Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra với một số vấn đề nổi bật được cử tri quan tâm, đó là đời sống người dân vùng Dự án mỏ sắt Thạch Khê; nguyên nhân và giải pháp một số tuyến đường trên địa bàn TP Hà Tĩnh được quy hoạch từ lâu nhưng ì ạch, chậm tiến độ.
Nhiều nội dung liên quan đến biến động giá cả nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt khi có mưa lớn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; việc xác định giá đất cụ thể của các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc giao đất, cho thuê đất và hoạt động của doanh nghiệp… cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Liên quan đến các vấn đề về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh trả lời: Trong thời gian chờ quyết định việc chấm dứt hay tái khởi động dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 946/QĐ-TTg ngày 21/6/2011 với tổng mức đầu tư 1.677 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương đã cấp 945 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án.
Thời gian tiếp theo, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục khảo sát, rà soát để tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đề xuất chấm dứt dự án; đồng thời, có nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các xã chịu ảnh hưởng. Trong trường hợp sau khi kết thúc, sẽ đề xuất quy hoạch lại các xã nằm trong vùng thực hiện dự án để phát triển dịch vụ, du lịch biển.
Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh). |
Tại Kỳ họp, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà đã trả lời chất vấn về một số tuyến đường trên địa bàn TP Hà Tĩnh được quy hoạch từ lâu nhưng chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng.
Về nội dung này, một số đại biểu cho rằng: Một số tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi của người dân, nhất là các hộ có nhu cầu tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm nhà kiên cố, trách nhiệm và giải pháp của ngành trong thời gian tới.
Tuyến đường Lê Duẩn kéo dài được thi công từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn ì ạch, chậm tiến độ vì vường giải phóng mặt bằng. |
Ông Nguyễn Quốc Hà cũng đã phân tích, làm rõ các nguyên nhân và xác định 4 giải pháp chính gồm: Giải pháp về quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giải pháp về đầu tư, giải pháp về nguồn vốn.
Liên quan đến biến động giá cả nguyên vật liệu xây dựng, theo thống kê của Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022 giá vật liệu xây dựng bình quân trên thị trường có tăng so với năm 2021 do ảnh hưởng của giá xăng dầu và tình hình chính trị thế giới; theo đó mức tăng bình quân của các loại vật liệu chủ yếu như cát, đá, xi măng, sắt thép khoảng 7%.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Sở Xây dựng sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá mới thay thế bộ đơn giá hiện hành tại Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND. Theo đó, sẽ cập nhật tình hình biến động giá vật liệu xây dựng, giá nhân công và chỉ số trượt giá năm 2022 để đảm bảo đơn giá được sát đúng và phù hợp với thị trường để áp dụng cho năm 2023.
Trận mưa lớn tháng 10/2020 cộng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ khiến thành phố Hà Tĩnh ngập trong biển nước. |
Còn về tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn xảy tại TP Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, là do tác động từ 3 nguồn. Ngoài lượng mưa còn bị ảnh hưởng bởi hồ Kẻ Gỗ xả lũ và lượng nước thủy triều ở biển dâng lên. Đồng thời, việc quy hoạch hệ thống thoát nước ở khu vực đô thị cũng chưa đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt trên địa bàn.
Thông tin về giải pháp khắc phục tình trạng trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, cần phải hoàn thiện lại hệ thống thoát nước cho toàn thành phố. Tiếp tục đẩy nhanh dự án vay vốn ADB để làm dự án thoát lũ cho khu đô thị, cải tạo một số hồ điều hòa và xây dựng trạm bơm.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc quản lý hệ thống thoát nước. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai đề án xây dựng hệ thống thoát lũ cho hồ Kẻ Gỗ và vùng phụ cận, nếu hoàn thành sẽ giúp khắc phục được việc ngập lụt cho thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Điện – Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh. |
Về trách nhiệm trong việc xác định giá đất cụ thể chậm trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Điện – Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh lý giải: Xác định giá đất phụ thuộc rất nhiều vào hồ sơ dữ liệu đầu vào dự án trong khi hồ sơ dự án do nhà đầu tư lập, chất lượng, độ tin cậy không cao; cơ quan thẩm định việc chấp thuận chủ trương đầu tư chưa rà soát, thẩm định kỹ các yếu tố đầu vào, chưa cân nhắc rà soát kỹ các thông tin liên quan…
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân và thẳng thắn nhìn nhận rõ trách nhiệm, Giám đốc Sở TN&MT đã đề cập tới các giải pháp như: Tiếp tục ban hành các văn bản nhằm chấn chỉnh tồn tại trong xác định giá đất cụ thể các dự án. Đối với nhóm các dự án đã được hội đồng thẩm định giá đất thông qua, Sở TN&MT hoàn chỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết định; đối với nhóm dự án mới, quá trình thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư có sử dụng đất, xem xét lấy ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định giá đất tỉnh để thống nhất thông tin.
Về việc ban hành quy định chi tiết các chỉ tiêu xác định giá đất phục vụ công tác thẩm định trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh để thống nhất trước khi ban hành quy định tổ chức thực hiện…
Ông Hoàng Trung Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh). |
Tại phiên bế mạc vào chiều 15/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã biểu quyết thông qua 15 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực như: Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm 2022; Quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Hoàng Trung Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các nội dung kỳ họp, chuẩn bị các ý kiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao, góp phần cùng hệ thống chính trị toàn tỉnh đề ra các giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Để hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm 2022, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất.
Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xây dựng Đề án phát triển văn hoá Hà Tĩnh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức năm học mới; Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn học đại học.
Khẩn trương tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho các gia đình chính sách, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Tập trung chỉ đạo xử lý các tồn đọng. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…