Thầy Hiệu trưởng Philip Lawrence (1947 – 1995) vội vàng chạy ra can ngăn và bị tên đầu đảng là Learco Chindamo, 15 tuổi, ra tay sát hại. Cái chết của Lawrence gây phẫn nộ và bất an cao độ. Hai năm kế tiếp, bạo lực học đường liên tục bùng phát nghiêm trọng khắp Vương quốc Anh, buộc Bộ Giáo dục phải cải cách an ninh trường học triệt để.
Người thầy xuất sắc
Philip Lawrence sinh ngày 21/8/1947 tại Dublin (Ireland), là con trai một đại tá quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu. Nhờ chăm chỉ và ham học, Lawrence thuận lợi tốt nghiệp cử nhân, sau đó lấy bằng thạc sĩ và trở thành thầy giáo.
Thập niên 1970, Lawrence giảng dạy ở trường Thánh Benedict, Ealing Abbey và kết hôn với một nữ giáo viên cùng trường. Cặp vợ chồng thầy cô giáo này có 3 con gái và 1 con trai.
Sự nghiệp dạy học của Lawrence xuôi chèo mát mái. Ông được nhiều trường trọng dụng, từng giữ chức trưởng khoa, phó hiệu trưởng. Năm 1993, Lawrence được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Công giáo La Mã Thánh George, Maida Vale, Bắc London. Đây là một trong các trường có thành tích yếu kém và tình trạng bạo lực học đường nghiêm trọng nhất nước Anh.
Chỉ sau 2 năm, Lawrence đã thành công nâng thành tích của học sinh trong trường. Tuy nghiêm khắc nhưng lại dễ gần và tận tụy, Lawrence được các học sinh đặc biệt yêu quý.
“Khi tôi nhập học vào năm 1990, thành tích của trường cực tệ”, Edward Adoo, cựu học sinh nhớ lại. “Vừa mới đến nơi, thầy Lawrence đã triển khai nhiều chương trình giảng dạy mới, chú trọng dạy và học. Thầy am tường mọi thứ về ngôi trường, như thể đã làm việc ở đây từ rất lâu rồi”.
“Xét ra thì, nhìn thầy Lawrence cũng khá… dị dị”, Adoo tiếp tục. “Tôi chưa từng thấy thầy giáo nào thắt nơ, nhưng thầy thì luôn đến trường với bộ trang phục chỉnh tề và cổ thắt nơ”.
Anh hùng đời thường
Bên cạnh chất lượng giảng dạy, Lawrence hết sức lưu tâm vấn đề an ninh, bảo đảm sự an toàn cho học sinh. Chiều tan trường, ông luôn đứng trực ở cổng cho đến khi em học sinh cuối cùng ra về an toàn.
Không ai ngờ, nhiệt tình bảo vệ học sinh của Lawrence lại là nguyên nhân khiến thầy rơi vào thảm kịch. Ngày 8/12/1995, cổng trường đang yên bình bỗng xuất hiện một nhóm du côn. Chúng bao gồm 12 thanh thiếu niên mặt mũi bặm trợn, tự xưng là băng đảng Wo Shing Wo.
Kẻ cầm đầu Wo Shing Wo là Learco Chindamo (1980), 15 tuổi, gốc Italia. Y tuyên bố đến để “trừng phạt” William Njoh, 13 tuổi, cậu học trò người da đen “dám gây sự” với một thành viên trong băng nhóm.
Trước cổng trường, Chindamo dùng thanh sắt đánh đập Njoh. Nghe thấy ồn ào, Lawrence chạy ra và chứng kiến cảnh Njoh bị bạo hành. Ông vội vàng lao tới ngăn cản. Chindamo không dừng tay mà còn đấm vào mặt thầy hiệu trưởng, sau đó rút dao đâm vào ngực ông.
“Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó”, Suja Thomas, một cựu học sinh khác chia sẻ. “Tôi chỉ mới rời trường được vài bước thì thấy các bạn đi trước bỗng chạy ngược lại. Tôi biết có chuyện bất thường và quay đầu, bám theo họ ngay. Trước cổng trường, tôi nhìn thấy bạn cùng lớp đang đỡ thầy Lawrence. Thầy đứng loạng choạng, chiếc áo mặc trên người ướt đẫm máu”.
Buổi tối cùng ngày, Lawrence qua đời trong bệnh viện. Chindamo bị bắt giữ và buộc tội giết người. Tháng 10/1996, y bị tuyên án tù với thời gian giam giữ tối thiểu 12 năm.
Khởi động đại cải cách
Trước vụ án mạng, Chindamo luôn huênh hoang là người của Hội Tam Hoàng (băng đảng tội phạm xuyên quốc gia). Y vẫn là học sinh, nhưng thường xuyên trốn học, tụ tập ở quán bar và gây rối.
Mặc dù Chindamo đã bị bắt, tình trạng bạo lực học đường không giảm. Tháng 3/1996 tại Dunblane (Scotland), 16 học sinh và 1 giáo viên bị kẻ đột nhập tên Thomas Hamilton nổ súng sát hại hàng loạt. Tháng 7 cùng năm, trường mẫu giáo ở Wolverhampton bị Horrett Campbell đột nhập, tấn công bằng dao, khiến nhân viên y tế và nhiều bé bị thương.
Trên khắp nước Anh, lo ngại an ninh học đường leo thang. Ngày 14/6/1997, Bộ nội vụ Anh quyết định trao tăng Huân chương Queen Gallantry cho Philip Lawrence, vinh danh sự hy sinh to lớn của ông và khởi động cuộc cải cách an ninh, an toàn học đường triệt để nhất.
Đầu tiên, Chính phủ ban lệnh cấm bán dao cho trẻ dưới 16 tuổi. Kế đến, họ xây dựng và áp dụng hệ thống nội quy học đường bổ sung, cấm các hành vi bạo hành và xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm.
Toàn bộ các trường học ở Anh được gắn camera quan sát. Giáo viên, học sinh định kỳ tập dượt ứng phó các trường hợp khẩn cấp, ví dụ như bị kẻ có vũ trang đột nhập… Nội bộ mỗi trường đều có đường dây nóng, cho phép học sinh và giáo viên gọi thông báo khẩn kịp thời.
Về phần Chindamo, sau thời gian cải tạo đã được trả tự do vào tháng 10/2010. Nhiều người Anh ký kiến nghị trục xuất y về Ý, nhưng không được đáp ứng. Theo luật nhập cư của Anh, Chindamo đủ số năm sống ở đây để được thừa nhận là công dân Anh.
Thêm vào đó, theo tuyên bố của tòa án, Chindamo đã không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội. Thời gian trong tù, Chindamo hối cải và thay đổi, chăm chỉ học hành. Tuy thành tích không mấy cao, nhưng Chindamo đã vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học cho môn Toán và Tiếng Anh, đồng thời cũng lấy được chứng nhận về chăm sóc sức khỏe và xã hội.