(GD&TĐ) - Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của mỗi người dân Trung Quốc, trong đó căng thẳng nhất là chuyện tìm kiếm việc làm. Cũng phải thôi, với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, chuyện công ăn việc làm thời khủng hoảng là hết sức nan giải. Chưa bao giờ số sinh viên Trung Quốc tốt nghiêp ra trường lại đông như năm nay. Mặc dù chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng nhưng việc làm vẫn là khái niệm hết sức xa xỉ của gần 2 triệu sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc.
Sinh viên Trung Quốc xếp hàng tìm kiếm việc làm |
Ra trường thời khủng hoảng
Theo một báo cáo điều tra mới đây của Trung Quốc thì ở nước này từ cuối năm 2008 đến nay có tới 40% các xí nghiệp vừa và nhỏ bị đóng cửa. Ngoài ra còn khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ nữa đang sống dở chết dở. Theo một báo cáo điều tra của Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì "một bộ phận rất lớn doanh nghiệp trung Quốc đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, số lượng doanh nghiệp bị đóng cửa đã vượt qua con số của những năm bình thường".
Trong bối cảnh đâu đâu cũng khó khăn, năm nay Trung Quốc có 6,11 triệu sinh viên ra trường và theo các nhà phân tích thì khoảng 2 triệu người trong số đó cùng với khoảng 1 triệu sinh viên tốt nghiệp năm ngoái nhưng chưa kiếm được việc làm sẽ gia nhập đoàn quân thất nghiệp. Đã mấy tháng nay, không khí các hội chợ việc làm ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu sôi động hẳn lên. Từ Nam Ninh xa xôi, Zhang Hai (24 tuổi) sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin cũng lặn lội "khăn gói quả mướp" lên hội chợ việc làm ở Bắc Kinh tìm kiếm cơ hội. Thang Quang Quan, người chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Luật, Trường ĐH Bắc Kinh là một ví dụ điển hình cho cuộc "trường chinh tìm việc" của lớp sinh viên sắp ra trường. Cuối năm ngoái Quan đi thực tập tại một xí nghiệp quốc doanh với ý đồ sẽ xin việc ở đó khi ra trường. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, doanh nghiệp này đã hủy bỏ kế hoạch nhận nhân viên mới. Quan đã nộp trên 100 hồ sơ xin việc ở những nơi cảm thấy tương đối phù hợp nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đồng ý nhận anh vào làm việc. Chuyện công ăn việc làm càng trở nên căng thẳng với sinh viên mới ra trường khi có tới 20 triệu công nhân di cư mất việc làm do các nhà xuất khẩu lớn phải ngừng hoặc thu nhỏ sản xuất vì kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Theo các nhà phân tích thì những sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt với 3 thách thức: thứ nhất, kinh tế sụt giảm kéo theo thực trạng ít việc làm; thứ hai, tình trạng dư thừa lao động phổ biến khiến các doanh nghiệp có điều kiện tuyển dụng những người có kinh nghiệm hơn so với những sinh viên vừa mới rời ghế giảng đường đại học mà chưa qua môi trường thực tế nào; thứ ba, nhiều sinh viên thất nghiệp còn tồn lại từ những năm trước khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, đồng thời thu hẹp khả năng tìm kiếm việc làm.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, không ít sinh viên do không kiếm được công ăn việc làm đã dại dột quyên sinh. Liu Wei, con gái của cặp vợ chồng nông dân nghèo khó ở làng Liu Hebei cách Bắc Kinh 200 km về phía nam là một ví dụ. Những tưởng tấm bằng đại học là "giấy thông hành" để cô có thể ’giải phóng" cuộc đời cơ cực của gia đình mình để bước vào một thế giới mới, nào ngờ... Khát vọng đổi đời của Liu Wei không bao giờ trở thành hiện thực. Đắm mình trong tuyệt vọng vì không kiếm được công ăn việc làm, vì cảm thấy tội lỗi khi tiêu phí những đồng tiền "một nắng hai sương", "mồ hôi nước mắt" của bố mẹ, Liu Wei đã tự kết liễu cuộc đời mình. Ở Trung Quốc trường hợp như Liu Wei không phải là ít. Tháng 4/2009, báo cáo của Ủy ban Giáo dục Thượng Hải cho thấy, tự tử là hình thức tử vong hàng đầu trong giới sinh viên.
Và những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc
Mức độ cạnh tranh trên thị trường việc làm ở Trung Quốc ngày càng khốc liệt buộc Chính phủ nước này phải có những giải pháp nhằm tháo gỡ tình hình. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng tuyên bố rằng vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Trong bối cảnh các cử nhân, kỹ sư trẻ không tìm được việc làm và rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chính phủ Trung Quốc tiến hành giải tỏa bằng cách tạo cho những sinh viên sắp ra trường những công việc như giáo viên hay những nhân viên hành chính cấp thấp ở các vùng nông thôn. Chưa hết, Chính phủ Trung Quốc còn trợ cấp và áp dụng những chính sách xã hội phù hợp dành cho sinh viên mới tốt nghiệp tình nguyện làm việc ở nông thôn, cung cấp khoản vay ưu đãi khoảng 50 ngàn nhân dân tệ hay miễn giảm thuế cho những sinh viên tự khởi nghiệp kinh doanh.
Cùng với nhà nước, để giúp sinh viên mới ra trường đi tìm việc, một số trường đại học ở Trung Quốc đã có những biện pháp hỗ trợ hữu hiệu. Các sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Đại dương Thượng Hải có thể nhận từ 100 đến 500 nhân dân tệ nếu họ được chủ lao động hẹn đến phỏng vấn ở ngoài khu vực Thượng Hải. Những sinh viên ký hợp đồng lao động với các công ty tại Cam Túc, Quý Châu, Vân Nam hay ở những khu tự trị như Tây Tạng, Tân Cương sẽ được nhận khoản trợ cấp từ 2000 đến 6000 nhân dân tệ.
Trường Đại học Bắc Kinh còn liên hệ thường xuyên với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho sinh viên. Ngoài ra, trường còn tổ chức tư vấn tâm lý cho những sinh viên "có vấn đề" trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Những cố gắng của các cơ quan chức năng là hết sức ghi nhận, tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học căng thẳng như năm nay, ngoài khủng hoảng kinh tế phải kể đến tình trạng đào tạo bừa bãi của nhiều trường đại học. Ngoài ra, hệ thống giáo dục ở Trung Quốc hiện nay chưa cung cấp cho sinh viên đầy đủ trình độ và kỹ năng để có thể đáp ứng được những đòi hỏi của công việc.
Anh Phương (TH)