Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 12 hồ sơ của các cơ quan, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội (không có hồ sơ người tự ứng cử), so với số lượng đã được biểu quyết tại hội nghị hiệp thương lần 1 thì giảm bớt 1 người (do từ chối ứng cử). Trong 12 hồ sơ giới thiệu ứng cử đều có số phiếu tín nhiệm cử tri đạt 100%, không có trường hợp nào yêu cầu xác minh đối với người ứng cử.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị |
Tại Hội nghị hiệp thương lần 2 đã biểu quyết đồng ý lập danh sách sơ bộ 12 ứng cử viên và tiến hành lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú của những người ứng cử đại biểu Quốc hội từ ngày 24 đến 27/3.
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, Đồng Tháp có 3 đơn vị bầu cử và số đại biểu Quốc hội được bầu là 8 (có 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu).
Trong Hội nghị hiệp thương lần 2, Vĩnh Long thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 16 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; trong đó có 15 người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu và 1 người tự ứng cử.
Hội nghị đã thông qua tiểu sử (trích ngang) của các ứng cử viên; ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác của 15 đại biểu do cơ quan, đơn vị giới thiệu ra ứng cử; riêng đại biểu tự ứng cử đã nghỉ hưu nên theo luật định, sẽ lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú.
Trong số 16 đại biểu có 2 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, 2 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu tự ứng cử, 11 đại biểu trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa xã hội và tổ chức đoàn thể; có 8 đại biểu là nữ; 1 đại biểu tái cử. Đại biểu trẻ nhất sinh năm 1984 và đại biểu lớn tuổi nhất sinh năm 1951 (đại biểu tự ứng cử). Có 15/16 đại biểu ứng cử có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ, chỉ có 1 đại biểu (tự ứng cử) có trình độ tú tài phổ thông.
Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Vĩnh Long được phân bổ 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu.
Trên cơ sở hiệp thương lần 1, sau khi xem xét kiểm tra hồ sơ và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người giới thiệu ra ứng cử cũng như nguyện vọng của một số ứng cử viên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ và các đại biểu dự hội nghị đã thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Phú Thọ là 14 người (trong đó, Trung ương giới thiệu 3 người; tỉnh giới thiệu 11 người).
Tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đều được thực hiện trang trọng, công khai, dân chủ và bình đẳng theo đúng trình tự của pháp luật.
Các ý kiến nhận xét đối với từng ứng cử viên đã tập trung đánh giá, nhận xét về phẩm chất, đạo đức, trình độ năng lực, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần phấn đấu rèn luyện trong học tập và trong công tác.... Qua đó, người được giới thiệu phải có năng lực và điều kiện để thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến và tín nhiệm.
Tại Hội nghị hiệp thương, có ý kiến cho rằng trong 12 người được giới thiệu ứng cử đều có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu, năng lực công tác... nhưng nhìn chung vẫn có một số ứng cử viên chưa đủ tầm và năng lực để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ người ngoài Đảng quá ít (1/12)... đề nghị trong quá trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú cần làm thật kỹ để hội nghị hiệp thương lần 3 đạt kết quả tốt.
Nguyên Phương