Tăng lương theo kiểu đối phó

Nhiều doanh nghiệp không tăng lương tối thiểu vùng vì cho rằng mức lương của doanh nghiệp trả cho công nhân đã cao hơn lương tối thiểu

Tăng lương theo kiểu đối phó

“Trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 50 cuộc ngừng việc tập thể, trong đó 80% số vụ ngừng việc xảy ra tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc ngừng việc đều liên quan đến lương”.

Ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam , cho biết như vậy tại tọa đàm “Tình hình lao động, việc làm, thu nhập và chi tiêu của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN)” do LĐLĐ TP HCM phối hợp cùng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện Công nhân - Công đoàn (CĐ) tổ chức tại TP HCM mới đây.

Nghịch lý tăng lương

Ông Sang cho biết thêm tổ chức CĐ và NLĐ luôn muốn tăng lương theo đúng pháp luật nhưng đại diện DN cho rằng tăng lương là gánh nặng cho DN. Vì thế, thời gian qua đã xảy ra tranh cãi gay gắt từ 2 phía.

“Qua khảo sát thực tế một số DN tại TP HCM, tôi thấy rằng lương của DN ngành dệt may trả cho NLĐ từ 5-6 triệu đồng/tháng, ngành cơ khí 7-8 triệu đồng/tháng, DN có vốn đầu tư nước ngoài trên 10 triệu đồng/tháng. Vậy thì tại sao DN lại không muốn tăng lương tối thiểu trong khi thực tế họ trả cho công nhân (CN) cao hơn lương tối thiểu rất nhiều?” - ông Sang đặt vấn đề.

Tiền lương đủ sống mới giúp người lao động an tâm làm việc, cống hiến
Tiền lương đủ sống mới giúp người lao động an tâm làm việc, cống hiến

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân , TP HCM - cho biết ở những DN lớn, có vốn đầu tư nước ngoài , việc tăng lương tối thiểu vùng không ảnh hưởng đến DN. Nhưng ở các DN nhỏ, tiềm lực yếu, tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo việc tăng lương cơ bản , tăng chi phí bảo hiểm...

Bà Dân cho biết: “Nhiều DN thích hỗ trợ sinh hoạt phí cho NLĐ hơn tăng lương. Mặt khác, tăng lương nhưng không kiềm chế được giá cả thì việc tăng lương cũng không có ý nghĩa. Đơn cử, vừa qua, mới tăng lương thì chi phí bữa ăn của CN cũng tăng dù chất lượng không tăng”.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn , TP HCM - cho biết lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được 80% đến 85% mức sống của CN. Việc phân chia thành 4 vùng để trả lương cũng chưa hợp lý.

Thực tế, có DN rời Hóc Môn sang Đức Hòa (Long An) mở xưởng để giảm chi phí thuê đất, trả lương. Dù hai bên chỉ cách nhau một con sông nhỏ nhưng lương tối thiểu ở Đức Hòa thấp hơn Hóc Môn. Vừa qua, LĐLĐ huyện Hóc Môn cũng vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhưng thực tế họ vẫn tăng bằng cách sửa chữa lại cửa, nhà vệ sinh hay làm lại trần nhà rồi tính vào giá cho thuê.

Xây dựng thang, bảng lương cho có

Phát biểu tại buổi tọa đàm , ông Phạm Duy Bắc, Ủy viên Thường vụ CĐ các KCX-KCN TP, chia sẻ vừa qua, nhà nước tăng lương tối thiểu vùng 12,9% tương đương khoảng 400.000 đồng. Có DN tăng 400.000 đồng đều cho tất cả NLĐ nhưng cũng có DN tăng đúng 12,9% cho mức lương của từng NLĐ.

Cá biệt, có DN ở Bình Dương nhưng một xưởng sản xuất tại KCN Tân Bình ( quận Tân Phú , TP HCM) không tăng lương. CN ngừng việc 2 ngày đòi tăng lương nhưng DN kiên quyết không tăng vì cho rằng công ty đã trả lương cho CN 5,5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu .

“Qua kiểm tra cho thấy một số DN có xây dựng thang, bảng lương nhưng trả lương theo cách của DN; thang, bảng lương chỉ để đối phó các cơ quan chức năng . Khi được tăng lương tối thiểu, CN không hưởng lợi được nhiều vì DN đưa ra định mức cao hơn, khó hơn. Có nơi, CN làm suốt tháng mà DN vẫn phải bù lương cho đủ 3,5 triệu đồng vì định mức quá cao” - ông Bắc phản ánh.

Về vấn đề thang, bảng lương, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP, nêu thực tế: Quý I, có 10.000/150.000 DN đăng ký lại thang, bảng lương; trong đó 60% DN có mức lương từ 3,5 triệu đồng đến 3,745 triệu đồng và 40% DN trên 3,745 triệu đồng. Ông Năm cho biết: “Nhiều DN làm thang, bảng lương rất đẹp nhưng trả lương lại khác, không nằm trong bậc nào của thang, bảng lương”.

Nhiều DN tăng lương chưa đúng

LĐLĐ TP vừa kết hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH TP kiểm tra 19 DN về tình hình xây dựng, điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016. Qua kiểm tra, có 12/19 DN có điều chỉnh thang, bảng lương theo mức lương tối thiểu vùng, 7/19 DN chưa xây dựng thang, bảng lương.

Đa số DN chỉ điều chỉnh tăng lương cho NLĐ có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, những NLĐ có mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng thì điều chỉnh theo thỏa thuận với tỉ lệ thấp hơn hoặc không tăng. Việc làm này là không đúng quy định.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ