Trên thực tế, việc điều chỉnh tăng lương để phòng ngừa tham nhũng không phải là chuyện đơn giản, nó phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thu ngân sách và áp lực nợ công của đất nước…do đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu tuy chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng ngân sách nhà nước phải chi thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, vấn đề tăng lương không thể muốn là có thể làm được ngay.
Như chúng ta đã biết, tình trạng “chạy” vào biên chế nhà nước vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều trường hợp bỏ ra vài trăm triệu đồng để chạy vào biên chế nhưng chỉ hưởng mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Bởi vì, khi vào được biên chế thì có nhiều cơ hội để thực hiện hành vi tham nhũng hoặc có thể lợi dụng sự quen biết, mối quan hệ trong hệ thống các cơ quan nhà nước để thực hiện các hành vi sai trái để trục lợi cá nhân.
Ai cũng thấy rất rõ là mức lương của cán bộ không cao, nhưng nhiều cán bộ, công chức vẫn có thể xây được nhà lầu, sắm xe hơi… trong đó có không ít vị cán bộ có nhà “biệt phủ”, xe hơi đắt tiền… thực trạng đó đã và đang tồn tại, rất khó quản lý. Cũng vì chủ yếu nhờ vào “lậu” là chính, còn “lương” chỉ là phụ nên rất ít thấy cán bộ, công chức chủ động xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để ra ngoài tìm kiếm việc làm. Điều này cho thấy cơ chế quản lý của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức hưởng các chế độ, chính sách đãi ngộ khác ngoài lương.
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng vặt vẫn xảy ra khá phổ biến, người dân, doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì phải bỏ tiền “lót tay” để được việc. Chính vì thế, trước cơ quan hành chính nhà nước thường xuất hiện đội ngũ “cò” thủ tục hành chính thường xuyên túc trực, sẵn sàng ra giá và móc nối với cán bộ, công chức để “chạy” mọi thủ tục hành chính, dàn xếp các việc làm chưa đúng quy định, lo hộ khẩu giấy tờ cho người ngoài tỉnh...
Từ những vấn đề nêu trên, cho thấy công chức không chỉ sống dựa vào lương mà còn dựa vào những khoản thu nhập khác, trong đó có những lợi ích phát sinh từ tham nhũng. Cũng chính điều này mà tình trạng thanm nhũng khó có thể kiểm soát, nhất là tham nhũng vặt.
Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra, trước hết cần phải có cơ chế để cán bộ, công chức phải sống dựa vào lương, xóa bỏ những cơ chế hình thành nên các chế độ, chính sách ngoài lương như phụ cấp, thâm niên…; chỉ trả lương cho những cán bộ, công chức làm được việc, loại bỏ những cán bộ yếu kém, thiếu năng lực; tạo ra cơ chế trả lương công bằng, đảm bảo tính cạnh tranh và giảm sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Một khi đã có chính sách trả lương cao cho cán bộ, công chức thì khi đó, cán bộ, công chức sẽ có ý thức trong việc gìn giữ công việc của mình, không có hành vi vi phạm pháp luật, không phát sinh tham nhũng. Bởi vì, nếu phát sinh tham nhũng, nhẹ thì có thể bị trừ lương, nặng thì có thể bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc xử lý hình sự.
Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức sẽ không ngừng rèn luyện, tự đổi mới để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác và sẽ không dám tham nhũng mà không cần các công cụ khác để ngăn ngừa tham nhũng.