bệnh. Lá hẹ sau đó được rửa sạch, loại bỏ tạp chất và bảo quản ở nhiệt độ 4 ÷ 8 độ C, dùng trong suốt quá trình thí nghiệm. Máy quang phổ hai chùm tia Jasco-double beam spectrophotometer model V530 (Nhật Bản) với cell đo có chiều dài đường truyền 1 cm và các thiết bị thông dụng khác.

Phương pháp trích ly được sử dụng trong nghiên cứu là phương pháp ngâm dầm có hỗ trợ nhiệt độ, dung môi khảo sát là methanol, ethanol và nước. Thí nghiệm được thực hiện như sau: Mẫu lá hẹ tươi sau khi xử lý sơ bộ được cắt nhỏ, cân 5g mẫu cho vào chai thủy tinh chịu nhiệt có nắp, thêm dung môi khảo sát, trích ly, ly tâm thu dịch chiết.

Các biến khảo sát bao gồm: Dung môi, thời gian, nhiệt độ, tỉ lệ nguyên liệu/dung môi. Điều kiện tối ưu thu được là hàm lượng chlorophyll và polyphenol là cao nhất.

Kết quả khảo sát phổ hấp thu của dịch chiết ethanol từ lá hẹ sau khi pha loãng với ethanol ở cho thấy các dung dịch sau pha loãng đều hấp thu cực đại ở 664 nm. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu về phân tích chlorophyll.

Kết quả khảo sát hoạt tính kháng oxy của chất chuẩn đối chứng acid ascorbic thu được IC50 là 5,22 (ig/mL), tương thích với các nghiên cứu đã được công bố. Kết quả đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết lá hẹ với IC50=4,17 mg chất chiết được/Ml; kết quả này cho thấy hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết lá hẹ thấp hơn chất đối chứng acid ascorbic.

Mẫu dịch chiết lá hẹ được gửi đến Trung tâm Phân tích quốc tế (Đại học Công Thương TPHCM. Kết quả khảo sát cho thấy dịch chiết lá hẹ không kháng chủng Escherichia coli ATCC 25922, nhưng kháng mạnh Staphylococcus aureus ATCC 25923 (vòng kháng khuẩn 19,61± 0,60 mm) và kháng vừa nấm Candida albicans ATCC 10231 (vòng kháng khuẩn 7,50±0,62 mm).

Nhóm nghiên cứu đã xác định được một số điều kiện thích hợp cho việc trích ly đồng thời polyphenol và chlorophyll từ lá hẹ như sau: Phương pháp ngâm dầm, dung môi ethanol, nhiệt độ 65 độ C, thời gian 100 phút, tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (v/w):(30:1).

Kết quả thu được hàm lượng chlorophyll, polyphenol của lá hẹ lần lượt 6,07±0,25 (mg/g), 15,64±0,63 (mgGAE/g). Kết quả nghiên cứu còn ghi nhận dịch chiết từ lá hẹ có khả năng kháng oxy hóa và kháng mạnh Staphylococcus aureus ATCC 25923, kháng vừa Candida albicans ATCC 10231.

“Kết quả này mở ra triển vọng rất lớn trong ứng dụng dịch chiết lá hẹ tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, TS Võ Thị Mỹ Hạnh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ