Nhiều thách thức phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong các cơ sở giáo dục Đại học.

Nhóm nghiên cứu là tế bào của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN
Nhóm nghiên cứu là tế bào của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN

Nhóm nghiên cứu có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong các cơ sở giáo dục ĐH. Mặc dù đã được quan tâm và có nhiều chuyển biến những năm gần đây, nhưng vẫn còn không ít thách thức với việc phát triển các nhóm nghiên cứu cần giải pháp tầm vĩ mô.

Quan tâm đẩy mạnh nhóm nghiên cứu

Từ năm 2018, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) đã thành lập các trung tâm nghiên cứu xuất sắc và Hội đồng thẩm định đạo đức trong lĩnh vực y học. Theo đó, có 5 trung tâm nghiên cứu xuất sắc về: Y học hành vi; y học thực chứng; trí tuệ nhân tạo trong y học; dịch vụ và hệ thống y tế; kinh tế và quản lý dược.

Ông Bạch Long Giang cho rằng, hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh cần được đánh giá định kỳ với những kết quả cụ thể, như: Tạo ra những nghiên cứu có chất lượng; được khẳng định bằng số lượng công trình khoa học, đặc biệt là số bài báo quốc tế ISI/SCOPUS; các phát minh, sáng chế, thể hiện khả năng ứng dụng thực tiễn, chuyển giao công nghệ cho xã hội. Từ đó, mang lại uy tín, thương hiệu cho nhà trường, thu hút được các học viên giỏi của các chương trình đào tạo sau ĐH, thực tập sinh sau tiến sỹ đến làm việc.

PGS.TS Bạch Long Giang - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường ĐH đầu tiên của Việt Nam thành lập trung tâm nghiên cứu liên ngành có sự tham gia chủ trì của các giáo sư uy tín hàng đầu thế giới. 5 trung tâm chính là tiền đề, viên gạch đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của 10 - 20 trung tâm trong tương lai. Qua đó, tạo nên hệ sinh thái nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, nâng cao vị thế của nhà trường.

Giai đoạn 2010 - 2019, Trường ĐH Đồng Tháp chưa thành lập các nhóm nghiên cứu. Giai đoạn này, các nhóm nghiên cứu của nhà trường được hình thành dựa trên sự tự giác của giảng viên, người học để hoàn thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.

Từ năm 2020, Trường ĐH Đồng Tháp đã thành lập 10 nhóm nghiên cứu trọng điểm về lĩnh vực khoa học tự nhiên với 83 lượt thành viên trong, ngoài trường tham gia và đang chuẩn bị thành lập nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục. Đến nay, theo TS Phan Trọng Nam - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ - Trường ĐH Đồng Tháp việc hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu đã tác động tích cực đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trường ĐHQG Hà Nội), nhóm nghiên cứu là tế bào của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH có ý nghĩa quan trọng then chốt trong việc nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo của nhà trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhóm nghiên cứu, việc khuyến khích và tạo điều kiện để hình thành, phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH những năm gần đây được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Điều này được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức minh chứng bằng kết quả khảo sát cách đây một số năm với 216 giảng viên (tiến sĩ 42,1%, TSKH 2,3%, PGS 9,7%, GS 4,6%) ở 40 trường ĐH, viện nghiên cứu trên cả nước.

Kết quả, 127/216 (58,8% giảng viên) khẳng định đang tham gia nhóm nghiên cứu. Các công bố quốc tế của Việt Nam cũng tăng mạnh trong những năm qua. Sự gia tăng các công bố quốc tế tỷ lệ thuận với gia tăng các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH Việt Nam…

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Đồng Tháp trao đổi với TS Sumit Chandok, Viện Công nghệ và Kỹ thuật Thapar, Ấn Độ. Ảnh: NTCC

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Đồng Tháp trao đổi với TS Sumit Chandok, Viện Công nghệ và Kỹ thuật Thapar, Ấn Độ. Ảnh: NTCC

Cần sớm xây dựng chính sách

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế chủ yếu của các nhóm nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam. Theo đó, số lượng các công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu còn khá khiêm tốn. Còn thiếu cán bộ đầu ngành dẫn dắt nhóm nghiên cứu.

Nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế, kinh phí cho các đề tài còn khiêm tốn và thường bị cấp chậm. Cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc thiếu, hoặc không đồng bộ. Chưa có cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH; nếu có hỗ trợ thì cũng là mức kinh phí rất nhỏ.

Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết xuất phát từ chủ quan của cán bộ, giảng viên, chưa ý thức được đầy đủ việc gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu; chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm việc, rèn luyện, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn thông qua nhóm nghiên cứu. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ, khuyến khích của đơn vị đào tạo cho các nhóm nghiên cứu hoặc chưa có, hoặc chưa cụ thể, hoặc chưa đáng kể.

Nguyên nhân đặc biệt quan trọng là sự hội nhập quốc tế trong các nghiên cứu của các nhà khoa học và mức độ quốc tế hóa trong các hoạt động của nhiều trường ĐH Việt Nam còn chưa cao. Để khắc phục tồn tại, hạn chế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH.

“Thực tế cho thấy, các nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Ví dụ, nhóm nghiên cứu về Khoa học tự nhiên và Công nghệ - Kỹ thuật, bên cạnh nguồn lực về con người, tài liệu nghiên cứu, thì các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng. Các nhóm nghiên cứu cũng có quy mô, trình độ và thành tích nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu, uy tín và khả năng kết nối, hợp tác trong ngoài nước khác nhau. Vì vậy, các chính sách cũng cần ban hành phù hợp với từng đối tượng để bảo đảm đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng và đem lại hiệu quả cao nhất.

Chúng tôi đề xuất có thể xây dựng các tiêu chí để phân biệt các nhóm nghiên cứu thành 3 loại cơ bản: Nhóm nghiên cứu cấp cơ sở giáo dục ĐH, nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia, nhóm nghiên cứu quốc tế để có cơ chế, chính sách đầu tư và yêu cầu về chuẩn đầu ra phù hợp”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất.

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, chia sẻ của TS Phan Trọng Nam, qua so sánh với các tiêu chí, tiêu chuẩn của nhóm nghiên cứu mạnh được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các nhóm nghiên cứu của nhà trường chưa đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí, tiêu chuẩn của nhóm nghiên cứu mạnh. Đặc biệt các tiêu chuẩn về đào tạo, hướng dẫn tiến sĩ. Thực tế khó khăn này không chỉ diễn ra ở Trường ĐH Đồng Tháp mà còn ở các các trường ĐH có truyền thống và điều kiện tương tự.

“Để các nhóm nghiên cứu trọng điểm của Trường ĐH Đồng Tháp nói riêng, nhóm nghiên cứu của các cơ sở giáo dục ĐH nói chung được phát triển thành nhóm nghiên cứu mạnh theo quy định hiện hành, đề xuất Bộ GD&ĐT ban hành các tiêu chí đặc thù dành riêng cho các cơ sở giáo dục ở những vùng khó khăn”, TS Phan Trọng Nam đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.