Nhiều tai nạn khi người dân thu hoạch hồ tiêu

GD&TĐ - Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, mấy ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai nạn đa chấn thương do hái hồ tiêu.

Người dân Tây Nguyên thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: TT
Người dân Tây Nguyên thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: TT

Sau Tết Nguyên đán, giá tiêu tăng, nông dân Tây Nguyên phấn khởi thu hoạch, tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trong quá trình này cũng luôn rập rình người dân.

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, mấy ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân tai nạn đa chấn thương do hái hồ tiêu.

Mới đây nhất, ngày 23/2/2024, bà H.T.N. (52 tuổi) ở xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tê buốt hai chân, người yếu, đi lại khó khăn.

Các bác sĩ chẩn đoán, bà N. bị gãy cột sống lưng đốt L1. Theo người nhà kể lại, khi đang đứng trên thang để hái tiêu, bà N. bị trượt chân, ngã xuống đất từ độ cao hơn 3m.

Bà N. kể lại: “Nhiều năm làm hồ tiêu, đây là lần đầu tiên tôi bị tai nạn. Sau khi ngã xuống đất, tôi cảm giác như không thở nổi, phải nằm im bất động khoảng 30 phút mới lết vào nhà và được gia đình gọi xe đưa đi bệnh viện cấp cứu”. Sau 1 tuần được cứu chữa, bà N. đã có thể ngồi, đi lại nhẹ.

Tương tự, chị P.T.L. (39 tuổi) ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông cũng bị gãy đốt sống lưng, phải mổ cấp cứu.

Sau ca mổ cấp cứu hơn 1 tuần, chị L. run run nhớ lại: “Trong lúc đứng ở trên thang để hái tiêu, tôi bị hụt chân rơi từ đỉnh trụ tiêu xuống đất có độ cao khoảng 5m. Khi xuống đất, toàn thân tôi đau buốt. Sau đó, được đưa đến Bệnh viện vùng Tây Nguyên”.

Sau phẫu thuật chị L. phải nằm điều trị dài ngày. Nạn nhân này mong mọi người cẩn thận, chú ý đến an toàn cho bản thân khi leo thang cao hái tiêu.

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, khoa đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân gặp tai nạn thương tích do thu hoạch hồ tiêu.

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng thăm khám cho một bệnh nhân bị thương tích do hái hồ tiêu. Ảnh: TT

Bác sĩ Huỳnh Như Đồng thăm khám cho một bệnh nhân bị thương tích do hái hồ tiêu. Ảnh: TT

Rủi ro đến từ sự chủ quan

Theo bác sĩ Đồng, hầu hết các vụ tai nạn trên do người dân chủ quan khi kê thang không chắc chắn, đứng không vững, khi gặp gió mạnh dẫn đến ngã đổ.

Anh Nguyễn Văn Thuyết (trú tổ dân phố 9, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ, nhiều vườn tiêu ở Đắk Lắk, Đắk Nông được trồng xen, bám vào cây xanh, vươn cao từ 5 đến 7m, thậm chí có trụ cao trên 10m. Trong khi đó, thang thường ngắn hơn trụ, người dân cố với lên hái dẫn đến hụt chân.

Một nguyên nhân được nhiều người chia sẻ, hái tiêu thường rơi vào thời điểm nắng nóng, nhiều người bị hoa mắt, chóng mặt… dẫn đến tai nạn khi trèo cao.

Theo hồ sơ bệnh án, các thương tích thường gặp đối với tai nạn này là gãy đốt sống lưng, tổn thương cột sống, gãy đốt sống cổ, liệt tuỷ, đứt tuỷ, gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não, gãy phối hợp… Đặc biệt, khoảng 30% bệnh nhân bị chấn thương cột sống phải mổ cấp cứu.

Bác sĩ Đồng cho biết thêm, di chứng của gãy cột sống rất nặng. Bị gãy cột sống lưng sẽ liệt 2 chân còn gãy cột sống cổ sẽ liệt tứ chi.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khi bị tai nạn liên quan đến cột sống, bệnh nhân không nên tự đắp lá cây chữa bệnh theo dân gian.

Hãy đến bệnh viện sớm để được chữa trị kịp thời, tránh các di chứng như liệt tứ chi, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Thêm nữa, khi để lại di chứng việc chữa chạy tốn kém về kinh phí nhưng rất khó phục hồi chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.