(GD&TĐ) - Chương trình tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục được Sở GD&ĐT Kiên Giang triển khai từ năm 2006 ở 20 trường tiểu học. Sau nhiều năm triển khai cho thấy đây là mô hình thành công, giúp học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc học tốt tiếng Việt hơn khi vào lớp 1.
Với việc cung cấp kiến thức ngữ âm trước sẽ giúp học sinh phân biệt được âm chính, âm đầu, âm cuối hoặc vần có âm chính, âm đệm… giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, không sai chính tả hoặc tái mù. So sánh giữa chương trình tiếng Việt lớp 1 đang dạy đại trà với chương trình tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục cho thấy đây thực chất là mô hình “Thầy thiết kế - Trò thi công”, tức là dựa trên sự phân giải ngữ âm của tiếng Việt, học sinh nghe được sẽ viết được, đảm bảo hết học kỳ 1 của lớp 1, học sinh đều đọc thông viết thạo. Với thành quả đạt được, môn tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục được Sở GD&ĐT Kiên Giang triển khai ở 57 trường tiểu học, dự kiến nhân rộng thêm 24 trường trong năm học 2013 - 2014.
Mặc dù chương trình tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục chỉ áp dụng cho học sinh lớp 1 nhưng qua theo dõi học sinh lớp 2 - 3 cho thấy phương pháp “Thầy thiết kế - Trò thi công” đã giúp học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn thành thạo trong việc tham gia hoạt động nhóm, rèn luyện khả năng tự học…
(Thầy Nguyễn Thế Huynh, Phòng GD Tiểu học - Sở GD&ĐT Kiên Giang)
Mọi đối tượng học sinh đều tiếp thu tốt chương trình |
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (năm 1985), thành quả mà thầy và trò trường thực nghiệm GDPT tỉnh Tây Ninh nhận được là chất lượng giáo dục thật, năng lực học sinh thật. Mặc dù năm học nào nhà trường cũng có một vài học sinh yếu, thi lại nhưng bên cạnh đó cũng là đội ngũ học sinh khá, giỏi và đặc biệt là đội tuyển tham dự các cuộc thi đều xếp thứ hạng cao.
Chất lượng giáo dục đồng đều, năng lực, sự sáng tạo, tự tin của học sinh cũng là điều đáng ghi nhận nhờ phương pháp học mới. Với quan điểm học sinh là trung tâm, thầy cô là người hướng dẫn, học trò được nói lên suy nghĩ, thể hiện sự sáng tạo của mình trong mỗi giờ học. Điều đó giúp các em nề nếp hơn, tự tin, linh hoạt trong môi trường sư phạm cũng như ngoài cuộc sống và cũng giúp mỗi giáo viên nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để phát huy hay khắc phục.
Với ưu điểm được kiểm chứng, trường thực nghiệm GDPT Tây Ninh tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng mô hình trên ra các lớp học của bậc tiểu học và THCS với mong muốn không chỉ đem lại kiến thức cho học sinh mà còn giúp các em có tư duy logic, khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tế.
(Thầy Cao Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường thực nghiệm GDPT Tây Ninh - Tây Ninh)
L.G (ghi)