Ngày 22/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Trong đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;
Thảo luận về việc này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị cần phải đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình dự án luật, trước khi đề nghị rút ra khỏi chương trình. Bởi dự án luật này đã đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 8, sau đó vì lý do chuẩn bị xin rút ra và chuyển qua kỳ họp thứ 9 và đến giờ phút này lại rút ra thì không biết chuyển vào kỳ họp nào, cũng chưa thấy rõ.
Đại biểu nhận thấy, vấn đề quản lý đất đai thời gian vừa qua có quá nhiều vướng mắc, nhiều yếu kém, trong đó có vấn đề pháp luật về đất đai, mà cụ thể là Luật Đất đai còn quy định chung, chưa rõ ràng, một số vấn đề phát sinh mới về quản lý đất đai chưa được điều chỉnh kịp thời, một số nội dung còn quy định chồng chéo, có nội dung là một vấn đề đã dẫn chiếu quá nhiều điều khoản của luật khác; từ đó dẫn đến việc khó hiểu, khó áp dụng.
“Đây là vấn đề mà tôi đã phản ánh từ nhiệm kỳ trước, Quốc hội, Chính phủ có tiếp thu nhưng chưa đưa ra sửa đổi” – Đại biểu Kim Bé nói và cho rằng, vấn đề về đất đai, quản lý đất đai có tác động rất lớn đến tài sản đất đai của người dân.
Theo đại biểu, thực tế, vấn đề bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện phần lớn xuất phát từ vấn đề liên quan đến đất đai. Theo thống kê của ngành thanh tra thì có khoảng gần 70% khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai.
“Ở đây, ngoài năng lực yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước thì vấn đề về pháp luật chưa rõ ràng đã tác động lớn đến việc thực hiện quản lý lĩnh vực này. Như vậy, sửa Luật Đất đai có thiết thực, có cần thiết, có cấp bách hay không?” – đại biểu Kim Bé nêu ý kiến, đồng thời đề nghị:
Từ những vấn đề trên, Quốc hội xem xét đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2021. Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ có động thái tích cực hơn đối với việc chuẩn bị trình các dự án luật này có trách nhiệm hơn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn TP Cần Thơ) đề nghị bổ sung đưa Luật trên vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021, cụ thể đến giờ này chỉ còn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá để làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập đang phát sinh và để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Theo đại biểu, vấn đề đất đai trong các năm qua và hiện nay luôn được cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị Quốc hội nhiều lần xem xét, sửa đổi, hoàn thiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua và hiện nay có nội dung liên quan đến vấn đề đất đai - chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu Quốc hội, Chính phủ chậm xem xét, sửa đổi, bổ sung thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong thời gian sắp tới.
Tán thành với một số ý kiến liên quan đến chương trình xây dựng dự án Luật Đất đai, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, đến hơn 70%, 80%, thậm chí 90% tranh chấp, xung đột hiện nay trong xã hội là do vấn đề đất đai.
"Doanh nghiệp cũng nguy khốn về đất đai, người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai. Đây chính là luật mà đáp ứng về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo kể cả quốc phòng, an ninh của đất nước. Tôi cho rằng chúng ta còn lúng túng trong việc xác định nội dung chương trình này", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.