Liên quan đến đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc (TGĐ) OceanBank bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án Tử hình vào hồi tháng 9/2017 về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Tại phần tranh luận mới đây, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc giải thích, nếu bị cáo Sơn khắc phục được 3/4 tài sản tham ô thì có thể được xem xét giảm án tù tử hình xuống tù chung thân và sau đó có thể giảm về mức án tù có thời hạn nếu cải tạo tốt...
Ở phiên xét xử phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm vào hôm qua 2/5, một thông tin bất ngờ được đưa ra là một doanh nhân (bạn của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) sẵn sàng bỏ ra 32 tỷ đồng để “cứu” bị cáo này khỏi án tử hình, nếu vẫn bị kết án về tội “Tham ô tài sản”.
Theo đó, con số này được lượng hóa từ 20% của 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua Nguyễn Xuân Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Luật sư Trần Vũ Hải – luật sư của Nguyễn Xuân Sơn cho biết, gia đình Nguyễn Xuân Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn của Nguyễn Xuân Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng. Với 2 khoản tiền này thì vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết ở tội “Tham ô tài sản”.
Doanh nhân chi 32 tỷ cứu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là ai?
Được biết, doanh nhân giúp Nguyễn Xuân Sơn là bạn thân - ông Nguyễn Trung Hà, sinh năm 1962, hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực như tài chính, công nghệ - truyền thông, bất động sản…
Ông Hà là thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt. Ông cũng góp vốn và tham gia vào Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - truyền thông như CTCP Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy M&E), CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), Công ty quảng cáo Goldsun Media, Công ty Công nghệ Tinh Vân…Ông là thành viên sáng lập FPT, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng ACB từ 1994 đến 1997.
Năm 1998, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng khi thành lập Công ty Bất động sản Togi. Đến năm 2007, ông Hà tham gia thành lập và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Hiện, ông Hà là Chủ tịch HĐQT của Công ty Bất động sản Togi..
Được bạn thân chi 32 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn có thoát án tử?
Về trường hợp của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” nhưng chưa thi hành án mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án và Chánh án TAND Tối cao sẽ quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Quy định về thi hành án tử hình có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham ô, hối lộ.
Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Do vậy, quy định tại Điều 40 - BLHS nhằm khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải và có các biện pháp giúp Nhà nước thu hồi được tài sản một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, theo luật sư Thu, cần phải hiểu rằng việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ để không phải thi hành án tử hình không đồng nghĩa với việc 1/4 tài sản còn lại sẽ không bị thu hồi. Và việc người bị kết án tử hình mà sau đó nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để được xem xét không phải thi hành án tử hình.
Theo nhìn nhận của một luận sư khác thì từ đầu phiên tòa sơ thẩm đến nay, cựu Tổng giám đốc Oceanbank luôn kêu oan (không nhận tội) đối với tội “Tham ô tài sản” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn…”. Giả sử có đủ cơ sở để quy kết 2 tội danh này thì việc kêu oan của bị cáo có thể bị coi là không thành khẩn. Khi quyết định hình phạt, yếu tố ý thức và nhận thức về hành vi phạm tội của bị cáo cũng rất quan trọng.
Trường hợp đã khắc phục hết hậu quả nhưng tòa án nhận thấy người phạm tội không còn khả năng giáo dục, cải tạo hoặc ngoài hậu quả vật chất còn gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn đối với xã hội thì vẫn cần thiết phải loại bỏ người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.