Nhớ về những ngày gian khó trong sự nghiệp 'trồng người'

GD&TĐ - Ngày 30/4/1975, khát vọng cháy bỏng về một đất nước hòa bình, thống nhất của người dân Việt Nam trở thành hiện thực.

Giảng đường khu A Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng những năm đầu mới thành lập.
Giảng đường khu A Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng những năm đầu mới thành lập.

“Lấp hố bom, xây cuộc sống mới”, suốt dọc dài một dải miền Trung, trong những chất chồng khó khăn, sự nghiệp giáo dục vẫn luôn được ưu tiên đúng với chủ trương “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Thầy Phạm Úc.

Thầy Phạm Úc.

1. Nhà giáo Phạm Úc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) vẫn nhớ như in buổi sáng cuối tháng 4/1975, sau khi ông ra tù được một tháng và được thông báo nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban điều hành Trường Quế Sơn, thuộc Quảng Nam ngày nay.

“Nhận công việc, tôi và anh Phan Thanh Dũng - Phó ban Trường Quế Sơn vừa lo ổn định chỗ ở cho giáo viên vừa đi về các địa phương huy động học sinh ra lớp, đồng thời chạy mượn chỗ dạy, bàn ghế, bảng kỷ…

Chúng tôi phấn đấu sao cho hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 5, cùng lắm là qua tháng 6 thì kết thúc, để các em học sinh không phải bỏ học mất một năm. Không riêng gì chúng tôi mà các đồng nghiệp khác ở nhiều nơi đều nỗ lực như vậy. Có thể nói sự cố gắng của ngành Giáo dục vào thời điểm ấy là rất đáng ghi nhận” - thầy Phạm Úc nhớ lại.

Theo thầy Phạm Úc, việc sắp xếp học sinh vào lớp được thực hiện theo đăng ký của các em, khai lớp nào là ghi tên vào lớp ấy, không cần kiểm tra xác minh hay thủ tục gì khác. Nơi nào có học sinh là mở phân hiệu, nhà trường phải cử giáo viên về giảng dạy, có phân hiệu chỉ có hai giáo viên phải dạy ba, bốn lớp; ngày Chủ nhật lại lội bộ về trường chính để họp.

“Tuy chiến tranh đã đi qua, nhưng lúc đó ngày nào cũng có người chết vì bom mìn. Cái thứ sản phẩm chiến tranh này có mặt khắp mọi nơi, rất khó nhận biết nên thật không dễ đề phòng. Anh em giáo viên thường nói, không làm thì không có trường cho con em học nhưng mà làm thì dễ bị lãnh đủ” - thầy Úc nhớ lại.

Trong những ngày mới giải phóng, Quế Sơn là một trong số ít địa phương có phong trào giáo dục khá mạnh. Trước đó, với chủ trương giải phóng đến đâu thì hình thành ngay bộ máy của chính quyền cách mạng để làm việc, cho nên trong vùng giải phóng đã có trường lớp, giáo viên.

Còn ở những vùng mới giải phóng thì cũng lo được cho học sinh đến trường học không bị chậm trễ. “Thời điểm ấy, Quế Sơn có đội ngũ với 160 giáo viên đang dạy ở vùng giải phóng về, cộng thêm số giáo viên được tuyển mới và tuyển lại - gọi là giáo viên “lưu dung” - thầy Úc cho biết.

Với những nỗ lực chung sức xây dựng cuộc sống mới, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trường học được khẩn trương sửa sang, học sinh đã cắp sách đến trường trở lại, một tín hiệu xác tín cho những ngày hòa bình, tái thiết và dựng xây đất nước.

2. Vài tháng sau thời điểm 30/4/1975, thầy Phạm Úc được điều về Phòng Giáo dục Quế Sơn. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tập hợp giáo viên toàn huyện để mở lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn.

“Địa điểm được chọn để bồi dưỡng giáo viên là Hương An vì nơi đây có cơ sở vật chất tương đối khang trang. Thêm nữa là vấn đề tâm lý. Sau nhiều năm ở núi rừng, ai cũng muốn về đồng bằng cho đỡ nhớ. Thương nhất là mấy thầy cô ở những nơi xa xôi như Quế Trung, Quế Lộc, Hiệp Đức… đi bộ cả ngày trời mới đến chỗ tập trung” - thầy Úc nhớ lại.

Việc bồi dưỡng chuyên môn vào thời điểm 48 năm trước khác với hiện tại rất nhiều, nhất là về cơ sở vật chất. Thầy Phạm Úc kể rằng, dù cố gắng hết sức vẫn không thể tìm ra một hội trường đủ rộng cho trên dưới 100 người ngồi.

Việc trang bị âm thanh và ánh sáng thì sử dụng máy nổ hoặc bình ắc quy, lúc có lúc không. Do thiếu kinh phí và cũng không có điều kiện để quay rô-nê-ô các loại tài liệu nên từ việc hướng dẫn phương pháp bộ môn, triển khai nhiệm vụ năm học đến các yêu cầu mới về giáo dục học sinh, các thầy cô đều phải ghi chép.

Chương trình bồi dưỡng khá nặng nhưng thời gian lại ít, chỉ khoảng 3 tuần lễ, vì phải dành cho giáo viên về lại trường để chuẩn bị cho năm học mới. Khai giảng năm học đầu tiên của hòa bình, tái thiết và dựng xây.

Mặc dù vậy, các hoạt động văn nghệ, công tác dân vận… vẫn phải thực hiện đầy đủ, chưa kể những giờ thảo luận và thời gian viết thu hoạch. Nhưng tất cả anh chị em đều hoàn thành yêu cầu. Cái tâm trạng háo hức trong những ngày đầu chiến thắng đã khiến những người giáo viên làm việc không biết mệt mỏi.

Thầy Úc chia sẻ: “Sau này, tôi mới thấm thía rằng, chính vì tinh thần tập thể chân thành mà tất cả đã hợp thành một khối thống nhất để nhận thức rằng, sự nghiệp giáo dục là điều lâu dài trong khi trước mắt, còn nhiều khó khăn và nặng nề. Ví dụ như phải trục tiếp tham gia xây dựng trường lớp, phải tìm cho được những thứ tối cần thiết như bảng đen, bàn ghế… phải huy động cho được học sinh đến lớp…”.

Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) biểu diễn văn nghệ trong chương trình Em đi giữa cờ hoa, mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) biểu diễn văn nghệ trong chương trình Em đi giữa cờ hoa, mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Thầy Trần Khắc Luyện (Phú Yên) vẫn nhớ thời điểm tiếp quản ngành Giáo dục Phú Yên sau giải phóng. Khi đó thầy Luyện và một số đồng nghiệp nhận lệnh trở ra Ban Giáo dục Quân khu 5 xin sách giáo khoa.

Được sự đồng ý của thủ thư Ban Giáo dục Quân khu 5, thầy Luyện quay về Đà Nẵng nhận 3 xe sách giáo khoa để chuyển về Phú Yên. Thầy đã phải bán một chỉ vàng phòng thân để lo ăn uống cho 5 anh em trên suốt hành trình.

Sách được bàn giao cho Ban Giáo dục tỉnh, thầy Luyện được phân công về tiếp quản Trường Trung học đệ nhất cấp Nông Lâm Súc đóng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa).

Thầy Luyện nhớ lại: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi tận dụng tất cả cơ sở vật chất, trường lớp, nhanh chóng ổn định để phục vụ cho việc dạy - học. Các thầy cô giáo cũ của trường được tiếp nhận lại để dạy các môn tự nhiên, còn những môn xã hội thì do cán bộ của ta giảng dạy”. Những ngày đầu thiếu giáo viên, dù làm Hiệu trưởng nhưng thầy Luyện vẫn trực tiếp đứng lớp dạy các môn Văn, Sử.

Giảng đường khu A Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn còn nguyên hiện trạng và được sử dụng cho đến ngày nay.

Giảng đường khu A Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn còn nguyên hiện trạng và được sử dụng cho đến ngày nay.

4. Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhận xét: Trước năm 1975, nếu như giáo dục phổ thông ở Đà Nẵng với thương hiệu Trung học Phan Châu Trinh danh tiếng vẫn có thể sánh cùng giáo dục phổ thông ở các thành phố lớn của miền Nam như Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ… thì giáo dục đại học ở Đà Nẵng mờ nhạt hơn nhiều.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn duy trì “Hội Không khóa”. Đây là danh xưng gồm các thầy cô, những sinh viên đã tốt nghiệp ở nước ngoài và từ các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa TPHCM… về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng giai đoạn 1975 – 1980. Họ gắn bó với Trường ĐH Bách khoa từ những ngày trường mới thành lập, nhưng không phải là sinh viên của trường. Hội “Không khóa” là những hạt nhân trẻ, giàu năng lực, trí tuệ, đầy nhiệt huyết. Cùng với những thầy, cô từ các trường đại học ở miền Bắc chuyển về đặt nền móng, xây dựng và góp phần vào sự lớn mạnh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng như Trường ĐH Kinh tế cùng Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Quốc dân như ngày nay.

Mãi đến năm 1974, khóa đầu tiên của Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà - cơ sở đào tạo đại học duy nhất ở Đà Nẵng đương thời - mới được khai giảng. Vậy mà từ sau năm 1975, nhất là từ sau năm 1994 - năm thành lập ĐH Đà Nẵng cho đến nay, giáo dục đại học Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ, cả công lập và ngoài công lập, nhất là đối với hai nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế. Đặc biệt, chủ trương phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cuối tháng 4/1975, thầy Lý Ngọc Sáng, Trần Ngọc Chương và Nguyễn Đức Cán (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cùng Ban Thống nhất Trung ương triệu tập cùng với đoàn cán bộ đi tiếp quản các trường đại học phía Nam sau giải phóng. Cùng với thầy Nguyễn Phiên từ chiến khu về, thầy Sáng, thầy Chương và thầy Cán tạo thành “bộ tứ” thành lập, tổ chức, gấp rút xây dựng trường.

Sau này, trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vào năm 2010, PGS.TS Nguyễn Đức Cán kể lại: “Chúng tôi đi qua Đà Nẵng về nghỉ lại ở Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn), nhà cơ sở cách mạng gần Quốc lộ 1 gần một tuần chờ đợi lệnh về Đà Nẵng.

Không biết thông tin từ đâu, nhiều sinh viên, học sinh, giáo chức nghe có đoàn giáo sư từ Hà Nội vào nên tìm đến gặp gỡ hỏi han về tương lai học tập. Qua các cuộc trao đổi chân tình cởi mở, mọi người tỏ ra phấn khởi tin tưởng.

Riêng chúng tôi, lần đầu tiên được tiếp xúc với bà con ở thành phố mới giải phóng, mới đầu bà con còn dè dặt, nghi ngại nhưng sau gặp gỡ họ tỏ ra tin cậy, chân thành làm chúng tôi hết sức cảm động”.

Một trường đại học đa ngành công nghệ và kinh tế, một mô hình hoàn toàn mới ở miền Trung gấp rút được thành lập. Nhóm nòng cốt xây dựng trường đã đề nghị đặt tên là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, và khoá đầu tiên chỉ nên triển khai 3 khoa chuyên ngành là khoa Cơ khí, khoa Điện và khoa Kinh tế.

Theo như bài viết của PGS.TS Nguyễn Đức Cán trong kỷ yếu kỷ niệm thành lập trường thì “trong lúc chờ đợi lãnh đạo Khu ủy và UBND Cách mạng Trung Trung Bộ và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phê duyệt đề án, chúng tôi kiến nghị cho mở ngay lớp bồi dưỡng Dự bị đại học nhằm chuẩn bị kịp thời cho việc tuyển sinh và khai giảng năm học 1975 - 1976, đồng thời cũng là dịp thông báo cho xã hội biết là tại Đà Nẵng sẽ có một trường đại học của chính quyền Cách mạng”.

Khu ủy và UBND Cách mạng Trung Trung Bộ hoan nghênh đề xuất này và nhanh chóng ra quyết định cho mở lớp, chỉ sau một tháng rưỡi lớp dự bị đại học được hình thành, học sinh ăn ở tại các nhà vòm dã chiến bằng tôn ở 24 Trần Phú, đồng thời cử người cấp tốc ra Hà Nội xin điều một số thầy về Đà Nẵng chuẩn bị dạy các môn Toán, Lý, Hoá.

Lớp học này nhằm chuẩn bị cho việc tuyển sinh nhưng cũng để trấn an sự lo lắng của học sinh, phụ huynh sau giải phóng và tìm hiểu trình độ năng lực của học sinh, sinh viên miền Nam, nắm được tâm tự nguyện vọng của họ.

Việc huy động cán bộ cũng khá thuận lợi vì nhiều thầy giáo con em miền Nam đã nhiệt tình và khao khát được sớm trở về sống và làm việc tại quê hương. Từ một số ít cán bộ ban đầu nhưng đến cuối năm 1975 trường đã có trên 60 thầy giáo, đủ sức đảm nhiệm giảng dạy cho khoá 1.

Nhiều đoàn xe tải chở máy móc thiết bị chi viện từ Bắc vào Đà Nẵng. Lễ khai giảng Khóa I (29/3/1976) của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng diễn ra đúng dịp kỷ niệm 1 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng với 329 sinh viên trúng tuyển. Trường có 3 khoa chuyên ngành là Cơ khí, Điện và khoa Kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.