Nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

(GD&TĐ) - Quảng Nam là vùng đất học nổi danh với “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ hổ”, “Tứ kiệt”, “Ngũ tử đăng khoa”… Ở thời đại nào, vùng đất  “nắng lửa mưa dầm” vẫn không bao giờ thiếu những danh nhân, những bậc hiền tài. Dù họ đã rời xa dương thế nhưng những “đứa con tinh thần” của họ đã đánh thức, có sức sống mạnh mẽ và bền lâu trong lòng công chúng.

Ấy là tôi đang nhắc đến nhà soạn kịch xuất sắc, nhà thơ, nhà văn hiện đại Lưu Quang Vũ mà sắp tới tưởng niệm 25 năm ngày mất của anh trong một vụ tai nạn giao thông đột ngột tại cầu Phú Lương, Hải Dương  (29/8/1988).

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
 

Nhà văn Ngô Thảo – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, là người bạn văn thân thiết của nhà thơ Thu Bồn đã từng hồi ức: “Hội diễn năm 1985, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tạo nên kỷ lục có một không hai với tám vở diễn tham dự, giành sáu huy chương vàng và hai huy chương bạc. Để nhớ về thời quá khứ vàng son, tháng 9 năm nay, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ”. 

 Đối với những người yêu chuộng sân khấu, mỗi khi có dịp xem lại hàng loạt vở diễn đã từng lan toả hiệu ứng rộng rãi trong đời sống tinh thần cộng đồng người Việt những năm 80, 90 của thế kỉ trước như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; “Tin ở hoa hồng”; “Điều không thể mất”; “Lời thề thứ chín”… đủ kiểm định cho thấy sự nóng bỏng, hấp dẫn, sâu sắc và vô cùng thâm thuý của kịch Lưu Quang Vũ sau một quãng thời gian khá dài, mặc dù công chúng hôm nay có nhiều sự lựa chọn hơn trong các loại hình nghệ thuật. 

Còn thi sĩ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, người bạn đời chung thuỷ của Quang Vũ với một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều âu lo và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Còn nhớ, trong chương trình môn Ngữ văn sách giáo khoa phổ thông, bài “Sóng” của chị được Bộ GD&ĐT cho phép đưa vào giảng dạy đã làm nức lòng thầy trò cùng người đọc. Bởi đó là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu; nhịp điệu, giọng điệu, thể thơ… tất cả làm nên chất thơ và mạch nguồn cảm xúc của bài thơ và đây là một trong những bài tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh.

Hay như “Tiếng gà trưa” của chị, ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gói ghém tình cảm bà cháu đằm thắm, sáng trong và vô vàn yêu thương trìu mến. Âm thanh tiếng gà gắn với biểu tượng của cuộc sống yên bình, hạnh phúc, tượng trưng cho ấm no, nảy nở sinh sôi, rộn ràng nơi làng quê êm đềm. Đó cũng là  nỗi khát vọng muôn đời của nhân loại. 

Để tưởng nhớ đến đôi vợ chồng tài hoa bạc mệnh này, vào ngày 25/8, chương trình nghệ thuật “Đêm Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh” diễn ra tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Chương trình bao gồm các tiết mục đặc sắc trình diễn một số bài thơ của Xuân Quỳnh và những ca khúc với giai điệu trữ tình, sâu lắng phổ thơ của Lưu Quang Vũ như: “Tiếng Việt”, “Mây trắng của đời tôi”…

Đặc biệt, về kịch, “Lời thề thứ chín” như viên ngọc sáng được mài dũa tinh tế nhất trong kho tàng kịch bản của Lưu Quang Vũ với triết lý sâu sắc và các giá trị nhân văn bất hủ vẫn còn vẹn nguyên trong xã hội ngày nay sẽ một lần nữa được công diễn trên sân khấu. Đồng thời như một bữa tiệc mừng chiêu đãi người xem. Và chợt nhận ra ai đó đã ngậm ngùi trong tiếc nuối rồi thốt lên rằng, ước gì còn một Lưu Quang Vũ, còn một Xuân Quỳnh. 

Thiên Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.