Nhiều tiêu chí lạ trong đấu thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp

GD&TĐ - Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị có giá trị lớn do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà ký "cài" nhiều tiêu chí lạ.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp. Ảnh: Phóng viên.
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp. Ảnh: Phóng viên.

Dấu hiệu hạn chế cạnh tranh bình đẳng

Quyết định 103/QĐ-SGDĐT ngày 30.11.2022 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 03: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, có giá trị hơn 36 tỉ đồng do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà ký.

Thông báo mời thầu của gói thầu này "cài" nhiều tiêu chí lạ có dấu hiệu trái quy định.

Ví dụ như việc yêu cầu phải có nhân sự chủ chốt có trình độ chuyên môn từ Đại học chuyên ngành kỹ thuật Điện, Điện tử; Cơ khí; Công nghệ thông tin (đã thực hiện ít nhất một gói thầu tương tự có xác nhận của chủ đầu tư; có tên trong biên bản nghiệm thu hoặc tài liệu khác để chứng minh) với tổng số năm kinh nghiệm là 5 năm… chỉ để mua các sản phẩm thông dụng: Quạt điện, nồi cơm điện, quả bóng, bếp điện, máy tính, đất nặn…

Yêu cầu này có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh bình đẳng nếu căn cứ theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định “Đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự chủ chốt… Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Hoặc như Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định: “Trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, trong E-HSMT không được yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”.

Tuy nhiên, chủ đầu tư lại yêu cầu “đối với máy vi tính phải có đủ tài liệu, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh sản phẩm đạt chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, tiêu chuẩn ISO 17025:2017, tiêu chuẩn QCVN 118:2018 còn hiệu lực đến ngày đóng thầu”.

Được biết, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH TMDV Sao Việt có địa chỉ tại số 63 đường Trần Anh Tông, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Người đại diện pháp luật là Hồ Minh Phương, ngành nghề chính của Công ty là Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm.

Nhiều thiết bị chênh lệch giá cao so với thị trường

Theo tài liệu phóng viên có được, nhiều hạng mục tại gói thầu chênh với giá được công khai ngoài thị trường.

Cụ thể, tại hạng mục 7, đơn vị mua 690 kính hiển vi, ký mã hiệu DMK483, xuất xứ Trung Quốc, chủ đầu tư mua với giá là 2.875.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thiết bị khoa học và Vật tư quốc tế - STC bán sản phẩm tương tự với giá chỉ 2.000.000/cái. Như vậy, so với giá của đơn vị này, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã mua sản phẩm kính hiển vi cao hơn 875 nghìn/chiếc (tương đương khoản tổng chênh lệch riêng mặt hàng này khoảng 603.750.000 đồng)

Tương tự, tại danh mục 163, mua đàn phím điện tử (Key board), mã hiệu Casio CT-X700, xuất xứ Trung Quốc, chủ đầu tư mua 91 bộ với giá là 6.500.000/bộ. Thế nhưng, Công ty TNHH Thiết bị Văn phòng - Trường học Trung Nguyên bán sản phẩm đàn Organ Casio CT-X700 (có cấu hình tương tự) phụ kiện chính hãng, vận chuyển giao hàng miễn phí… với giá 4.409.000đ.

Không chỉ trong gói thầu số 03, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp còn ký 8 gói thầu mua sắm đầu tư công, có tổng trị giá khoảng gần 127 tỉ đồng. Điều đáng nói là, nhiều hạng mục trong các gói thầu này có dấu hiệu nâng giá bất thường.

Cụ thể, ngày 16.12.2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp ký quyết định số 115/QĐ-SGDĐT phê duyệt gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2. Giá trúng thầu là hơn 27 tỉ, nguồn vốn của xổ số kiến thiết, thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày.

Tại danh mục 50 gói thầu này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp mua 253 mô hình hệ cơ, mã ký hiệu là M192, xuất xứ Trung Quốc với giá 6.300.000đ/bộ.

Tuy nhiên, cùng sản phẩm trên nhưng Công ty TNHH Kỹ thuật AKITECH chỉ bán với giá 4.300.000đ/bộ. Như vậy, so với đơn vị AKITECH, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp mua chênh lên khoảng 2 triệu đồng/sản phẩm (tương đương tổng chênh lệch khoảng 506.000.000 Việt Nam đồng).

Được biết đơn vị trúng gói thầu này là Công ty TNHH Tuyết Nga.

Trao đổi với Lao Động về xử phạt trong hoạt động đấu thầu, Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, trường hợp phát hiện bên mời thầu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu có thể bị xử lý hành chính theo Điều 37 quy định về vi phạm các điều cấm trong đấu thầu tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Nếu mức độ vi phạm đủ các yếu tố cấu thành, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 222 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ