NSND Trần Hạnh: Người đem hết khốn khó ngoài đời lên màn ảnh

GD&TĐ - Cuộc sống khó khăn của NSND Trần Hạnh đã từng khiến nhiều người không khỏi xót xa, bùi ngùi. Có lần ông đã từng thốt lên: “Đời tôi còn khổ hơn phim”.

Nghệ sĩ Trần Hạnh.
Nghệ sĩ Trần Hạnh.

Sáng nay, thông tin NSND Trần Hạnh qua đời do tuổi cao sức yếu khiến đông đảo anh chị em nghệ sĩ và người hâm mộ tiếc thương. 

Với dáng dấp và khuôn mặt hiền lành, có chút khắc khổ, NSND Trần Hạnh để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả nhiều thế hệ qua hàng loạt vai diễn chân chất mộc mạc như: “Chiếc bình tiền kiếp”, “Tướng về hưu”, “Truyện cổ tích tuổi 17”, “Nước mắt đàn bà”, “Cuốn sổ ghi đời”, “Hãy tha thứ cho em”, “Ngõ lỗ thủng”, “Làng nổi”, “Bão qua làng”.

Có thể nhận thấy các vai diễn của NSND Trần Hạnh đầy khổ hạnh, đáng thương nhưng ít ai biết, cuộc đời của ông lại càng khiến khán giả đau xót. 

Từ năm 16 tuổi, ông đã làm nghề đóng giày trên phố Tràng Tiền, ngày đi làm, tối sinh hoạt đoàn kịch thanh niên đến nửa đêm. Nghề diễn đến với ông từ ngày ấy.

Trước khi về sống trong căn nhà hiện tại, nghệ sĩ Trần Hạnh đã trải qua 4 - 5 lần chuyển nhà. Từ ngôi nhà chật chội, nhiều thế hệ chung sống nằm sâu trong ngõ Phất Lộc đến nhà ở phố Hàng Tre, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bồ…

Căn nhà bây giờ được mua bằng tiền của vợ vì ông đóng phim cả đời không mua nổi căn nhà.

Một góc trong căn nhà nhỏ đơn sơ của nghệ sĩ Trần Hạnh tại phố Trần Quý Cáp.
Một góc trong căn nhà nhỏ đơn sơ của nghệ sĩ Trần Hạnh tại phố Trần Quý Cáp.

Nhắc đến chuyện gia đình người nghệ sĩ già, nhiều người cảm thấy vô cùng bùi ngùi, xót xa. Vợ chồng ông sinh được tổng cộng 7 người con (2 trai, 5 gái) nhưng chỉ còn 4. Trong đó, 3 người con đã xây dựng cuộc sống gia đình riêng, chỉ còn người con út là ở lại với ông. Nhiều năm trước, do bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến dây thần kinh nên giờ anh không còn tỉnh táo.

Người vợ của nghệ sĩ Trần Hạnh sau cơn tai biến mạch máu não, bà nằm bất động do liệt nửa người. Mọi việc trong nhà đều do ông làm chính. Đến năm 2011, vợ ông qua đời sau 2 năm nằm liệt giường, ông dù già yếu vẫn phải một mình chăm sóc cho đứa con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn.

Kể từ khi vợ mất, nghệ sĩ Trần Hạnh suy sụp tinh thần và sức khỏe yếu đi nhiều. Ông phải một mình tự quán xuyến việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo…

Căn nhà của nghệ sĩ Trần Hạnh ở nằm trong một con ngõ nhỏ ở gần ga Trần Quý Cáp. Trong nhà không có nhiều đồ đạc, phòng khách cũng là phòng thờ và là chỗ ngủ của hai bố con. Chỗ ngủ đơn giản, chỉ là tấm chiếu mỏng được trải ra dưới lớp chăn cũ kỹ.

Người nghệ sĩ già đã từng tâm sự: "1 tháng lương hưu của tôi cũng chỉ được 2 - 3 triệu, vừa phải chi tiêu cơm ăn hàng ngày, vừa phải lo các khoản lặt vặt khác… Thi thoảng con gái hay con dâu cũng cho một ít nhưng tôi không lấy. Các con còn gia đình, còn nhiều việc phải lo. Kể hơi khó khăn một tí cũng không sao, bố con tôi có thì ăn thịt, không có thì ăn rau...”.

Hoàn cảnh của người nghệ sĩ già chuyên vào vai nông dân nghèo đất Bắc đã khiến ông từng có lần thốt lên: “Đời tôi còn khổ hơn phim”.

Hình ảnh cuộc sống đời thường của nghệ sĩ Trần Hạnh trước khi qua đời.
Hình ảnh cuộc sống đời thường của nghệ sĩ Trần Hạnh trước khi qua đời.

Được “đóng đinh” bởi những vai diễn người nông dân hay cán bộ nghèo khổ, khi được hỏi lý do có phải vì ngoại hình khắc khổ, giống nông dân nên ông mới được chọn vào những vai này không, nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ: “Chính thế đấy. Dù điều này có thể khiến tôi tuột mất nhiều vai diễn hay khác, nhưng cũng vui vì cứ có vai diễn nào khổ là đạo diễn lại nhớ đến ông Trần Hạnh, và chỉ có ông Hạnh mới diễn được vai này thôi”.

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29/8/2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nghệ sĩ Trần Hạnh khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và nhận được nhiều giải thưởng, song lại được khán giả biết đến nhiều nhất qua những vai diễn trên màn ảnh nhỏ như trong Chiếc bình tiền kiếp, Cỏ lau, Làng nổi, Người đàn bà thứ hai,...

Ông nổi tiếng với câu nói khiến khán giả vô cùng xót xa: "Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.