Doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, năm 2011, Công ty Cổ phần Bao bì Toàn Thắng (Cty Toàn Thắng) khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất đồ đựng, bao bì tự hủy thân thiện với môi trường (nhà máy bao bì) trên diện tích đất 2,7ha tại Khu công nghiệp Nam Cấm – Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An.
Ngày 12/8/2012, Cty Toàn Thắng ra Quyết định số 63/QĐ-HĐQT về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì thân thiện môi trường, tổng mức đầu tư gần 86 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của công ty 19 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng hơn 63.9 tỷ đồng và nguồn vốn khác là trên 3 tỷ đồng.
Số tiền hơn 63,9 tỷ đồng được Cty Toàn Thắng vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương - nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (gọi tắt là OceanBank) theo hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số 0004/2011/HĐTD-OCEANBANK01 ngày 12/11/2011 và một số phụ lục hợp đồng tín dụng đã được ký kết.
Số tiền 63,9 tỷ đồng mà Cty Toàn Thắng vay của OceanBank được Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Sở Giao dịch I (gọi tắt là VDB - Sở GD I) bảo lãnh bằng Chứng thư bảo lãnh số 03/NHPT.SGDI-CTBL (NHPT-BL-No:000038605-CT) ngày 31/3/2011 và một số chứng thư bảo lãnh sửa đổi khác của Sở Giao dịch I - NHPT Việt Nam.
Theo ký kết, OceanBank chi nhánh Vinh đã 16 lần giải ngân cho Cty Toàn Thắng từ ngày 17/5/2011- 5/3/2014, với số tiền hơn 45,3 tỷ đồng, tương ứng 71% tổng vốn vay.
Mặc dù đã được "rót" vào nhiều chục tỷ đồng, nhưng đến nay bên trong khuôn viên nhà máy bao bì vẫn "đắp chiếu", cỏ mọc um tùm. |
Trong thời gian này, một số lãnh đạo OceanBank vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng nên Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông báo số 71/TB-NHNN.m và Công văn số 111/NHNN.m, Quyết định số 68/QĐ-NHNN.m về việc kiểm soát đặc biệt.
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng OceanBank chuyển thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, do Ngân hàng Nhà nước làm chủ sở hữu.
Thực hiện Thông báo số 71/TB-NHNN.m và Công văn số 111/NHNN.m; căn cứ Chỉ thị số 557/2015/CT-TGĐ ngày 10/2/2015 của Phó Tổng Giám đốc phụ trách OceanBank về việc “tạm ngừng mọi hình thức cấp tín dụng của OceanBank ”.
Do vậy, ngày 11/2/2015, OceanBank chi nhánh Vinh có Văn bản số 114/2015/CV-OJB VINH gửi Cty Toàn Thắng và Sở Giao dịch I – VDB với nội dung: “OceanBank không còn khả năng cấp tín dụng cho dự án và đề nghị Cty Toàn Thắng tìm nguồn vốn khác đầu tư dự án, đồng thời tiến hành việc thu hồi nợ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”.
Từ khi bị OceanBank từ chối cung cấp tín dụng theo các hợp đồng đã ký kết, Cty Toàn Thắng đã dừng mọi hoạt động xây dựng nhà máy cho đến nay.
Máy móc thiết bị trong nhà máy vẫn chưa được "cởi áo" để hoạt động. |
Theo ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, hiện tại trong khuôn viên của nhà máy bao bì, nhiều công trình đã được Cty Toàn Thắng xây dựng hiện đang trong tình trạng xuống cấp, gồm: Một nhà điều hành 2 tầng; Một nhà xưởng diện tích hàng nghìn mét vuông đều bỏ không và một nhà kho rộng hàng nghìn mét vuông khác đang được cho thuê… Các công trình phụ trợ tan hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải chịu trách nhiệm với khoản vay của Cty Toàn Thắng(?)
Do không có khả năng trả nợ, nên OceanBank đã kiện Cty Toàn Thắng ra TAND huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Vụ án đã được Tòa án thụ lý giải quyết và đưa ra xét xử sơ thẩm trong các ngày 12,13,14,17 và 18/4/2017.
Tại Bản án số 06/2017/KDTM-ST ngày 18/4/2017, TAND huyện Nghi Lộc đã đưa ra phán quyết, buộc Cty Toàn Thắng phải trả cho OceanBank tổng số tiền 56.315.517.809 đồng, trong đó: nợ gốc 45.330.111.441 đồng; nợ lãi theo hợp đồng 9.598.406.367 đồng; nợ lãi chậm thanh toán 1.387 triệu đồng. Đồng thời còn phải tiếp tục chịu khoản lãi đối với khoản nợ gốc kể từ sau ngày tuyên án sơ thẩm cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
Trường hợp Cty Toàn Thắng không trả được hoặc trả không đầy đủ số nợ trên thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Cty Toàn Thắng.
Tài sản thế chấp của Cty Toàn Thắng giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam quản lý để làm nghĩa vụ bảo lãnh.
Do không đồng tình với phán quyết nêu trên của TAND huyện Nghi Lộc nên Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có đơn kháng cáo và được TAND tỉnh Nghệ An thụ lý từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, đến nay đã 4 lần thay đổi thẩm phán mà vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử phiên phúc thẩm?.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.