Một ông già khắc khổ, một lão nông giữa phố thị - đó là ấn tượng mà NSND Trần Hạnh để lại trong lòng người hâm mộ. Biết rằng cuộc sống có sinh thì có tử, nhưng sự ra đi ấy vẫn để lại bao thương nhớ và luyến tiếc trong lòng khán giả và những người biết về ông.
Bằng lòng với cuộc sống
Ngày 4/3, chị Hồng - con dâu trưởng của NSND Trần Hạnh thông báo với mọi người về sự ra đi của nghệ sĩ: “Tối mùng 3/3 sức khoẻ của ông yếu dần, con cháu tụ họp ở bên ông và ông ra đi rất thanh thản, nhẹ nhàng và không đau đớn gì. Ông bằng lòng với cuộc sống, không mấy khi có nguyện vọng gì để bày tỏ với con cháu”.
Sinh thời, nghệ sĩ Trần Hạnh từng tâm sự về cuộc đời mình. Ông bảo cuộc đời thật còn khổ hơn phim, vì phim chỉ là diễn còn đời mới là thực. Suốt hàng chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến.
Năm 2011 vợ ông qua đời, Trần Hạnh phải chăm người con trai ngoài 40 tuổi bị chấn thương não sau một tai nạn. Chính vì vậy, mỗi lần đi đóng phim xa nhà là ông lại đau đáu lo lắng không yên. Chỉ những lần đi tận miền Nam hay vào Thanh Hóa, ông mới nhờ con gái, con dâu ở bên cạnh qua trông hộ.
Nếu ở gần, thì sáng đi đóng phim, chiều tối ông lại vội vã về nhà lo cơm nước cho con trai.
Dù vất vả, khổ cực nhưng ông không coi đó là nỗi bất hạnh mà chỉ giản đơn là những việc phải làm trong cuộc sống. Ông bảo rằng, tên ông là Hạnh nghĩa là hạnh phúc, không phải bất hạnh.
“Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống mấy ai bằng mình. Bằng lòng với cuộc sống, có gia đình để chăm sóc là vui rồi”, nghệ sĩ Trần Hạnh tâm sự.
Khi còn khoẻ, người ta thường thấy nghệ sĩ Trần Hạnh đi chiếc Cub 50 từ ngõ Linh Quang đến của hàng Hồng Quân ở phố Trần Quý Cáp phía sau ga Hàng Cỏ để phụ con dâu (chị Hồng – vợ anh Quân, con trai cả - PV) trông hàng.
Nói là trông hàng vì ông Trần Hạnh thực sự không biết bán hàng. Khách đến hỏi ông đôi giày giá bao nhiêu? Ông cười bảo rằng: Con dâu bán chứ tớ trông hộ không biết giá.
Và chủ yếu, trong cuộc trông hàng ấy là thời gian ông chuyện trò uống trà với bạn bè, bạn diễn hoặc những cụ già hay chuyện của Hà Nội phố. Ông thường khen con dâu mình là người đảm đang, biết gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Thế rồi lại đến chuyện diễn. Ông bảo rằng, lớp trẻ bây giờ sướng, diễn cứ diễn chứ không phải lo đến miếng cơm manh áo như xưa.
Duyên diễn các vai khổ hạnh
Là người Hà Nội hào hoa, thế nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh có một vẻ ngoài rất nông dân. Cũng chính cái dáng nông dân ấy mà khiến ông dễ gần với nhiều người quê lên phố lập nghiệp. Thi thoảng ngồi trông hàng ở phố Trần Quý Cáp, lại có ông bán hàng rong, bà ve chai, anh thợ hồ… đi qua và họ gật đầu chào nhau.
Nghệ sĩ Trần Hạnh có nụ cười hiền. Nụ cười rất thật chứ không diễn. Nụ cười thật ấy được ông đưa cả vào phim ảnh, bởi hơn ai hết ông hiểu giá trị của nụ cười giữa cuộc sống đầy rẫy bon chen, khổ ải và cả tất bật lo nghĩ.
Chị Trần Thị Dung, con gái nghệ sĩ Trần Hạnh kể rằng: “Bố tôi vẫn dạy, đói cho sạch, rách cho thơm. Bữa ăn có su hào muối, ông động viên con cái “đấy là đang ăn thịt bò kho” cho cả nhà ngon miệng. Nồi cơm vừa xới một lượt đã hết, ông bảo nhà mình còn sướng hơn nhiều nhà khác, ăn vừa phải cho khỏi hỏng bụng”.
Phát xuất từ một nghệ sĩ sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội, Trần Hạnh có một sự nghiệp sân khấu đầy rạng rỡ. Tuy nhiên, tên tuổi của ông được khán giả biết đến nhiều hơn qua các vai diễn khắc khổ trên phim truyền hình.
Thời hoàng kim của nghệ sĩ Trần Hạnh là cuối những năm 1970. Thời kỳ này, vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa” đã mang đến cho ông Huy chương Vàng Liên hoan Kịch toàn quốc. Sau vai diễn, nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ nhận xét: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
Tên tuổi Trần Hạnh còn được khán giả yêu thích và đồng nghiệp đánh giá cao qua một vai chính trong vở “Tiền tuyến gọi” hay trong “Âm mưu và tình yêu” do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng.
Nhiều đạo diễn nhận xét rằng, tuy là trai phố cổ thanh lịch nhưng hình như Trần Hạnh sinh ra để vào vai nặng vẻ khổ hạnh, đáng thương hay trong vai nông dân hiền lành, chất phác. Đó chính là cái duyên thủ vai của người nghệ sĩ.
Từ khi nghỉ hưu năm 1989, công chúng lại biết đến Trần Hạnh nhiều hơn qua các vai diễn trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Vai diễn điện ảnh đầu tiên của ông là vai nam chính cho phim “Chiếc bình tiền kiếp” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Sau đó là hàng loạt phim khác, như: Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi…
Năm 2011, khi người vợ của nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời sau nhiều năm ốm bệnh. Nhớ thương người bạn đời, ông suy sụp tinh thần và suốt 2 năm sau ông không tham gia bất kỳ một bộ phim nào. Về sau, con cháu động viên, bạn bè an ủi rất nhiều ông mới nguôi ngoai và quyết định trở lại với phim “Ma làng” phần 2 của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.