Báo động trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt

GD&TĐ - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hàng loạt vụ tai nạn thương tích trẻ em thương tâm đã xảy ra khắp cả nước.

Bệnh nhi đứt ngón tay được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi đứt ngón tay được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh cần chú ý đến trẻ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn không mong muốn.

Tai nạn nghiêm trọng

Trường hợp trẻ đứt ngón tay do máy lọc nước phải đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu đã khiến không ít người bàng hoàng. Bố bệnh nhi M.C. (30 tháng tuổi, trú tại Phú Thọ) chia sẻ, trong lúc sinh hoạt, vui chơi, bệnh nhi đã trèo lên máy lọc nước để lấy nước uống thì không may bị trượt chân ngã.

Sau ngã, ngón 2, 3 bàn tay trái của bệnh nhi mắc kẹt vào lỗ cấp nước của máy lọc nước gây nên vết thương đứt ngón 2, 3, chảy nhiều máu. Trẻ được gia đình sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho trẻ, cho biết: “Sau khi tiếp nhận và kiểm tra vết thương bàn tay trái bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất phức tạp. Trẻ lộ xương, khớp đốt 2, 3 ngón 2 và 3 bàn tay trái đứt rời gân gấp. Ngay trong đêm, kíp trực đã quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi”.

Ca phẫu thuật kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ đã cho kết quả tốt. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc mô mềm, khâu nối lại gân gấp sâu, tạo hình ròng rọc pullay, khâu tạo hình phần mềm che phủ da ngón tay và băng đặt nẹp bột cẳng bàn ngón tay cho trẻ.

“Sau mổ, bệnh nhi được sử dụng kháng sinh, chống phù nề, định kỳ thay băng vết thương 3 ngày/lần để đánh giá vết mổ, tập gấp duỗi ngón chủ động và thụ động sớm. Sau hơn 1 tuần điều trị, vết thương khô, đầu ngón tay hồng ấm, sức khỏe trẻ tiến triển tốt và đã được xuất viện. Tuy nhiên, để ngón tay có thể cử động như bình thường, trẻ vẫn cần một quá trình điều trị mang nẹp, thay băng và phục hồi chức năng theo từng giai đoạn”, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng cho biết.

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận trường hợp bệnh nhi T.N.H. (15 tháng tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, suy hô hấp, da tái, viêm phổi nặng… do uống nhầm dầu thắp đèn.

Tại đây, trẻ nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực cao, dùng kháng sinh phổ rộng… Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhi vẫn không thuyên giảm nên các bác sĩ đã chuyển bệnh nhi lên tuyến Trung ương để tiếp tục cấp cứu, điều trị.

Trước đó, vào tháng 11/2023, một bé trai lớp 3 (huyện Yên Lập, Phú Thọ) bị thủng trực tràng do ngồi vào chiếc bút dựng ngược khi chơi đùa cùng các bạn trong lớp học. Bệnh nhi đến viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau vết thương vùng tầng sinh môn, đau bụng vùng hạ vị.

Bệnh nhi được đưa vào viện sau tai nạn 6 giờ trong tình trạng đau tại vết thương vùng tầng sinh môn, đau bụng vùng hạ vị, tỉnh táo, huyết động ổn định. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định chiếc bút đâm vào tầng sinh môn xuyên thủng trực tràng vào trong ổ bụng gây viêm phúc mạc, khả năng còn các tổn thương cơ quan khác trong ổ bụng.

Bệnh nhân được phẫu thuật khâu vết thương 2 mặt trực tràng, xử lý vết thương vùng tầng sinh môn, đồng thời rửa trực tràng trong mổ. Sau đó, phẫu thuật nội soi ổ bụng thấy vết thương đi ra mặt sau bàng quang. Các bác sĩ đã rửa ổ bụng và quyết định không làm hậu môn nhân tạo để dẫn lưu phân mà đặt dẫn lưu qua hậu môn.

Lỗi từ sự chủ quan của người lớn

Chia sẻ về tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, các bé thường hiếu động, thích tò mò. Song, trẻ chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Hằng năm, tại Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích do sinh hoạt với các mức độ khác nhau.

Nhiều trường hợp bị tổn thương nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi. Song, có trường hợp nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân. Thậm chí, có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng.

Do đó, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan sát, đánh giá bao quát môi trường sống của bé. Từ đó, đảm bảo an toàn, chú ý đến tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ như: Dao, đồ thủy tinh.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ gây bỏng như: Phích nước, nồi canh đang sôi, ổ cắm, vật dụng sắc nhọn khác… cần được để xa khu vực chơi, sinh hoạt của trẻ. Bên cạnh đó, khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc của gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần đặt bé trong sự bao quát, quan sát mọi nơi, mọi lúc.

Khi trẻ không may xảy ra tai nạn, cần xử trí băng vết thương cho trẻ và liên lạc ngay với hệ thống cấp cứu của các bệnh viện. Đồng thời, nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Do đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất. Từ đó, giúp trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn.

Trong khi đó, để phòng trường hợp trẻ ngộ độc hoá chất, phụ huynh được khuyến cáo để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của bé. Tốt nhất là nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.

Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn hay các loại chai lọ hóa chất khác.

Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ cho mỗi lần khám. Thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ