Thuỷ triều xuống… người lên
Chẳng biết tự khi nào, cứ đời này tiếp đời khác, những người dân nơi đây bám lấy nước thuỷ triều để bắt đầu cho cuộc mưu sinh thường nhật. Họ bắt đầu từ lúc thuỷ triều rút cạn, với chiếc thuổng trên vai, chiếc rá toòng teng bên mình là có thể nuôi sống cả gia đình.
Chúng tôi có mặt tại bãi biển thuộc huyện Vân Đồn khi trời đã ngả sang chiều. Trên bãi bồi Chương Xá nước vừa rút, những người phụ nữ đến từ các xã lân cận như Đông Xá, Đài Xuyên, Đoàn Kết… bắt đầu công việc đào sá sùng trên cát. Khung cảnh lao động thật nhộn nhịp…
“Mùa này, thuỷ triều xuống muộn nên công việc chỉ bắt đầu vào đầu giờ chiều. Nước rút đến đâu, chúng tôi đi đào đến đấy. Mỗi buổi nhiều thì được 2 - 3kg, ít thì hơn 1kg, thu nhập đủ sống, chú ạ”, chị Hoa, một người dân Đông Xá cho biết.
Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề “đào cát” phải trang bị, nai nịt gọn gàng từ khẩu trang đến gang tay và cả đôi ủng nhựa chống thấm nước. Như thế, họ mới chống chọi được với cái nắng, gió miền biển suốt nhiều giờ đồng hồ.
Theo chị Hoa, việc đào sá sùng trên cát không tốn sức nhiều, nhưng phải dầm mình dưới cái nắng hanh hao của cuối thu, đầu đông nếu không quen, sức không bền sẽ không trụ được. “Phải thật tinh mắt mới phát hiện được đâu là tổ của sá sùng, đâu là tổ của những loài vật khác. Có ngày “gặp hên” cũng đào được nhiều, kiếm được khoảng 1 triệu đồng/buổi”, chị Hoa kể thêm.
Hơn 20 năm gắn bó với các bãi biển, chị Lục Thị Bình, trú thôn Đông Thành, xã Đông Xá là một trong những phụ nữ có “thâm niên” trong nghề “săn vàng” của biển. Mắt chăm chăm nhìn xuống cát, tay thoăn thoắt mai đào, chị Bình cho biết, sá sùng là loại thân mềm, sinh sống ở vùng bãi cát ven biển, đặc biệt là nơi thuỷ triều lên xuống tạo ra những roi cát.
Sá sùng có da trơn, thân tròn màu hồng nhạt, dài khoảng 12 - 20cm. Ở giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, các cơ trên thân thắt lại đan chéo với cơ vòng trở thành hình vuông. Cũng bởi vậy nên tổ của chúng thường được phát hiện bởi những hình hoa văn trên cát, trung tâm là một lỗ nhỏ có bong bóng thở lên. “Phát hiện tổ của chúng, phải đào thật nhanh, chỉ cần chậm một chút là chúng sẽ biến mất…”, chị Bình nói.
Tăng giảm theo giá vàng
Thấm đẫm mồ hôi, ngư dân kiểm tra kết quả sau một ngày làm việc vất vả |
Theo như ngư dân nơi đây, mỗi một cân sá sùng tươi mua tại bãi bồi có giá từ 250 - 400 nghìn đồng, tuỳ theo mùa và kích cỡ. Tuy nhiên, điều đặc biệt, giá một ký sá sùng khô có thể được đổi ngang giá một chỉ vàng cùng thời điểm. “Giá một chỉ vàng hiện tại là 4,1 triệu đồng thì tương đương 1 cân sá sùng khô”, chị Bình cười nói.
Cũng theo chị Bình, hồi tháng 7 vừa qua, chị đào sá sùng về không bán mà đem sơ chế và phơi khô để chờ thị trường vàng tăng giá sẽ bán ra. Tuy nhiên, chờ mãi mà vàng lại rớt giá nên đành ngậm ngùi… xả hàng. “Hai tháng gần đây, giá vàng lên 4,0 - 4,1 triệu đồng/chỉ đang là tháng thu nhập của chúng tôi. Nó phập phù theo con nước từng mùa thôi chú ạ, nước lên thì ngày công mình cũng lên”, chị Bình chia sẻ.
Theo người dân mưu sinh bằng nghề bắt sá sùng, vài năm trở lại đây, “nghề” của họ gặp rất nhiều khó khăn bởi diện tích cát bồi dần bị thu hẹp, hiện trạng xâm lấn thảm thực vật ngày càng lớn. “Thậm chí, có người còn mang theo máy sục đào sá sùng. Khi chúng tôi phát hiện phải báo chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời. Bởi đào sá sùng bằng máy dễ làm hỏng thảm bãi cát bồi, nước biển sẽ xâm lấn…”, một ngư dân cho hay.
Cách bãi bồi Chương Xá hơn một giờ đi thuyền, tại xã Quan Lạn, trên bãi bồi cuối giờ chiều, hàng chục phụ nữ đang tích cực làm việc. Trên những chiếc giỏ mang theo đã đong đầy những thành quả của một buổi làm việc cực nhọc. “Cách đây chừng hai năm, mỗi buổi đi đào cũng phải được từ 3 - 4 kg, nhưng giờ chỉ 2 - 2,5 kg, có khi cả buổi chỉ được non 1 kg vì các công trình mọc lên như nấm, lấn hết các bãi bồi”, chị Phạm Thị Duyên cho hay.
Theo chị Duyên, đào sá sùng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính trong gia đình với 2 người con của chị. Con lớn của chị học cấp 3 và đứa nhỏ đang học lớp 7. “Chồng tôi làm công nhân trong đất liền, lương tháng chẳng là bao nhưng đi về lâu dài ổn định. Dường như, mọi sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào cồn cát này”, chị Duyên chia sẻ.
Bảo tồn bãi sá sùng tự nhiên
Niềm vui hiện lên trên đôi mắt với những thành quả đạt được |
Những lao động đi khai thác sá sùng tự nhiên có không ít người là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều thành viên trong gia đình qua các thế hệ lớn lên từ cồn cát, bởi thu nhập chính bằng nghề này. Anh Phạm Văn Hoàn, thôn Tân Phong, xã Quan Lạn chia sẻ: Nghề săn sá sùng đã gắn bó với nhiều đời người ở Quan Lạn. Tuổi thơ anh luôn gắn liền với chiếc mai, chiếc rổ đi đào, đi soi sá sùng.
Dẫn chúng tôi đi thực tế dọc bờ biển Quan Lạn, anh Hoàn chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, bất kể trai hay gái, cứ khoảng mười tuổi là làm quen với nghề “săn vàng” của biển rồi. Kinh nghiệm khai thác cứ được bồi đắp từ đời này qua đời khác và những buổi dãi nắng, dầm sương.
“Sá sùng nhiều dinh dưỡng, được nhiều du khách ưa chuộng, ăn thịt sá sùng rất tốt cho sức đề kháng của trẻ nhỏ, người già. Sá sùng khô nấu cháo cho trẻ biếng ăn, sẽ chăm ăn…”, anh Hoàn giãi bày thêm.
Những năm trước, khi du lịch còn chưa phát triển thì nghề đào sá sùng được coi như nghề kiếm ra vàng ở Vân Đồn nói chung và vùng Quan Lạn nói riêng. Ngày đó, vào thời cao điểm, một “tay mai” (người đào sá sùng) có thể nuôi sống cả gia đình.
“Nghề này tuy không giàu, nhưng là kế sinh nhai của cả gia đình trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Bây giờ, hàng ngàn người dân vẫn lấy nghề đào sá sùng làm mưu sinh, cho nên rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh quy hoạch, giữ vững các bãi sá sùng tự nhiên…”, một ngư dân đã ngoài 70 tuổi chia sẻ.
Báo cáo của UBND huyện Vân Đồn cho thấy, về đề xuất phạm vi, ranh giới để bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản, diện tích bãi sá sùng Chương Xá là việc làm cấp thiết. Mặc dù, khu vực này chưa nằm trong khu vực bảo vệ, phát triển nguồn lợi sá sùng tự nhiên theo quy hoạch ngành nông nghiệp nhưng đây là nguồn lợi sá sùng tự nhiên nhiều, được khai thác thường xuyên và là kế sinh nhai lâu đời của người dân.
Hiện tại, có một số lượng cộng đồng dân cư trên địa bàn khoảng 800 người đang sinh sống bằng nghề khai thác sá sùng và các thuỷ sản khác tại khu vực. “Từ cơ sở trên, UBND huyện Vân Đồn đề xuất đưa khu vực bãi sá sùng này vào vùng bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản trong giai đoạn đến năm 2035, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, an sinh xã hội cho người dân…”, văn bản của UBND huyện Vân Đồn nêu rõ.
Đây cũng là nguyện vọng của hàng ngàn người dân hàng ngày hành nghề, sinh sống bằng việc đào sá sùng tự nhiên…