Nhiều ý kiến khác nhau về 2 Nghị định và 2 Dự án luật

Nhiều ý kiến khác nhau về 2 Nghị định và 2 Dự án luật

(GD&TĐ) - Sáng 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). 

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban soạn thảo thống nhất với tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ và nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị. 

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định rằng không thể “chống” lại thiên nhiên nên ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tên gọi của dự thảo Luật. 

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích thiên tai xảy ra theo quy luật của tự nhiên, con người phải thích ứng với thiên nhiên, chứ không “chống” lại được thiên nhiên. Hơn nữa đại biểu cho rằng tên gọi như đề xuất của Ban soạn thảo có thể ảnh hưởng tới ứng xử của con người với thiên tai.

Giải trình thêm về nội dụng này, Ban soạn thảo phân tích từ “chống” ở đây cần được hiểu theo hướng tích cực, đó là trên cơ sở hiểu tự nhiên để có biện pháp “chống” cho hiệu quả chứ không “tránh” được.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh dự thảo luật có nên điều chỉnh vấn đề tái thiết sau thiên tai hay không?, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích “tái thiết sau thiên tai” cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng, việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác như quy định về quy hoạch, quy hoạch đô thị, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường... 

Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương.

Về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, tránh thiên tai, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định trong Luật vai trò chủ lực của lực lượng vũ trang nhân dân vì chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. 

Vì thế nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện trong dự thảo luật hợp lý, chính xác về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong hoạt động phòng, tránh thiên tai. 

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần bổ sung thêm hai lực lượng quan trọng đã và đang tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, tránh thiên tai hiện nay đó là lực lượng chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc.

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Nội dung quy định trường đại học có phải là một loại hình tổ chức khoa học và công nghệ hay không vẫn còn những quan điểm khác nhau. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 quy định tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm: Các tổ chức nghiên cứu phát triển (dưới hình thức viện, trung tâm…) ; Trường đại học, học viện, trường cao đẳng; Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

Dự thảo Luật (sửa đổi) do Chính phủ trình đã bỏ quy định Trường đại học, học viện, trường cao đẳng là tổ chức khoa học và công nghệ. Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi tán thành với quan điểm, cần quy định rõ các trường đại học có chức năng nghiên cứu là tổ chức khoa học và công nghệ. Đây cũng là quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án Luật. 

Theo đó, một số cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động theo Luật Giáo dục Đại học như các Đại học quốc gia, bên cạnh chức năng đào tạo là chủ yếu, còn có chức năng NCKH. Các trường đại học có tiềm lực mạnh về Khoa học và Công nghệ hoạt động NCKH được thực hiện bởi tất cả các khoa và các giảng viên. 

Việc coi đại học có chức năng nghiên cứu là tổ chức khoa học và công nghệ sẽ huy động được nguồn lực, cơ sở vật chất của các trường đại học vào NCKH, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới, là gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo, coi trọng hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học và xây dựng các trường đại học theo chuẩn mực quốc tế.

Thảo luận về đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ, dự thảo mới đã được chỉnh sửa theo hướng Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Ngân sách cho khoa học và công nghệ phải được ghi thành nội dung chi riêng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Việc phân bổ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và hiệu quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước.

Để khắc phục điểm nghẽn chủ yếu hiện nay trong hoạt động khoa học và công nghệ là cơ chế tài chính, Dự thảo mới đã chỉnh sửa, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ và cơ quan trong việc phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ (Điều 55), quy định rõ mục đích sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ (Điều 56); áp dụng cơ chế khoán chi cho các hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 57) và quy định rõ cơ chế cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 58).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn còn băn khoăn về quy định này và cho rằng không nên quy định “cứng” 2% đồng đều tại tất cả các địa phương. Dự án Luật chỉ nên quy định tỷ lệ “cứng” trong giai đoạn trung hạn (3 năm hay 5 năm), chứ không nên quy định là hàng năm như dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự án Luật còn nhiều quy định chung chung, mang tính nghị quyết, do đó ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa vào luật những quy định cụ thể; nhiều điều quy định trong dự án Luật còn phải hướng dẫn. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi luật ra đời phải góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, vì vậy ban soạn thảo cần suy nghĩ và nghiên cứu để thể hiện trong luật điều này.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ