Nhiều vi phạm của cả bên vay và bên cho vay

GD&TĐ - Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng phán quyết của TAND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) về việc buộc họ phải trả thay khoản nợ hơn 56,3 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Bao bì Toàn Thắng là không có cơ sở.  

Khu công nghiệp Nam Cấm nơi Công ty Toàn Thắng xây dựng dự án nhà máy sản xuất bao bì.
Khu công nghiệp Nam Cấm nơi Công ty Toàn Thắng xây dựng dự án nhà máy sản xuất bao bì.

OceanBank vi phạm hợp đồng

Như Báo GD&TĐ đã thông tin, quá trình xây dựng dự án Nhà máy sản xuất đồ đựng, bao bì tự hủy thân thiện với môi trường (nhà máy bao bì) tại Khu công nghiệp Nam Cấm – Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần Bao bì Toàn Thắng (Cty Toàn Thắng) đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) bảo lãnh vay 63,9 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).

Quá trình cho vay, do một số lãnh đạo của OceanBank vi phạm pháp luật nên Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, yêu cầu OceanBank dừng việc cho vay, tiến hành việc thu hồi số tiền hơn 45,3 tỷ đồng tiền đã giải ngân cho Cty Toàn Thắng.

Do Cty Toàn Thắng không có khả năng trả nợ, nên OceanBank đã kiện Cty Toàn Thắng ra TAND huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Sau quá trình xét xử, TAND huyện Nghi Lộc đã tuyên buộc Cty Toàn Thắng phải trả cho Ngân hàng Đại Dương tổng số tiền 56.315.517.809 đồng, gồm: nợ gốc hơn 45,3 tỷ đồng; nợ lãi theo hợp đồng gần 9,6 tỷ đồng; nợ lãi chậm thanh toán hơn 1,3 tỷ đồng.

Trường hợp Cty Toàn Thắng không trả được hoặc trả không đầy đủ số nợ trên thì NHPT Việt Nam là đơn vị bảo lãnh cho Cty Toàn Thắng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Cty này. Tài sản thế chấp của Cty Toàn Thắng sẽ được giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam quản lý để làm nghĩa vụ bảo lãnh.

Sau phán quyết của TAND huyện Nghi Lộc, NHPT Việt Nam đã có đơn kháng cáo và được TAND tỉnh Nghệ An thụ lý từ tháng 5/2017. Nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử phiên phúc thẩm.

Máy móc tại nhà máy sản xuất bao bì của Cty Toàn Thắng nằm "đắp chiếu".
Máy móc tại nhà máy sản xuất bao bì của Cty Toàn Thắng nằm "đắp chiếu". 

Trao đổi với Báo GD&TĐ, NHPT – Sở GD I cho biết, việc TAND huyện Nghi Lộc buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Cty Toàn Thắng là không có cơ sở, bởi:

Ngân hàng Đại Dương đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng khi chỉ mới giải ngân được hơn 45,3 tỷ đồng, tương ứng 71% vốn vay là vi phạm hợp đồng tín dụng với Cty Toàn Thắng, dẫn đến nhà máy bị dở dang, không thể hoàn thiện để đưa vào hoạt động, nên Cty Toàn Thắng không có nguồn để trả nợ vay, trong khi việc bảo lãnh của NHPT là bảo lãnh dự án hoàn thành.

Việc bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt là lỗi của OceanBank, Cty Toàn Thắng không có lỗi và NHPT không phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, OceanBank đã giải ngân cho Cty Toàn Thắng khi chưa hoàn thành các thủ tục nội bộ, không đáp ứng điều kiện theo luật định và quy định tại điều lệ Cty Toàn Thắng, không đúng với cam kết của Cty Toàn Thắng khi đề nghị bảo lãnh là tuân thủ đúng và đầy đủ quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án.

Khoản 1, Điều 2 của Hợp đồng tín dụng số 0004/2011/HĐTD1-OCEABANK01 ngày 12/1/2011, ký kết giữa OceanBank và Cty Toàn Thắng, quy định: Cty Toàn Thắng chỉ được giải ngân cho khoản giải ngân lần đầu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện Cty Toàn Thắng cung cấp đầy đủ bảng kê, chứng từ chứng minh vốn tự có đã đầu tư vào nhà máy tính đến thời điểm trước lúc giải ngân.

Thế nhưng, trong hồ sơ giải ngân lần đầu tiên không hề có chứng từ chứng minh Cty Toàn Thắng đã tham gia đủ vốn tự có vào nhà máy, nhưng OceanBank vẫn cố tình giải ngân vốn không đúng quy định. 

“Trong 41 khoản giải ngân, có đến 34 khoản giải ngân tương đương số tiền trên 42,2 tỷ đồng khi hồ sơ không đảm bảo theo quy định, NHPT đã cảnh báo trong các lần làm việc với OceanBank và Cty Toàn Thắng”, NHPT cho biết.

Cty Toàn Thắng lập khống chứng từ trong hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hồ sơ giải ngân

Ngoài vi phạm hợp đồng của OceanBank, NHPT cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm của Cty Toàn Thắng trong việc vay tiền thực hiện dự án như:

Triển khai thực hiện nhà máy không đúng với quyết định đầu tư được NHPT thẩm định, chấp thuận bảo lãnh; Báo cáo không trung thực về nguồn vốn tự có, vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án không đáp ứng 15% tổng vốn đầu tư nhà máy;

Lập khống chứng từ trong hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hồ sơ giải ngân; Không thực hiện đúng quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành; Không mua bảo hiểm cho tài sản hình thành sau đầu tư của nhà máy được bảo lãnh thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Các công trình phụ trợ tại dự án bị bỏ hoang...
Các công trình phụ trợ tại dự án bị bỏ hoang... 

Trước những vi phạm nêu trên của Cty Toàn Thắng, NHPT cho biết: “Trong thời gian vừa qua, NHPT đã gửi đến TAND tỉnh Nghệ An và Viện KSND tỉnh Nghệ An nhiều văn bản, chứng từ chứng minh những dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc giải ngân vốn đầu tư và triển khai thực hiện nhà máy của OceanBank và Cty Toàn Thắng”.

Ngày 6/9/2019, Sở Giao dịch I - NHPT đã có Văn bản số 1074/NHPT.SGDI-BL về việc đề nghị thu thập chứng cứ, xem xét chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra, gửi TAND tỉnh Nghệ An và Viện KSND tỉnh Nghệ An.

“Qua nghiên cứu hồ sơ và thu thập, đánh giá chứng cứ, ngoài việc xác định Cty Toàn Thắng và OceanBank đã vi phạm quy định của các hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng tín dụng và vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật có liên quan, không đáp ứng điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh và có đầy đủ cơ sở để NHPT từ chối thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh” - văn bản nêu.

Được biết, ngày 14/10/2019, TAND tỉnh Nghệ An dự định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thế nhưng phiên tòa tiếp tục được tạm hoãn. Như vậy, đến nay khoản tiền hàng chục tỷ đồng mà OceanBank đã giải ngân cho Cty Toàn Thắng vẫn chưa tìm ra người phải chịu trách nhiệm?

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ