Nhiều nhân viên là F0, một số trạm y tế ở Hà Nội quá tải

GD&TĐ - Số ca F0 tại Hà Nội tăng nhanh, trong khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế cũng mắc Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng y tế cho người dân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính từ 16h ngày 5/3 đến 16h ngày 6/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 142.136 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 142.128 ca ghi nhận trong nước (tăng 10.348 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 92.874 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn tiếp tục là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất với 29.578 ca; tiếp sau đó là các tỉnh, thành có số mắc từ 2.000- hơn 8.000 ca gồm: Bắc Ninh (8.355), Nghệ An (7.579), Hải Phòng (5.154), Hưng Yên (3.904), Phú Thọ (3.694), Sơn La (3.559), Nam Định (3.459), Bình Dương (3.442), Hải Dương (3.363), Lạng Sơn (3.341), Quảng Ninh (2.959), TP HCM (2.879), Hòa Bình (2.877), Vĩnh Phúc (2.794), Tuyên Quang (2.741), Bắc Giang (2.697), Thái Nguyên (2.682), Đắk Lắk (2.680), Ninh Bình (2.460), Hà Nam (2.396), Thái Bình (2.270); Hà Giang (2.212), Bình Phước (2.202), Yên Bái (2.178), Quảng Bình (2.133), Điện Biên (2.105), Cao Bằng (2.018),

Các tỉnh, thành có số ca mắc từ 1.000-2.000 F0 gồm: TP Đà Nẵng (1.972), Lào Cai (1.955), Cà Mau (1.903), Bình Định (1.889), Lai Châu (1.806), Khánh Hòa (1.485), Phú Yên (1.296), Thanh Hóa (1.280), Bắc Kạn (1.150), Bến Tre (1.071).

Trên VietNamNet, một nhân viên y tế phường tại quận nội thành Hà Nội cho biết, trạm y tế của chị có tổng số 9 người, hiện cả 9 người đều mắc Covid-19. Trong số đó có 1 nhân viên âm tính sau 5 ngày, sức khỏe ổn định hơn đã ra trạm làm việc ngay. Những người còn lại điều trị tại nhà, cường độ công việc không thay đổi.

Theo nữ nhân viên y tế, khó khăn lớn nhất với chị và các đồng nghiệp là lực lượng mỏng nhưng số F0 lớn. Họ phải giải quyết nhiều đầu việc, đặc biệt là vấn đề giấy tờ, thủ tục để người dân lấy bảo hiểm, xác nhận khỏi bệnh.

“Bản thân tôi mới bị 2 hôm nay, sốt cao, khó thở, sức khỏe khá yếu nhưng vì hẹn dân rồi thì nhất định phải giải quyết sớm. Nhiều người trách móc rằng cần giấy tờ ngay để đi làm, rằng "nếu chị không xong cho em thì cơ quan em khiển trách, kinh tế nhà em khó khăn". Họ nói cũng đúng vì đó là quyền lợi của họ, nên mình phải cố gắng thôi”, nữ nhân viên tâm sự.

Theo chị, không riêng hoạt động phòng chống dịch, chương trình tiêm chủng cũng đang tiếp tục phải tăng cường, đẩy mạnh. Việc thu gom rác thải của các gia đình F0 cũng do y tế phường phụ trách. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đã tham gia hỗ trợ vấn đề này. 

Bên cạnh đó là công tác xét nghiệm tại các đám tang trên địa bàn. Theo quy định, nếu một gia đình có đám tang, người mất cần có xác nhận xét nghiệm Covid-19 của y tế phường. Nếu âm tính, gia đình có thể hỏa táng, tổ chức tang lễ ngay. Nếu dương tính, y tế phường phải hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban chỉ đạo để có những giải pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Có ngày, một mình tôi phụ trách xét nghiệm tại 3 đám tang, thêm 1 đám tang nữa có kết quả dương tính hôm trước, cần hoàn thiện hồ sơ. Cứ chạy đi chạy lại, không thể chậm trễ vì người dân cần lo liệu tang lễ đúng giờ”, chị chia sẻ.

Hiện không chỉ nữ nhân viên y tế, cả hai con và người bố chồng ở cùng nhà đều mắc Covid-19. Nhưng do vẫn phải làm việc hàng ngày, chị không có thời gian chăm sóc gia đình.

“Khi có ca cấp cứu, tôi vẫn mặc quần áo bảo hộ, trang bị đầy đủ để đi tới nhà dân. Vì cả nhà họ là F0 rồi, mình cũng là F0 nên có thể mặc bảo hộ đến sơ cấp cứu”, chị nói.

Các lực lượng khác trong phường cũng đang hỗ trợ rất nhiệt tình, đặc biệt là lực lượng thanh niên tình nguyện. Tuy nhiên, họ không thể đảm đương quá nhiều đầu việc do có những vấn đề liên quan tới chuyên môn như tư vấn bệnh, sơ cấp cứu,… vẫn cần nhân viên y tế trực tiếp xử lý.

TTXVN thông tin, số ca F0 tại Hà Nội tăng nhanh, trong khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế cũng mắc Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng y tế cho người dân. Thực tế có thể dễ dàng bắt gặp các trường hợp F0 đi xin giấy xác nhận F0 tại các Trạm y tế hay hỏi mua thuốc tại các hiệu thuốc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.

Cũng như ở nhiều phường, xã, cán bộ Ủy ban nhân dân cũng như ở trạm y tế bị bệnh nhưng vẫn phải làm việc tại nhà, hoặc trong phòng riêng tại Trạm Y tế chứ không được nghỉ. Việc tăng cường nhân viên y tế giữa các phường là khó khăn, do trong lúc dịch bùng phát thì phường nào cũng quá tải.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa): Trạm có 9 cán bộ, nhân viên y tế thì tất cả đều mắc Covid-19, hiện 3 người đã âm tính.

Từ sau Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày phường ghi nhận 300 - 400 ca F0. Riêng việc tiếp nhận thông tin người dân khai báo đã quá tải đối với y tế phường, nên đã được chuyển cho Cảnh sát khu vực hỗ trợ, còn nhân viên y tế tập trung giám sát về chuyên môn, hỗ trợ bệnh nhân...

Để khắc phục, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để bố trí công việc cho phù hợp. triển khai kết hợp làm trực tuyến với trực tiếp; huy động thêm đoàn thanh niên và giáo viên mầm non hỗ trợ tham gia chống dịch…; ứng dụng công nghệ thông tin, lập nhóm zalo để các trường hợp F0 có thể khai báo, trao đổi, chia sẻ, tiếp cận thông tin.

Theo các chuyên gia y tế, nhân viên y tế mắc Covid-19 đã phải dồn lực làm việc liên tục trong thời gian dài, sinh hoạt thất thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc điều trị. Do đó cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế, các địa phương thiếu hụt nhân lực y tế cũng cần thông báo kịp thời với cấp trên để có sự tăng cường, điều động kịp thời.

Giải pháp gì để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở?

Tại phiên họp trực tuyến với UBND Thành phố Hà Nội hôm 27/2, các địa phương đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực hỗ trợ y tế ở cấp xã, phường. 

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh  nhấn mạnh, để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0; vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ… Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua đã xảy ra tình trạng quá tải tại một số Trạm y tế do người dân đến xét nghiệm và xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly. Để giảm tải cho các Trạm Y tế cũng như xác nhận kịp thời cho các trường hợp F0, theo bà Trần Thị Nhị Hà, người dân có thể tự test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (thực hiện online).

Các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có thể in được các quyết định hết cách ly, hưởng Bảo hiểm xã hội); huy động thêm Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để đủ nhân lực phục vụ.

Số ca F0 tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây với trên 10.000 ca mỗi ngày gây áp lực cho công tác điều trị. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Đến nay đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường. Hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người mắc điều trị ở tầng 2 và 3.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây.

Bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định, ngành y tế Hà Nội vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân, kể cả khi số ca mắc tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố đã có phương án đáp ứng được.

Để hạn chế tối đa ca bệnh nặng và nguy kịch, ngành y tế thành phố đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư... để tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung. Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng.

Bên cạnh đó, quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế chuyển nặng, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng thì cần chuyển tuyến kịp thời, điều phối hợp lý giữa tầng 2, 3 là cách hiệu quả nhất để giảm tải, ngăn chặn ca tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ