Nhìn lại 16 lần điều chỉnh tăng lương: Tác động đòn bẩy vẫn hạn chế

GD&TĐ - Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết ở cả khu vực Nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân. Tiền lương đang không giữ vai trò là đòn bẩy tác động đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Thế nhưng, cải cách theo hướng nào để phù hợp và đem lại hiệu quả đòi hỏi phải tính toán cặn kẽ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Cải cách tiền lương: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội.

Lương cơ sở được điều chỉnh 16 lần

Trong những năm qua, cải cách tiền lương ở Việt Nam đã được thực hiện với các rất nhiều biện pháp như tách tiền lương khu vực doanh nghiệp với khu vực hành chính, sự nghiệp, thiết lập quan hệ tiền lương khung “tối thiểu-trung bình-tối đa” và hệ thống thang, bảng lương theo chức danh, ngạch, bậc của hệ thống hành chính… 

Mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính, sự nghiệp đã tiếp cận dần mức sống tối thiểu, thường xuyên được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần từng bước cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 

Từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 16 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng vào năm 2018, tăng gần 11,6 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp trong vài năm gần đây cũng liên tục được điều chỉnh tăng trung bình 10%/năm. Từ ngày 01/01/2018, lương tối thiểu vùng tăng lên 2.760.000 - 3.980.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng.

Bên cạnh kết quả được, chính sách tiền lương vẫn còn những hạn chế, bất cập. Mặc dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc. Chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, tiền lương chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc. Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động còn hạn chế. 

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã chỉ ra rằng, việc quản lý tiền lương, thu nhập còn chưa thực sự công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả. Tình trạng sử dụng chi phí hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập của người lao động khá phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, phát sinh những tiêu cực, lãng phí trong quản lý tài chính, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. 

Cải cách phải nhanh và dứt khoát

Hiện nay, cải cách chính sách tiền lương đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là năng suất lao động còn thấp. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn cho thị trường lao động, nhất là tình trạng thừa lao động giản đơn, thiếu lao động có kỹ năng, được đào tạo bài bản, chất lượng cao. 

Trong khi đó, phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ trong làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo sức ép lớn về việc làm, thu nhập, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cũng như các bài toán cân đối vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cải cách tiền lương là nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp do những quan hệ gắn bó hữu cơ giữa tiền lương với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác như giải quyết việc làm, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, tinh giản biên chế, cơ cấu lại năng suất lao động và khu vực sự nghiệp công, sự bất công bằng trong phân phối thu nhập giữa người làm công hưởng lương với bộ phận dân số còn lại...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi - vừa là áp lực, vừa là động lực cho điều chỉnh tiền lương. Bản thân cải cách tiền lương gắn với cải cách hành chính, các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Cải cách tiền lương phải làm nhanh và dứt khoát.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, cải cách tiền lương có những tác động, ảnh hưởng quan trọng đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, sự ổn định và vững mạnh của thể chế chính trị của quốc gia. Vì vậy, khi cải cách tiền lương cần phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động, ảnh hưởng liên quan, cả trực tiếp và gián tiếp để bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa trong toàn bộ nền kinh tế.

Đồng tình với phân tích của các chuyên gia về tiền lương trong khu vực Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng mức lương công chức phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường lao động và không nên dùng hệ số tính mức lương mà tính bằng tiền tuyệt đối. Nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù. Khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực.

Đối với khu vực sản xuất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết quy định mức lương tối thiểu là để bảo đảm không người lao động nào được trả thấp hơn mức này, tránh việc bần cùng hóa, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề giới. Nhưng đồng thời phải có nhận thức khác về mức lương tối thiểu này, đây không phải là căn cứ để trả lương, phải có thêm quy định lương tối thiểu giờ, luật hóa lương tối thiểu.

Tiến sỹ Changhee Lee- Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần thực hiện cải cách từng bước từng bước dưới tầm nhìn dài hạn vì công cuộc cải cách cho đến khi hệ thống mới vận hành đúng và ổn định sẽ mất nhiều thời gian hơn cách nghĩ của nhiều người.

Con theo Tiến sỹ Jinho Jeong (Viện Lao động Hàn Quốc), khi điều chỉnh lương khu vực công, cần cân nhắc tính phức tạp của nhiệm vụ và mức độ trách nhiệm, mức giá và chi phí sinh hoạt của người dân nói chung để đảm bảo tiền lương có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cân nhắc mức độ công bằng với tiền lương khu vực tư cũng như cân bằng giữa công chức, viên chức ở các hạng ngạch khác nhau. 

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, cải cách tiền lương không chỉ nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như phòng chống tham nhũng, bảo đảm sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ