Nhiều trường đại học rút khỏi bảng xếp hạng thế giới

GD&TĐ - Sau thông tin hai trường luật thuộc ĐH Harvard và Yale rút khỏi bảng xếp hạng của US News, nhiều trường đại học khác cũng có động thái tương tự.

Trường Luật thuộc ĐH California tại Berkeley tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng của US News.
Trường Luật thuộc ĐH California tại Berkeley tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng của US News.

Điều này ảnh hưởng đến uy tín của bảng xếp hạng.

Tuần trước, hai trường luật thuộc ĐH Harvard và Yale tuyên bố rút khỏi bảng xếp hạng trường luật năm 2023 do tổ chức giáo dục US News bình chọn thường niên.

Hiệu trưởng Trường Luật, ĐH Yale, Heather K. Gerken, cho biết, bảng xếp hạng của US News chỉ “vì lợi nhuận, thương mại và là thiếu sót sâu sắc”.

Theo bà Gerken, bảng xếp hạng tập trung quá nhiều vào điểm số, điểm kiểm tra; đồng thời, không chú trọng việc tuyển sinh sinh viên có thu nhập thấp và hỗ trợ những người muốn theo đuổi lĩnh vực dịch vụ công. Các số liệu cũng làm giảm giá trị của sinh viên muốn theo đuổi bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Còn GS John Manning, Hiệu trưởng Trường Luật thuộc ĐH Harvard, cho biết: “Các nguyên tắc, cam kết của chúng tôi không thể dung hòa với phương pháp luận và cách xếp hạng của US News”.

Sau thông tin này, nhiều trường luật nổi tiếng khác tại Mỹ như trường luật thuộc ĐH Columbia, Georgetown và đầu tuần này là trường luật thuộc ĐH California tại Berkeley và ĐH Stanford rút khỏi bảng xếp hạng.

Nhiều trường luật khác như trường luật thuộc ĐH California tại Los Angeles, ĐH California tại Davis... cũng đang thảo luận về việc rời khỏi bảng xếp hạng.

Hiệu trưởng Trường Luật thuộc ĐH California tại Berkeley, Erwin Chemerinsky, cho biết: “Việc bình chọn các trường đại học là chuyện không thể tránh khỏi nhưng những khía cạnh trong bảng xếp hạng US News hoàn toàn không phù hợp với các giá trị và sứ mệnh của chúng tôi.

Bây giờ là thời điểm để các trường luật tỏ rõ thái độ với US News rằng bảng xếp hạng không phù hợp với giáo dục pháp luật”.

Tuy nhiên, ông Chemerinsky cho rằng, bảng xếp hạng của US News vẫn mang lại một ý nghĩa hoặc giá trị nhất định, dù có hay không sự tham gia của Berkeley.

Đồng tình với quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Luật thuộc ĐH Stanford, Jenny Martinez, bày tỏ lo ngại rằng phương pháp luận của US News đang “bóp méo các đặc điểm của giáo dục pháp luật nói chung”.

“Bằng cách tham gia cùng các trường khác rút khỏi bảng xếp hạng của US News năm nay, chúng tôi hy vọng có thể cải thiện phương pháp luận bình chọn và cung cấp thông tin rõ ràng, phù hợp hơn”, bà Jenny Martinez chia sẻ.

Theo các trường luật, US News không thể hiện được chi tiết những số liệu, thông tin và ý nghĩa của các thông tin đó về các trường trong bảng xếp hạng. Đồng thời, khi bình chọn, tổ chức này không xét đến những khía cạnh quan trọng của giáo dục pháp luật như dịch vụ luật công, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Đây đều là những điểm mà các trường hướng tới xây dựng và củng cố.

Ngoài vấn đề thông tin và chất lượng bình chọn, một số trường luật rút khỏi bảng xếp hạng vì rủi ro do quyết định của Harvard và Yale. Các trường nằm trong bảng xếp hạng có thể bị đánh giá không phải bởi thứ hạng mà bởi nhóm các trường rút khỏi bảng xếp hạng. Điều này cũng đặt ra cho công chúng về mức độ uy tín của bảng xếp hạng nói chung và các trường còn nằm trong danh sách nói riêng.

Trong nhiều thập kỷ, các cơ sở giáo dục đại học Mỹ đã chỉ trích hệ thống xếp hạng của US News. Họ cho rằng, bảng xếp hạng không đáng tin cậy, làm sai lệch mục tiêu giáo dục của trường. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn gửi dữ liệu đánh giá thường niên về cho US News.

Theo LA Times, The Hill

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.