Khoảng trống về chính sách
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội), các nhóm nghiên cứu được hình thành với vai trò là xương sống của các hoạt động KH&CN và hoạt động đào tạo trong các trường đại học nhưng hiện chưa có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ và giải pháp quyết liệt của cả Nhà nước và đơn vị đào tạo sở tại để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các NNC.
Chính khoảng trống về chính sách và giải pháp đã góp phần dẫn đến những hạn chế của các NNC trong trường đại học hiện nay như số NNC còn thấp - tính đến năm học 2016 - 2017, mới có 142/271 trường hình thành được 945 NNC, trong đó riêng ĐH Bách khoa Hà Nội có 129 NNC, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT. Số công bố quốc tế của các NNC cũng khá khiêm tốn: Có 37,5% số giảng viên được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus; số giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ chiếm 34,2% - khảo sát của nhóm GS Đức cho biết.
Trong nghiên cứu khoa học, vai trò của trưởng nhóm được ví như nam châm, điểm tựa, chất keo, bà đỡ, trong hoạt động của nhóm nghiên cứu. Song, thẩm quyền của người đứng đầu NNC đối với việc tuyển dụng nhân sự và tạo dựng những dự án mới thì lại bị hạn chế bởi cách quản lý nặng về hành chính. Phụ cấp trách nhiệm cho trưởng NNC cũng không phải là vấn đề dễ thực hiện.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Hiệu trưởng Đại học Huế, dù muốn, nhưng do các trường thành viên chịu sự quản lý của 2 cấp (của ĐH Huế và của Bộ GD&ĐT) nên “không thể tự tiện trả cho trưởng NNC phụ cấp chức vụ” nếu không qua một quy trình bổ nhiệm đầy phức tạp.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn phát triển NNC mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm làm rõ tiêu chí của NNC mạnh, tiêu chuẩn trưởng nhóm và hai thành viên chủ chốt bên cạnh trưởng nhóm; chế độ ưu đãi; thủ tục công nhận mới, công nhận lại NNC mạnh. Dự thảo hướng dẫn chi tiết đến độ tuổi của trưởng NNC (trong độ tuổi làm quản lý) cùng với hệ số phụ cấp trách nhiệm (0,6 - tương đương hoặc lớn hơn vị trí trưởng khoa). Những thành viên của NNC cũng được quy đổi 120 tiết dạy thành 270 tiết theo định mức và được nghỉ 1 kỳ sau khi giảng dạy 4 kỳ. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các cơ sở đào tạo đại học.
Theo PGS Chu Cẩm Thơ, các giáo sư đứng đầu nhóm nghiên cứu các trường đại học ở các nước châu Âu, châu Mỹ, mức lương và quyền hạn từ vị trí của người đứng đầu rất lớn. Trong nhiệm kỳ của họ, họ phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển lâu dài, từ tuyển nhân sự đến tạo dựng những dự án mới. Thế nhưng, ở Việt Nam, hầu hết việc trả lương không đáp ứng nhu cầu. Trách nhiệm, quyền hạn của trưởng nhóm và các thành viên còn mâu thuẫn, khó thực hiện, khó đo lường.
Thực tế, không ít các nhà khoa học vẫn kiên trì thực hiện các nghiên cứu trong khi không được đầu tư, mặt khác cũng nhiều đầu tư vẫn chưa cho trái ngọt. Sự dấn thân nghiên cứu là yếu tố quyết định thành công.
Ảnh minh họa |
Cần cơ chế hợp tác
GS Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng, sự phát triển của nhóm nghiên cứu hiện nay không chỉ dừng trong phạm vi một đơn vị đào tạo, mà có sự kết nối và mở rộng quy mô, thu hút các thành viên ở các đơn vị đào tạo ĐH khác trong và ngoài nước tham gia.
“Thực tế cho thấy các nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Ví dụ các NNC về KHTN và Công nghệ - Kỹ thuật, thì bên cạnh nguồn lực về con người, tài liệu nghiên cứu, thì các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.
Các nhóm nghiên cứu cũng có quy mô, trình độ và thành tích nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu, uy tín và khả năng kết nối, hợp tác trong và ngoài nước rất khác nhau, vì vậy các chính sách cũng cần phù hợp với từng đối tượng để đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng và đem lại hiệu quả cao nhất...”.
“Chúng tôi đề xuất có thể xây dựng các tiêu chí để phân biệt các NNC thành 3 loại cơ bản: NNC cấp cơ sở giáo dục đại học, NNC mạnh cấp quốc gia và NNC quốc tế để có những cơ chế chính sách đầu tư và yêu cầu về chuẩn đầu ra phù hợp” - GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng, hiện nay các trường ĐH phải tập trung phát triển nghiên cứu. Các trường ĐH không thể đứng một mình mà phải phối hợp với các trường khác, không chỉ phối hợp giữa các trường trong nước mà phối hợp cả với các nhóm nghiên cứu nước ngoài.
“Như phòng thí nghiệm điện tử công suất của trường chúng tôi hiện phối hợp với nhóm nghiên cứu bên Hàn Quốc, riêng học kỳ vừa qua đã có hơn 10 bài báo ISI từ phòng thí nghiệm này. Trong khi đó, hiện đang có tình trạng lãng phí trong đầu tư các phòng thí nghiệm. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm đầu tư vài chục triệu USD sau 3 năm đã bị hư hỏng…” - ông Dũng chia sẻ.