Nhìn từ Quỹ vắc-xin

GD&TĐ - Theo công bố của Bộ Tài chính, đến 11 giờ ngày 7/6,195.833 tổ chức và cá nhân đã góp vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 1.349 tỷ đồng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nếu tính cả 4.611,88 tỷ đồng nhà tài trợ đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền thì Quỹ hiện có 5.906,88 tỷ đồng chỉ 10 ngày sau khi Bộ Tài chính công bố tài khoản tiếp nhận và 1 ngày sau lễ ra mắt.

Hàng nghìn tỷ đồng góp vào Quỹ vắc-xin trong một thời gian ngắn – và con số chắc chắn không dừng ở đó - là minh chứng rõ nhất cho một phản ứng chính sách đầy thuyết phục của Chính phủ.

Không còn tranh cãi nữa, tiêm chủng để nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng là cách chống dịch tốt nhất. Nước ta cần có 150 triệu liều vắc-xin để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Chi phí mua, bảo quản, tiêm chủng lên tới 25.200 nghìn tỷ đồng.

Dù ngân khố quốc gia đang rất eo hẹp, Nhà nước cũng đã thu xếp mọi nguồn, dành 14.500 tỷ đồng cho việc này. Hơn 10.700 tỷ đồng thiếu hụt, Chính phủ quyết định huy động từ cộng đồng xã hội thông qua Quỹ vắc-xin và rất nhanh chóng đã có được gần 6.000 tỷ đồng – tức là hơn một nửa nhu cầu.

Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong lễ ra mắt Quỹ, lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh khi đất nước ta gặp khó khăn thì tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, trong đó có “giặc” Covid! Kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc-xin chính là khơi dậy truyền thống này – một tài sản quý đã có từ lâu của dân tộc.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với “giặc Covid”, truyền thống gắn bó, đoàn kết, sẻ chia ấy còn được tiếp thêm sức mạnh từ lòng tin của người dân vào chính quyền sau thành công chống dịch.

Năng lực điều hành của Chính phủ và bộ máy ở địa phương thể hiện rõ trong từng quyết sách ứng phó với diễn biến của đại dịch. Nhờ đó, chúng ta có tăng trưởng kinh tế; nhờ đó mỗi sáng, phần lớn người dân vẫn đến công sở, vào nhà máy như bình thường…

Với lòng tin ấy, từ những bác sĩ nơi tuyến đầu phòng dịch, những người lính nơi biên ải, những “shipper” giao hàng khắp mọi con đường… đã cùng góp sức, cùng chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, cùng tuân thủ các biện pháp phòng dịch để vượt qua giai đoạn Covid đầy khó khăn.

Và giờ đây, với khối lượng của cải vật chất xã hội tích lũy được qua hơn 30 năm đổi mới, tất cả lại một lần nữa sẵn sàng, tự nguyện đóng góp vào Quỹ vắc-xin.

Đáp lại lòng tin đó, Bộ Tài chính, đơn vị được giao quản lý Quỹ, đang chứng tỏ mỗi đồng đóng góp dù nhỏ nhất đều được trân trọng và quản lý công khai, minh bạch. Vào 17 giờ mỗi ngày, Ban quản lý Quỹ báo cáo với lãnh đạo Bộ Tài chính tình hình huy động quỹ kèm theo chi tiết danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Những thông tin này cũng được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để đăng tải. Bên cạnh đó, hàng ngày, Quỹ công khai số dư và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Nói gì thì nói, sự minh bạch, liêm chính trong quản lý Quỹ vắc-xin là điều kiện tiên quyết để huy động được nhiều nguồn đóng góp.

Sự ủng hộ của người dân với Quỹ vắc-xin cho thấy, một chính sách đúng đắn, thực sự vì lợi ích của người dân và bảo đảm tính công khai, minh bạch sẽ được người dân ủng hộ.

Khi người dân cùng xắn tay lo liệu, việc dù “khó vạn lần” chắc chắn “cũng xong”. Bài học này không mới và nếu được vận dụng vào mọi tình huống điều hành thì mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 sẽ ở trong tầm tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.