Vừa nuôi quân vừa làm y tá, bà Lê Thị Bằng, nguyên cán bộ Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ, Sở Công an Hà Nội, cùng đồng đội chiến đấu, góp sức với quân và dân Thủ đô làm nên một chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Ký ức hào hùng
Bà Lê Thị Bằng sinh ngày 2/8/1931 tại xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; vào Công an nhân dân năm 1961, nghỉ hưu năm 1986. Bà có chồng và 5 người con, 3 người cháu nội đã và đang công tác trong lực lượng Công an Thủ đô.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội bằng không quân của đế quốc Mỹ, huyện Thanh Trì - cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội là một trong những trọng điểm ác liệt bởi nơi đây có nhà ga, nhà máy pin và tổng kho 6 bách hóa (nơi dự trữ nhiều hàng hóa chiến lược cung cấp cho chiến trường miền Nam).
Dưới làn mưa bom của giặc Mỹ, các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vừa phải chiến đấu với giặc trên trời, vừa phải chiến đấu với giặc lửa để cứu nhân dân, cứu tài sản, kịp thời cho những chuyến tàu chở hàng hóa chi viện cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Thời điểm này, chồng bà Bằng là ông Trần Văn Chung công tác tại Đội Cứu hỏa Phan Chu Trinh. Còn bà công tác tại Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Sở Công an Hà Nội. Hai ông bà phải gửi các con đi sơ tán để bám trụ ở Thủ đô, tập trung chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Là nữ chiến sĩ duy nhất của đơn vị, bà được giao nhiệm vụ nuôi quân kiêm y tá thời chiến. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, bà Lê Thị Bằng đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đi bộ nhiều cây số để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, lo toan từng bữa ăn, từng cuộn bông băng, dụng cụ cấp cứu cho toàn đơn vị. Dứt mỗi đợt bom, bà lại cùng các đồng chí chỉ huy đơn vị đi kiểm tra quân số, đến từng nơi đang cháy sập, kịp thời băng bó, cứu thương, động viên nhân dân và những người lính cứu hỏa dũng cảm.
Năm nay đã 91 tuổi, bà Lê Thị Bằng vẫn lưu giữ ký ức về Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ tham gia trận chiến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: NVCC |
Bà Lê Thị Bằng rưng rưng kể: Ngày ấy, máy bay Mỹ ném bom bắn phá ngày ba lần vào sáng sớm, buổi trưa và ban đêm. Khi có còi báo động phòng không, tất cả mọi người đều xuống hầm trú ẩn, trừ những người lính. Những lúc đó, cả thành phố rung chuyển bởi những loạt bom, súng phòng không của ta bắn đỏ rực cả bầu trời, nhiều nơi bị bom Mỹ san phẳng không còn gì. Những người lính cứu hỏa vừa chữa cháy, vừa cứu sập, cứu thương, có đồng chí cào bới đến nát cả tay khi nghe tiếng khóc của một em bé dưới đống đổ nát.
“Có lần, anh em phải tham gia thu dọn nhiều thi thể, nhìn thấy cơm không muốn ăn, tôi phải cùng ông Tám Trong – Đội trưởng (là người miền Nam tập kết ra Bắc) và ông Chiếu – Đội phó, động viên các chiến sĩ cố gắng ăn để có sức chiến đấu. Một lần khác, chờ mãi không thấy tôi về, anh em đốt lò than nấu cơm trước. Khi tôi vào bếp thì thấy anh em đang ăn cháy cơm, vừa ăn vừa cười bảo: Chị thông cảm, chúng em đói quá! Nhìn các chiến sĩ tôi thương quá, mỗi sáng anh em chỉ được ăn một bát cơm với nước mắm chưng hành, có trưa đang ăn thì còi báo động, phải bỏ dở cơm đi chữa cháy…”.
Sau khi dứt một trận bom cuối tháng 12/1972, bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đến thăm và động viên cán bộ chiến sĩ Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ. Thấy bà Lê Thị Bằng đội mũ sắt đi từ phía hố bom sau đơn vị lên, người đứng đầu chính quyền thành phố hỏi đùa: “Bom Mỹ nó bỏ như thế mà chị vẫn còn sống à?”. Bà Bằng cười đáp: “Thưa Chủ tịch, tôi phải sống để cùng anh em chiến đấu chứ!”. Tất cả mọi người có mặt đều cười vang, nụ cười chiến thắng của những người lính dũng cảm trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù.
Với những cống hiến trong lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, bà Lê Thị Bằng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Bà Lê Thị Bằng về thăm trụ sở Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ năm xưa. Ảnh: NVCC |
Truyền ngọn lửa truyền thống
Sau khi nghỉ hưu, thỉnh thoảng bà Lê Thị Bằng vẫn đến thăm đơn vị cũ và động viên con cháu tiếp bước truyền thống của các thế hệ cha anh. Mỗi lần đi đâu, nhìn thấy còi báo động phòng không trên nóc nhà, bà lại nhớ về trụ sở Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ năm xưa, nhớ lại những gương mặt đồng đội thân quen và tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình của họ. Những lúc ấy, trên gương mặt già nua của bà, hai dòng lệ lại ứa ra. Bà Bằng nghẹn ngào kể lại cho con cháu nghe những chiến công và sự hy sinh gian khổ, thầm lặng của những người lính cứu hỏa thời chiến.
Dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bà Lê Thị Bằng đến thăm lại trận địa xưa, nơi bà đã từng vào sinh ra tử phục vụ chiến đấu. Trụ sở Đội Cứu hỏa Tứ Kỳ nay đã làm trụ sở của một đơn vị khác của Công an thành phố, tháp còi báo động phòng không vẫn còn đó nhưng vắng bóng những người đồng đội năm xưa. Đón tiếp bà đến thăm đơn vị phòng cháy chữa cháy hậu duệ với tên gọi mới là Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 7 thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội là lớp thế hệ cán bộ mới.
Đơn vị mới đón tiếp bà như đón người thân cũ trở về và cuộc gặp gỡ đã trở thành buổi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Sự đón tiếp chu đáo và trọng thị của đơn vị đã khiến cho bà Lê Thị Bằng xúc động hồi tưởng lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm cùng quân và dân Thủ đô chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.
Chiến tranh đã lùi xa, người nữ chiến sĩ Công an Cứu hỏa năm xưa - nay đã 91 tuổi nhưng bà Lê Thị Bằng vẫn còn lưu giữ trong tâm trí và tiếp tục truyền lại ngọn lửa truyền thống và tinh thần chiến đấu 12 ngày đêm kiên cường của quân và dân Thủ đô cho các thế hệ sau. “Thế hệ chúng tôi đã chiến đấu như thế, phải kể lại để con cháu chúng ta phát huy tinh thần chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” giữ bình yên cho đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”, bà Bằng xúc động nói.