Nhớ mãi người hiền “nuôi lợn, may vá để viết văn”

GD&TĐ - Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để lại cho văn đàn Việt một khoảng trống lặng lẽ.

Ba cuốn tiểu thuyết thành đề tài khảo sát cho nhiều luận văn đại học và sau đại học.
Ba cuốn tiểu thuyết thành đề tài khảo sát cho nhiều luận văn đại học và sau đại học.

Thế nhưng, người yêu văn chương sẽ còn nhớ mãi một người hiền qua những áng văn hay, trong: “Đội gạo lên chùa”, “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”…

Nguyễn Xuân Khánh và thế hệ ông tham gia vào văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1954. Đó là thế hệ vừa là những người khởi xướng những cuộc cách mạng lớn của văn chương Việt Nam hiện đại, vừa là những người định hình cho một nền văn học với những triết lý học thuật.

Cuộc đời khốn khó

Cùng thuộc thế hệ Điện Biên Phủ, nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có số phận vất vả long đong nhất trong các văn nghệ sĩ. Phải lưu văn trong suốt những năm 1970 và đầu những năm 1980. Giai đoạn Đổi mới, dù cánh cửa mở ra nhưng Nguyễn Xuân Khánh vẫn không thể bước qua, dù “Hoang tưởng trắng” của ông được xuất bản với một bút danh xa lạ (Đào Nguyễn).

Vào những năm 1990, bạn bè ông như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần đã bước ra khỏi những vướng mắc của đời sống bên lề, Nguyễn Xuân Khánh vẫn lặng lẽ đâu đó. Phải đến đầu thế kỷ 21, những bản thảo quan trọng của ông mới bắt đầu được xuất bản.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh vào năm 1933, cuộc đời ông được khởi đầu hành trang học vấn trong giai đoạn thuộc địa, giáo dục Pháp - Việt. Vốn học vấn mới mẻ và truyền thống ấy giúp thế hệ ông vượt qua những chướng ngại vô hình để tiếp xúc với thế giới.

Sống qua thế chiến, trải qua kháng chiến thần thánh của dân tộc để tôi luyện bản lĩnh thép. Chính tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên thế hệ Nguyễn Xuân Khánh một tư thế để bước vào thế giới văn chương, trong thế đối diện đàng hoàng với nhân loại.

Sau năm 1954, Nguyễn Xuân Khánh tham gia công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, rồi Báo Thiếu niên Tiền phong nhưng sớm nghỉ hưu từ năm 1973. Trong thời gian này, ông viết văn, viết biên khảo và cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên có tên “Rừng sâu”.

Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu cuộc đời nghèo khó nhưng chính điều đó lại giúp ông chuyên tâm hơn bên những trang viết. Hình ảnh ông đạp máy khâu, viết hàng ngàn trang tiểu thuyết luôn được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc nhắc tới với niềm tôn kính sâu sắc.

Khi “Chuyện ngõ nghèo” được xuất bản năm 2016, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tâm sự rằng, đó là tự truyện của chính ông. Ở đó có một thế giới khốn khó đến mức, việc nuôi lợn trở thành một phần đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Những cuộc va chạm người - lợn nhiều lúc tưởng như hoang đường nhưng có thật.

Nhà văn lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình, đồng thời vẽ nên bối cảnh những năm đói kém. Để tồn tại, nhiều người dân nông thôn và thành thị đổ xô đi nuôi lợn, từ anh xích lô, công nhân đến nhà khoa học.

Hoàng - anh nhà văn trong truyện - bỏ nghề viết để nuôi lợn trong một xóm ven đô. Sách khép lại bằng cuộc trò chuyện của Linh - con trai Hoàng, một sinh viên đại học dự định theo nghề nuôi lợn để nuôi cả nhà.

“Tôi nhận việc viết văn theo bạn bè. Lúc đó, nhà tôi quá nghèo, thành ra tôi phải đi học nghề thợ may. Tôi làm thợ may độ 8 năm, làm may đo ngay ở nhà. Ban ngày thì nuôi lợn và làm thợ may, ban đêm chui lên gác xép. Thời gian vô cùng eo hẹp nhưng nó cũng kích thích, tạo ra cái gì khác thường”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng tâm sự trong quãng thời gian vừa nuôi lợn, vừa viết văn và làm thợ may.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021). Ảnh: Hội nhà văn Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021). Ảnh: Hội nhà văn Hà Nội.

Qua thời dữ dội, khao khát nhân văn

Theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: Có thể nói mà không sợ quá lời, kể từ lúc công bố tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trở thành tiểu thuyết gia hàng đầu của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ 21. Các sáng tác của ông trở thành trung tâm của đời sống văn học. Xung quanh ba cuốn tiểu thuyết (“Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”) cũng đã trở thành đề tài khảo sát cho nhiều luận văn đại học và sau đại học.

Các nhà phê bình văn học, sau này phân chia thứ tự sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, ông viết truyện ngắn. Sau đó, đến “Hoang tưởng trắng” và “Chuyện ngõ nghèo”. Giai đoạn thứ ba viết về lịch sử và văn hóa, như: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa.

Những bộ tiểu thuyết đồ sộ liên tiếp ra đời nhưng phải kiên nhẫn nằm trong ngăn kéo đợi nhiều năm sau mới được xuất bản. Ở thời điểm các tác phẩm được ra mắt, tính phức tạp của điểm nhìn, tính đối thoại và sự đối lập căng thẳng của lập trường trong tiểu thuyết, đã tạo nên giá trị không thể phủ nhận.

Và các nhân vật chính trong các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh - dù là tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết hiện thực, vẫn là người trí thức trong cơn bão tố của lịch sử, suy tư về những vấn đề lớn lao của dân tộc – con người.

Với “Hồ Quý Ly”, nhà văn đã khiến công chúng chia làm hai phe tranh cãi kịch liệt. Làm sao có thể dễ dàng chấp nhận được những bênh vực Hồ Quý Ly - phía mà vẫn bị coi là ngụy triều.

Tới “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh đã cho thấy một bút lực sung mãn. Ở đó, có tinh thần văn hóa dày dặn của những ngôi làng Bắc Bộ, có cả sự biến ảo trong thần tích, cũng như cái nhìn trầm tĩnh của người đã sống qua nhiều biến cố thời cuộc.

Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng, Nguyễn Xuân Khánh là người có tư tưởng riêng, viết lịch sử là để viết về con người, về những giá trị nhân văn trong đời sống. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh miêu tả cái dữ dội của hiện thực, từ một giai đoạn lịch sử để cuối cùng hướng tới khao khát nhân văn của nhân loại.

Trong suốt mấy chục năm cầm bút, Nguyễn Xuân Khánh nhận nhiều giải thưởng. Ông là nhà văn say nghề cho tới những năm cuối cuộc đời. Khi đã ở tuổi 80, sáng nào ông cũng ngồi bên bàn viết không chỉ như một thói quen, mà còn là chân lý sống: Viết để ngày mai còn yên giấc ngàn thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ