Cha mẹ ly hôn, bất hòa - con cô đơn, chán nản
Bùi Thị Kh. đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Bố nát rượu, ròng rã 10 năm trời đánh đập mẹ em, bán sạch những gì có thể bán trong nhà để có tiền nhậu nhẹt. Mẹ Kh. đành phải chấp nhận ly hôn để cứu lấy đời mình. Nhưng, vì kinh tế khó khăn, mẹ đã mang Kh. đến nhờ ông bà ngoại cưu mang giúp. Ông bà mải làm, không có nhiều thời gian chăm sóc Kh. Cô học hành rất tệ. Rồi, mẹ đi bước nữa. Mẹ đón Kh. về ở cùng. Đâu ngờ, bố dượng cũng lại là người nghiện rượu. Kh. như cái gai trong mắt ông.
Vì không phải con đẻ, Kh. luôn bị ông chửi rủa, lăng mạ, xúc phạm. Chán nản, không người chia sẻ, cảm giác cô đơn, học dốt… Kh. quyết định bỏ học, lấy trộm tiền, bỏ nhà đi lang thang lên thị trấn, vùi đầu vào các quán net, đắm mình vào thế giới ảo để quên đi thực tại…
Khi trong túi không còn một đồng nào, Kh. đã nghe lời dụ dỗ và đồng ý gặp mặt một kẻ “cứu net” - ở ngay cùng thị trấn. Chỉ sau một lần gặp, người đó đã thuyết phục được Kh. theo anh ta vượt biên sang Trung Quốc. Từ đây, Kh. bắt đầu những chuỗi ngày tủi cực, bị giam cầm, bị hành hạ, thương tích đầy mình bởi Tú ông, Tú bà và đủ hạng đàn ông nhơ nhớp từ tuổi choai choai đến những gã trung niên - đầu hai thứ tóc, đáng tuổi cha, chú rồi cả những lão già đầu bạc bằng ông nội, ông ngoại em…
Chỉ sau một lần gặp "cứu net" - cô gái trẻ đã bị lừa vượt biên sang Trung Quốc rồi bị bán vào động mại dâm.
Em Trần Thị Th. là con thứ hai trong một gia đình nông dân, có hai chị em gái. Nhà nghèo, bố mẹ hay lục đục, đánh chửi nhau nên Th. hay chán nản, không thiết học hành. Hết lớp 9, Th. bỏ học. Có một người đàn ông tên là Vũ Ánh biết được số điện thoại của gia đình Th. Anh ta gọi đến, tự giới thiệu là bạn của bạn Th. và xin được làm quen.
Sau một tháng, Vũ Ánh rủ Th. ra thành phố đi làm đúng vào thời điểm bố mẹ vừa đánh chửi nhau, không khí gia đình rất nặng nề. Th. rất chán. Không nói cho bố mẹ biết, Th. đã hẹn gặp Vũ Ánh ở bến xe. Sau đó, Vũ Ánh đã đưa cô ra biên giới, sang Trung Quốc rồi đưa vào động mại dâm ngay trong đêm.
Làm ở mỗi nơi được chừng 3 tháng, chủ chứa lại chuyển Th. sang nơi làm mới. Mỗi ngày, Th. bị người ta ép tiếp khách từ 13-15 người. Trong một lần, bạn cùng làm với Th. đứng ở trên tầng cao nhìn xuống, thấy có người qua lại. Cô đã gào thật to để kêu cứu. Sau lần ấy, Th. cùng cả nhóm được đưa trở lại Việt Nam. Nhưng, chỉ không lâu sau, người ta đã lại thấy Th. sang bên ấy hành nghề rồi lại bị bắt thêm lần nữa…
Tâm sự của một cô gái trẻ có bố mẹ ly hôn và từng bị lừa bán
Với Giàng Thị H, mẹ cô đã có đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Khi H. 14 tuổi, bố mẹ bỏ nhau. Để tìm kế sinh nhai, H. đã phải theo mẹ và các chị em di cư từ Tây Bắc vào Đắk Lắk. 17 tuổi, cô làm vợ người đàn ông ở cùng xã. Gần 30 tuổi, H. đã có tới 4 mặt con vì chồng thường xuyên rượu chè, đánh đập và hãm hiếp vợ. Thấy H. tủi cực, có một gã đàn ông gần nhà đã tìm đến, tỉ tê hỏi chuyện rồi hứa sẽ giúp H. thoát khỏi cuộc sống cực khổ. H. đồng ý theo ông ta trở lại thành phố vùng biên ven Tây Bắc với niềm tin sẽ kiếm được việc làm tử tế, có nhiều tiền.
Tháng 9/2011, H. được công an Trung Quốc phát hiện ra khi cô bị người ta đánh đập dã man đến mức bị bỏ mặc ở xó đường bên Hà Khẩu. Khi H. được đưa trở lại Việt Nam, người đàn ông kia lại tìm đến, cho cô 2 triệu đồng và hứa lần này sẽ cẩn thận hơn, sẽ tìm cho cô một người chồng khác, tử tế, tốt bụng hơn. H. đã lại đồng ý, theo ông ta sang Trung Quốc lần thứ 2…
Cả 3 cô gái trên đều từng là những nạn nhân từ bên kia biên giới trở về nhiều lần, sau đó thì cũng “chấp nhận” sự hỗ trợ từ ngôi nhà tạm lánh dành cho nạn nhân bị buôn bán ở Hà Nội.
"Ngày trở về" của các em không phải lúc nào cũng suôn sẻ và được chào đón.
Phải chăng, với rất nhiều những thân phận, mỗi người với một hoàn cảnh khác nhau với các lý do ra đi là khác nhau. Khi họ được công an bên phía bạn phát hiện và giải cứu, đưa trở lại Việt Nam. Sẽ có những người trong số ấy cảm thấy vui mừng vì được thoát khỏi cuộc sống địa ngục.
Nhưng, đau đớn hơn, vẫn còn đó những cô gái trẻ, những phụ nữ tiếp tục “chủ động” tìm cách ra đi. Có thể với họ, thà chấp nhận cuộc sống “muôn phần tủi cực” ở bên kia chứ không trở về gia đình, vì họ biết nếu về sẽ phải đối mặt với biết bao khó khăn, kỳ thị và gia đình thì không thực sự là tổ ấm?
Nhiều em gái từng bị lừa bán rất mong muốn được yên ổn, yêu thương, được học nghề và làm lại cuộc đời.