Trước nhu cầu “khát” nhân lực ngành môi trường trong tương lai, cũng như băn khoăn của học sinh về việc học nhóm ngành môi trường là học về cái gì? Cơ hội việc làm ra sao? Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường- Trưởng Khoa Môi trường – Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
PV: Thưa ông, thực sự cũng khá khó để học sinh phân biệt ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Quản lý môi trường. Ông có thể giúp phân biệt sơ bộ các ngành này? Và ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì nhóm ngành môi trường gồm những lĩnh vực nào?
TS. Nguyễn Xuân Trường:
Cả hai ngành học này đều đào tạo ra kỹ sư, cử nhân làm việc trong lĩnh vực môi trường. Thực sự ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và Quản lý tài nguyên - Môi trường có những phần trùng nhau về kiến thức và kỹ năng, sự khác biệt ở hai ngành này ở chỗ ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường tập trung vào các công nghệ, kỹ thuật về xử lý môi trường còn ngành Quản lý thì theo thiên hướng về các hệ thống quản lý môi trường.
Trong thực tế, trong các vị trí việc làm ở nhóm môi trường thường tuyển dụng song song cả hai ngành trên. Cụ thể hóa hơn, ngành Kỹ thuật công nghệ môi trường sẽ đào tạo ra các kỹ sư đảm nhận các công việc thực tế như : phân tích, đánh giá, tính toán, thiết kế, thi công, vận hành các hệ thống xử lý chất thải.
Còn ngành Quản lý tài nguyên và môi trường sẽ đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư đảm nhận các công việc thực tế như : Phân tích số liệu, giám sát ô nhiễm, đánh giá diễn biến, kiểm soát quá trình, kiểm toán môi trường, tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường liên quan đến luật pháp, chính sách về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn – quy chuẩn, thanh tra, kiểm tra, thẩm định,…
Khoa Môi trường – Tài nguyên và Biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM hiện có đào tạo cả trình độ đại học, thạc sĩ ở cả 2 ngành này.
sinh viên nhóm ngành môi trường đi thực tế, trải nghiệm tại một hệ thống xử lý nước thải |
PV: Việc chọn lựa ngành học là một điều khó khăn cho các em học sinh hiện nay, các chuyên gia tư vấn đều chia sẻ rằng nên chọn ngành học theo đam mê và khả năng của bản thân, vậy với nhóm ngành môi trường thì học sinh cần khả năng gì? Nhóm ngành này có độc hại hay không thưa ông?
TS. Nguyễn Xuân Trường: Quan điểm của tôi là học sinh nên và phải chọn ngành học theo sự đam mê và khả năng của bản thân. Các em phù hợp với các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, đặc biệt các em học sinh có thái độ thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, trách nhiệm và hiểu biết về môi trường xung quanh, khả năng quan sát và tìm hiểu thực tế sẽ rất phù hợp và có khả năng phát triển tốt khi học nhóm ngành môi trường.
So với nhiều ngành học kỹ thuật khác, nhóm ngành này thuộc dạng kết hợp đa ngành bao gồm Khoa học – Kỹ thuật – Quản lý với phân loại mức độ độc hại không cao và một số công việc mang đặc trưng nghề nghiệp như phân tích trong phòng thí nghiệm, thu gom, xử lý chất thải, chất thải nguy hại, …thì đã có quy chuẩn về an toàn lao động để đảm bảo sức khỏe của người lao động.
PV: Khó khăn của sinh viên là ít được thực hành, thực tế nên khó tiếp cận ngay với công việc ở các doanh nghiệp. Các ngành này tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được đào tạo như thế nào?Các em sau khi tốt nghiệp có đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Xuân Trường:
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM được xác định là trường đại học ứng dụng, đang trong quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ về nội dung chương trình đào tạo, nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm từng bước hội nhập theo các chuẩn đào tạo của quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà trường luôn có những kênh thu thập thông tin đánh giá phản hồi từ các nhà tuyển dụng về chất lượng của sinh viên ra trường, đồng thời có biện pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo, giảng dạy.
Lợi thế về đào tạo ngành môi trường (Kỹ thuật và Quản lý) của Trường là sinh viên được chú trọng học các môn học lý thuyết gắn với thực hành trong các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, được tham gia các chương trình kiến tập, thực tập nâng cao nhận thức gắn liền với hoạt động thực tế.
Khi sinh viên đã nắm vững các kiến thức, kỹ năng chuyên môn đào tạo sẽ được gửi tới các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín thực tập giúp cho các em khi ra trường hoàn toàn có thể thích nghi, đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Thực hành và trải nghiệm tại môi trường thực địa luôn là những giờ học thường xuyên của sinh viên nhóm ngành môi trường của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM |
PV: Vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp luôn là lo lắng của sinh viên và phụ huynh, bài toán việc làm cho sinh viên ngành môi trường được giải quyết như thế nào? Nhà trường có cam kết gì về việc làm cho sinh viên hay không?
TS. Nguyễn Xuân Trường: Nhà trường, Khoa và các giáo viên trong khoa luôn chú trọng thiết lập, duy trì và giữ vững mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…Vì vậy, phần lớn thông tin về nhu cầu tuyển dụng đều được cung cấp tới các em sinh viên tốt nghiệp qua nhiều hình thức (Ban cán sự lớp, Đoàn thanh niên, Website khoa, facebook của các khóa, …).
Theo kết quả khảo sát của Khoa, hiện tại tỷ lệ sinh viên có việc làm trong các khóa đã đào tạo ra trường chiếm khoảng 90%, hầu hết các công việc đều đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của các em.
PV: Ông có thể chia sẻ giúp để các em học sinh hiểu rõ các vị trí việc làm mà các em sẽ đảm nhận khi tốt nghiệp?
TS. Nguyễn Xuân Trường: Thực sự công việc trong lĩnh vực môi trường là rất lớn và đa dạng, đặc biệt khi xã hội càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng được đặt nặng.
Về vị trí việc làm thì ví dụ như tôi đây, hiện tôi là giảng viên, còn nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác thì lại có những công việc rất khác nhau từ trung ương đến các địa phương như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở, Phòng Tài nguyên & Môi trường các địa phương, các viện trường đại học, các doanh nghiệp và công ty tư vấn thiết kế xây dựng, chuyên gia cho các tổ chức quốc tế, cảnh sát môi trường, …
Công việc của nhóm ngành này nhìn chung là rất đa dạng, cơ hội việc làm và nhu cầu nhân lực cho ngành kỹ thuật môi trường còn rất rộng mở, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp sản xuất.
PV: Xin cảm ơn ông!