Những năm qua, công tác quản lý, cải tiến chất lượng giáo dục được đặc biệt chú ý. Các tổ chức chuyên trách về đánh giá, KĐCL được thành lập. Ngoài Cục Khảo thí và KĐCL được thành lập năm 2008, Phòng Khảo thí và KĐCL đã được thành lập tại Sở GD&ĐT; đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng được thành lập ở các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Từ năm 2007 công tác đánh giá chất lượng tại các cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc đã được khởi động dựa trên bộ tiêu chuẩn chính thức gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Từ tháng 7/2017, công tác KĐCL được thực hiện theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT. Các văn bản này đều được công khai và có trên mạng, chỉ bằng một click chuột, bất cứ ai quan tâm muốn tìm hiểu đều có thể đọc, nghiên cứu.
Có thể còn ý kiến khác nhau về cách xác định tiêu chuẩn, nhưng từ nội dung của Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT có thể khẳng định rằng các tiêu chuẩn đánh giá này bao quát toàn diện mọi hoạt động của trường ĐH: Từ sứ mạng, tầm nhìn, văn hóa, cơ cấu quản trị, chính sách các mặt của trường, quản lý các nguồn lực (con người, cơ sở vật chất và tài chính); đến các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong; việc thực hiện các chức năng của trường ĐH như đào tạo, người học, nghiên cứu, đóng góp phát triển cộng đồng; các kết quả hoạt động về đào tạo, NCKH, phát triển cộng đồng; thậm chí cả kết quả về tài chính, vị trí trong hệ thống giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nhìn nhận về hoạt động kiểm định ĐH vừa qua là “áp dụng kiểm định chỉ định”, hoặc “chỉ kiểm định cơ sở vật chất mà không kiểm định giáo viên; trong khi người dạy, người học mới là yếu tố chính quyết định chất lượng đào tạo”.
Bày tỏ sự ngạc nhiên về điều này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – một trong những người nghiên cứu và thực hành về kiểm định tại Việt Nam – cho rằng, dường như người có cách hiểu như trên nhầm giữa “KĐCL giáo dục” với việc “thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng” - thực chất là xác minh xem số lượng giảng viên và cơ sở vật chất có đúng như trường đã nêu trong đề án tuyển sinh, một hoạt động mà năm ngoái Bộ GD&ĐT có ủy quyền các Trung tâm KĐCL thực hiện.
Đây thực ra là 2 việc khác nhau, phục vụ các mục đích khác nhau, cách thực hiện khác nhau. Các trung tâm KĐCL giáo dục chỉ thực hiện việc thẩm định “điều kiện đảm bảo chất lượng” một lần năm 2017 và phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH năm đó, nhưng không liên quan gì đến hoạt động KĐCL giáo dục của trường.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã cấp phép hoạt động cho 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trường ĐH của Việt Nam được toàn quyền quyết định lựa chọn đơn vị kiểm định hợp pháp, kể cả đăng ký kiểm định với các tổ chức đánh giá, KĐCL giáo dục của nước ngoài, để KĐCL.
Điều này có nghĩa, không có chuyện chỉ định trường phải làm kiểm định ở trung tâm hay bất kì tổ chức nào. Chưa kể, khi đánh giá, các đoàn đánh giá phải nghiên cứu minh chứng, phỏng vấn tất cả các nhóm liên quan, khảo sát, tham quan thực địa, kiểm tra ngẫu nhiên các mặt hoạt động của trường. Tức là, các quá trình đánh giá, kết quả đánh giá dựa trên minh chứng, được kiểm tra chéo lẫn nhau để đảm bảo thông tin xác thực.
Thêm nữa, có một điểm nhiều người chưa biết là các trường ĐH thành viên của các ĐH có trung tâm KĐCL giáo dục không được đăng ký kiểm định tại trung tâm của ĐH đó. Ví dụ, các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội không được đăng ký KĐCL tại Trung tâm KĐCL giáo dục – ĐHQG Hà Nội mà phải đăng ký kiểm định của một tổ chức bên ngoài. Việc này để đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Việc cần làm trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, là đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Quỹ kiểm định độc lập, tăng cường các chế tài gắn với kiểm định, thí dụ, gắn mức độ trao quyền tự chủ với kết quả kiểm định; đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ kiểm định viên; đào tạo đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng các kiểm định viên để triển khai các hoạt động kiểm định cấp độ chương trình. Trong tương lai, cần đẩy mạnh áp dụng một số phương thức quản lý chất lượng giáo dục tiên tiến trên thế giới như mô hình PDCA (Plan-Do-Check-Act), hướng tới nâng cao chứ không chỉ là “đảm bảo” chất lượng.