Tình trạng yếu Toán chung
Báo cáo, dựa trên số liệu phân tích từ 65 quốc gia được tổng hợp trong kì khảo sát giáo dục quốc tế gần đây nhất (Chương trình Khảo sát học sinh quốc tế - PISA), ước tính khoảng 4,9 triệu học sinh 15 tuổi tại các quốc gia thuộc OECD không đạt chuẩn ở môn Toán.
Với tiêu đề “Học sinh năng lực thấp: Tại sao tụt hậu và làm thế nào giúp trẻ thành công”, báo cáo ghi nhận trong giai đoạn từ 2003 - 2012, chỉ 9 quốc gia giảm số học sinh điểm kém môn Toán gồm: Brazil, Đức, Italy, Mexico, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Andreas Schleicher, chuyên gia giáo dục của OECD, nhận xét: Những quốc gia có kết quả khả quan là do họ có chính sách dài hạn đúng đắn và quyết tâm thực hiện chúng.
Ba Lan, giảm 8% số học sinh kém Toán từ năm 2003, và Đức, có mức giảm 4% học sinh kém Toán, thành công nhờ nỗ lực “đầu tư năng lực giảng dạy và ưu đãi thu hút giáo viên giỏi nhất tới những trường khó khăn nhất” – Schleicher dẫn chứng. Sự cải thiện của Đức cũng nhờ đầu tư xứng đáng cho giáo dục tiền tiểu học.
Khu vực Đông Á – gồm cả các thành phố và lãnh thổ có nền kinh tế phát triển được đưa vào khảo sát của OECD như Thượng Hải, Hồng Kông – năng lực Toán của học sinh không thăng tiến tiếp trong bảng xếp hạng đơn giản bởi đã nắm giữ những vị trí hàng đầu. 10% học sinh thuộc diện khó khăn nhất tại Thượng Hải có khuynh hướng tốt hơn 10% học sinh diện thuận lợi nhất tại Mỹ.
Đi tìm lời giải
Thụy Điển có mức tăng tỉ lệ học sinh đuối Toán cao nhất với mức tăng khoảng 10% từ 2003 - 2012. “Đây là một câu chuyện rất buồn” – Schleicher nói – “Hệ thống trường học đang tư nhân hóa mạnh mẽ nhưng theo một chiều hướng xấu”. Theo Schleicher thì Thụy Điển đã trao quyền tự quyết lớn cho các trường học và cộng đồng địa phương nhưng không có một cơ chế giám sát trung ương. Điều này khiến các chủ trường mới tập trung cạnh tranh những dịch vụ mà không liên quan tới kết quả học tập của học sinh.
Những quốc gia khác có tỉ lệ cao học sinh kém Toán gồm New Zealand và Pháp, nơi số học sinh kém Toán tăng lần lượt là 8% và 6% giai đoạn 2003 - 2012.
Một nghiên cứu thông qua so sánh cách thức GD Toán tại Mỹ và Trung Quốc có thể lí giải một phần nguyên nhân học sinh phương Tây yếu môn Toán. Mỹ có sự khác biệt lớn về quy chuẩn cũng như biện pháp áp đặt trong toàn bộ hệ thống giáo dục so với Trung Quốc. Trung Quốc có tỉ lệ cao hơn giáo viên Toán và Khoa học đúng chuyên ngành so với các đồng nghiệp tại Mỹ.
Các giáo viên chuyên môn Khoa học được triển khai dạy học sinh ngay từ lớp 3 (học sinh 8 tuổi), không giống như tại Mỹ hầu hết giáo viên tiểu học là những “giáo viên tổng hợp” chịu trách nhiệm dạy tất cả các môn. Tại Trung Quốc, Sinh học, Hóa học và Vật lí, cũng như Đại số và Hình học là những môn bắt buộc phải hoàn thành ở bậc trung học phổ thông. Trong khi tại Mỹ, học sinh được phép chọn trong các mức học kiến thức khác nhau và có thể chọn những khóa học sâu hơn nếu có nhu cầu.